Vẫn “xin cho”
Ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới GDPT Việt Nam (VIGEF), nguyên Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT) - chia sẻ bất cập: Nhiều văn bản chuyên môn của Bộ GD&ĐT ban hành không được chính quyền địa phương các cấp chấp hành đầy đủ, mặc dù nơi gửi có ghi rõ đơn vị phối hợp thực hiện. Tùy mỗi tỉnh, thành phố, mỗi nơi mỗi vẻ, phải dựa vào mối quan hệ nhờ vả vào UBND cấp tỉnh, cấp huyện mới triển khai được nhiệm vụ về đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng GD.
Ngay cả những văn bản được ban hành liên bộ cũng khó khả thi thì văn bản chỉ đạo riêng của Bộ GD&ĐT, có liên quan tới con người, kinh phí càng khó có thể được thực hiện. Thực tế đã xảy ra, có những mô hình GD đổi mới đang được Bộ GD&ĐT chỉ đạo nhưng địa phương cho dừng không triển khai vì không có kinh phí hỗ trợ cho hoạt động học của trò và bồi dưỡng tập huấn chuyên môn cho thầy.
Do đâu nên nỗi đó? Chắc chắn có phần vì GD không có quyền về tiền. Theo quan điểm của ông Đặng Tự Ân, ngân sách cho một tổ chức chỉ có thể là phương tiện, động lực cho tổ chức ấy phát triển. Ngân sách cho GD không thể là yếu tố quyết định tất cả nhưng lại là công cụ giúp cho GD ổn định, đổi mới và sớm thay đổi được xã hội. Ngành GD không nhiều “lực” như các Bộ, ngành khác thì “công cụ” ngân sách ấy như chiếc “gậy thần”, nó vô cùng quan trọng và thực sự hữu hiệu cho mỗi nhà trường cũng như toàn ngành GD.
“Tốt nhất là Bộ GD&ĐT và các cơ sở GD cần được Nhà nước trao quyền cho tự chủ từng bước, theo thứ tự phân cấp các hoạt động theo 3 lĩnh vực: Tài chính - chuyên môn - tổ chức, nhân sự. Trong khi chưa được luật định, thì hiện nay, nhất thiết Bộ GD&ĐT phải có quyền hạn lớn trong việc phân bổ kinh phí GD hàng năm. Bộ GD&ĐT cần được xác định vai trò lớn (được ghi trong Luật GD) vào quá trình xây dựng ngân sách hàng năm. Bộ GD&ĐT được quyền điều phối chung, có quyền quản lý, sử dụng và có cả cơ chế giám sát tài chính ở cấp Trung ương và các địa phương” - ông Đặng Tự Ân trao đổi.
Ông Đặng Tự Ân cùng học sinh tiểu học. Ảnh: Hiếu Nguyễn |
Chia “chiếc bánh” ngân sách GD đã hiệu quả?
Hàng năm Nhà nước dành cho GD khoảng 5% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) tương ứng với 20% tổng ngân sách quốc gia (khoảng 250.000 tỷ đồng). Đây là tỷ lệ đầu tư cao, thể hiện sự quan tâm, sự kỳ vọng với đổi mới của GD nước nhà. Tuy nhiên, ông Đặng Tự Ân cho rằng, xét về giá trị tuyệt đối, nguồn kinh phí này không lớn so với nhiều nước bởi quy mô GDP của nước ta còn nhỏ. Do vậy, Nhà nước cần tiếp tục duy trì mức đầu tư 5% GDP cho GD và hy vọng GDP của Việt Nam tăng dần trong thời gian tới. Lúc đó giá trị tuyệt đối của 5% GDP sẽ đủ lớn, đáp ứng sự đòi hỏi chi ngày càng nhiều, cũng như tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc đổi mới GD.
Hiện tại luật định của Nhà nước đang thực hiện cơ chế quản lý GD, ít nhất là “tam quyền” thì ngân sách GD phải chia năm sẻ bảy, như “chia bánh”. Phải chấp nhận thực trạng này. GD có liên quan tới nhiều lĩnh vực, nhiều bộ, ngành. Vì thế ta cần bàn là những ai được “chia” và “chia” như thế nào? Nếu quyền lực quản lý Nhà nước chưa quy về một mối thì ai có trách nhiệm quản lý lĩnh vực nào liên quan tới GD thì người đó có quyền tham gia “chia” kinh phí.
