Bắt nguồn từ ý tưởng đơn giản nhất
Trong một cuộc hội thảo nhằm trợ giúp cho sinh viên các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ do Trường Đại học Trà Vinh tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đã chia sẻ với những sinh viên đang có mong muốn bước chân vào khởi nghiệp: Các bạn cần bắt đầu từ những điều đơn giản, không tham vọng lớn lao, phải bắt nguồn từ ý tưởng đơn giản nhất và quyết tâm thực hiện, phải dũng cảm và chắt chiu những ý tưởng đồng thời phải gắn với những điểm đặc thù của địa phương để xây dựng những mô hình khả thi và hiện thực hoá để thành công.
Trà Vinh là một tỉnh miền Tây Nam Bộ có đông người Khmer sinh sống và cũng là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn. Nhưng thật đáng mừng là sau hội thảo đó, phong trào khởi nghiệp ở trường này đã lan tỏa rất nhanh.
Một cuộc thi trong toàn tỉnh được tổ chức; đã có trên 90 ý tưởng của thí sinh toàn tỉnh gửi về tham dự. 12 ý tưởng tiêu biểu đã lọt vào vòng chung kết, trong đó 9 ý tưởng là của sinh viên Trường Đại học Trà Vinh. Nhìn vào danh mục đề tài thì không có gì to tát, đó là Dự án thiết bị “siêu âm đất”; Du lịch truyền thống văn hóa Khmer Nam Bộ; Mô hình chăn nuôi gà chay; Nhà hàng ẩm thực truyền thống Khmer Nam Bộ; Mô hình chăn nuôi kết hợp và trồng trọt liên kết với người chăn nuôi bò; Cung cấp sản phẩm heo rừng Thái Lan sạch kết hợp với cửa hàng thực phẩm sạch; Sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Khmer và sản phẩm lưu niệm của tỉnh Trà Vinh…
Dự án quảng bá văn hóa Khmer
Là một người dân tộc Khmer, Huỳnh Thươne, đại diện nhóm tác giả Dự án “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Khmer phát triển sản phẩm lưu niệm của tỉnh Trà Vinh” (giành giải Nhất) được chia sẻ: “Xuất phát từ ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Khmer, niềm đam mê và tình yêu đối với văn hóa dân tộc mình, nên tôi cùng cộng sự đã cùng xây dựng ý tưởng khởi nghiệp và lên kế hoạch thực hiện”.
Ý tưởng này của nhóm được đánh giá cao vì đã giúp cho cộng đồng người Khmer lưu giữ các giá trị văn hóa, đồng thời quảng bá văn hóa Khmer đến khách du lịch ở các nơi khác, hỗ trợ cho các cá nhân có điều kiện nghiên cứu văn hóa Khmer, các đoàn nghệ thuật Khmer trong và ngoài tỉnh có thêm đạo cụ biểu biễn, giáo viên trong các nhà trường có giảng dạy về văn hóa và ngôn ngữ Khmer có thể sử dụng làm đồ dùng dạy học các môn về văn hóa Khmer...
Hiện thực hóa dự án, chiến lược tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm này được thực hiện bằng việc bán cho một số đoàn nghệ thuật trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; bày bán tại các gian hàng, quầy bán sản phẩm văn hóa Khmer; các điểm du lịch trong tỉnh; Sasco tại sân bay Tân Sơn Nhất; Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội…
Nhóm dự định xây dựng cơ sở sản xuất, nguyên cứu thêm về nguyên liệu có giá thành phù hợp nhằm tối ưu lợi nhuận, cung ứng ra thị trường những sản phẩm nghệ thuật tinh tế, khéo léo, mang đặc trưng văn hóa dân tộc Khmer.
PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh nhận xét về những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ: “Tôi đánh giá cao các ý tưởng không chỉ vì gắn với tỉnh Trà Vinh và đồng bào Nam Bộ mà còn do những ý tưởng này đều có giá trị thực tiễn. Nếu được trợ giúp, hoàn toàn có thể phát triển như Dự án “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Khmer phát triển sản phẩm lưu niệm của tỉnh Trà Vinh” hay Dự án “quán cà phê kết hợp ẩm thực, du lịch truyền thống văn hóa Khmer Nam Bộ"...