Chỉ ra hạn chế, bất cập khi sử dụng vốn ngân sách trị giá 5% GDP, Giám đốc Quỹ VIGEF dẫn số liệu của Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) về cơ cấu chi bình quân cho GD hàng năm ở các địa phương, cụ thể: Tiểu học là 32,7%; THCS là 25,3%; mầm non 19%; THPT 12% và ĐH là 2%; các trình độ khác chỉ 9%. Ông cho rằng, cần xem lại, dựa trên nguyên tắc nào để có sự đầu tư ngân sách với sự chênh lệch quá lớn giữa các bậc học, ngành học. Bậc tiểu học, sắp tới là THCS sẽ miễn giảm học phí thì ngân sách đầu tư phải cân đối lại ra sao? ĐH tỷ lệ đầu tư thấp thì không thể lấy thêm từ các bậc học khác mà phải tăng cường tự chủ cho ĐH, dựa vào xã hội hóa GD để tăng nguồn thu. Nghĩa là cần có tính toán một cách khoa học về đầu tư ngân sách từ Nhà nước cho các bậc học, ngành học.
Ông Đặng Tự Ân cũng chỉ ra tỷ lệ trên 80% ngân sách hàng năm để chi thường xuyên là bất hợp lý, cần giảm xuống khoảng 50%, để dành đáng kể ngân sách cho hoạt động chuyên môn, hoạt động đổi mới GD. Song song với chủ trương giảm biên chế có tính toán (nhất là các nhân sự làm việc gián tiếp trong các nhà trường) là từng bước khoán quỹ lương để giảm biên chế, từ đó giảm chi lương cho con người, tăng chi cho hoạt động dạy và học.
ĐH chỉ được 12% trong tổng ngân sách Nhà nước cấp cho GD hàng năm là thấp, nhưng ông Đặng Tự Ân đánh giá điều này là hợp lý. Bậc học này không thể sống và phát triển bằng ngân sách bao cấp mà phải tự mình, tức là phải có quyền tự chủ do Nhà nước giao quyền. Luật GDĐH có ghi trong Điều 8: Đối với ĐHQG “tự chủ cao trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy”. Đối với các ĐH khác tuy không được ở mức cao như ĐHQG nhưng cũng cần được tự chủ ở cả 3 nhóm hoạt động chủ yếu: Chuyên môn, tổ chức nhân sự và tài chính. “Trước mắt, Nhà nước nên cho tự chủ về nhóm chuyên môn cho khoảng 400 trường ĐH, CĐ, sau đó tiến tới giao quyền tự chủ cho hai nhóm hoạt động còn lại” - ông Đặng Tự Ân trao đổi.
Nên “chia” thế nào?
Nhấn mạnh nên có một số nguyên tắc phân bổ kinh phí, nguyên Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học đưa ra một số cách theo quan điểm cá nhân, chẳng hạn:
Không phân bổ kinh phí theo cách bình quân. Cách làm đơn giản hiện nay là các trường trung cấp được cấp 10 tỷ đồng, các trường ĐH là 20 tỷ đồng và đều đặn nhận đủ hàng năm - tức là “cào bằng”. Ở nhiều địa phương mặc dù đã được Trung ương đầu tư các chương trình, dự án (không riêng gì của Bộ GD&ĐT) nhưng vẫn nhận đủ kinh phí theo kế hoạch phân bổ như các tỉnh, thành phố khác.
Ví dụ, dự án PEDC (GD tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn), giai đoạn 2003 - 2011, triển khai cho 44 tỉnh trong cả nước. Dự án đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các điểm trường tiểu học là 163 triệu USD (chiếm khoảng 65% kinh phí dự án), nhưng các tỉnh này không hề phải giảm bớt kế hoạch kinh phí từ Chương trình kiên cố hóa trường học của Chính phủ. Tức là kinh phí Nhà nước bị phân bổ “đúp”.
Không phân bổ kinh phí theo mục tiêu, đầu ra mà chủ yếu là theo phương thức đầu vào, theo kế hoạch năm. Tại trường phổ thông khi thực hiện thí điểm các mô hình GD mới sẽ dùng kinh phí từ dự án. Tuy nhiên, khi kết thúc dự án đồng nghĩa mô hình cũng dừng lại. Có nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân không được bổ sung kinh phí để triển khai, mặc dù tại các trường này vẫn còn mục tiêu đổi mới phương pháp và dẫn dắt các trường khác làm theo.
Với các trường ĐH công lập, cần mở rộng quyền tự chủ, trong đó quyền tự chủ về tài chính được thực hiện đầu tiên; làm cơ sở, tiền đề thực hiện quyền tự chủ về chuyên môn và tổ chức nhân sự.