Sẻ chia cùng học sinh mồ côi do Covid-19

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 khiến nhiều học sinh rơi vào tình cảnh mồ côi bố, mẹ. Hưởng ứng lời kêu gọi của ngành giáo dục, nhiều tỉnh/thành có chương trình hỗ trợ, “sốc” lại tinh thần cho học sinh mồ côi vì Covid-19.

Đại diện Sở LĐTB&XH TPHCM và Tổng Công ty Điện lực TPHCM trao học bổng tượng trưng cho các học sinh mồ côi vì Covid-10
Đại diện Sở LĐTB&XH TPHCM và Tổng Công ty Điện lực TPHCM trao học bổng tượng trưng cho các học sinh mồ côi vì Covid-10

Giảm thiểu tổn thương tâm lý cho trẻ em mồ côi

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý xã hội Việt Nam, nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục của trường đang triển khai  nhiệm vụ nghiên cứu “Giảm thiểu tổn thương của trẻ em mồ côi sau đại dịch covid 19 ở một số quận và thành phố Thủ Đức tại TPHCM”.  Thời gian triển khai nghiên cứu từ quý 4/2021 đến quý 3/2022.

TPHCM và một số tỉnh, thành có hơn 1.000 trẻ em rơi vào tình trạng mồ côi. Mồ côi, đó là một trải nghiệm đau đớn, không thể chối từ ngay cả cố gắng dùng ý chí để ám thị hay đánh lừa bản thân. Mất mát khi mồ côi không gì so sánh được, nhất là khi người đã mất có sức ảnh hưởng đặc trưng đối với con cái dựa trên mối quan hệ gắn bó.

Đại dịch Covid-19 là một sang chấn, diễn ra với những ám ảnh ngay trong những trải nghiệm, với trẻ em, chúng vẫn tồn tại và bắt đầu tác động đến cuộc sống của các em và tạo ra những thương tổn sâu sắc. Vì thế, việc thực hiện giảm thiểu tổn thương của trẻ em mồ côi là nhiệm vụ rất nhân văn và cấp thiết.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn (trái)
GS.TS Huỳnh Văn Sơn (trái)

“Mục tiêu của đề tài nhằm đưa ra đề xuất một số tác động góp phần giảm thiểu tổn thương tâm lý của trẻ em mồ côi sau đại dịch Covid-19. Trong đó, nhiệm vụ cụ thể là đưa ra luận giải, xác định cơ sở lý thuyết để đề xuất một số tác động cụ thể nhằm góp phần giảm thiểu tổn thương tâm lý của trẻ em mồ côi.

Đồng thời, tiến hành thử nghiệm một số tác động cụ thể dựa trên khung giới hạn góp phần giảm thiểu tổn thương tâm lý của trẻ em mồ côi sau đại dịch Covid-19”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, trường học cần thực sự quan tâm đến giáo dục trẻ em nhất là trẻ em nhạy cảm, yếu thế với những tổn thương tâm lý liên quan đến đại dịch Covid-19.

Hơn ai hết, mỗi thầy cô cần tìm hiểu, thấu cảm, đồng hành, sát cánh và nâng đỡ các em. Chúng ta đồng hành không chỉ là hành động mà cả những lời nói, thái độ trong từng khoảnh khắc, theo sát các biểu hiện có vấn đề và nâng niu từng biểu hiện tích cực, từng thay đổi thích nghi và phát triển của các em.

Bên cạnh đó, chúng ta nâng đỡ không chỉ về học hành, mà còn là cảm xúc, thái độ và nhất là niềm tin của các em vào cuộc sống. Khó nhưng không phải không làm được, nếu trường học được trang bị những vấn đề về sang chấn tâm lý đối với học sinh mồ côi bị tổn thương trong đại dịch Covid-19 hoặc sau đại dịch nhất là hỗ trợ tập huấn với các giáo viên và các bên có liên quan, chắc chắn rằng đây chính là sự quan tâm đích thực, đầy giá trị với trẻ em, học sinh.

“Giáo dục con người chính là chắp cánh, mong mỗi người hãy chắp cánh để các em vượt qua tất cả thách thức và cơn bão cuộc đời đã ập đến quá khủng khiếp để các em hiểu rằng, các em còn đó tình yêu thương và sự gắn kết của rất nhiều người nhất là thầy cô, các nhà giáo dục…”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Huy động nguồn lực chăm lo trẻ mồ côi do Covid-19

Để chăm lo cho người già neo đơn và trẻ mồ côi do Covid-19, Sở LĐTB-XH TPHCM đã tham mưu trình UBND TPHCM “Chương trình huy động nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho người cao tuổi neo đơn và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM”. Trong đó, có 9 dịch vụ chăm lo hỗ trợ: chăm sóc sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất- dinh dưỡng, hỗ trợ nơi ở và đồ dùng sinh hoạt…

Trong giáo dục và đào tạo, TPHCM vận động trao học bổng, hỗ trợ chi phí học tập, đỡ đầu học tập đến phổ thông trung học, cao đẳng, đại học… Trẻ em được tư vấn, hướng nghiệp khi học hết bậc trung học cơ sở.

Đại diện Quận ủy Quận 1 (TPHCM) và Giám đốc ngân hàng SHB Chi nhánh TPHCM trao hỗ trợ cho trẻ em mồ côi.

Đại diện Quận ủy Quận 1 (TPHCM) và Giám đốc ngân hàng SHB Chi nhánh TPHCM trao hỗ trợ cho trẻ em mồ côi.

Theo ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra trên địa bàn TPHCM khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Cụ thể có hơn 380 người cao tuổi neo đơn, trên 220 trẻ em là con của sản phụ mắc Covid-19 và hơn 1.850 trẻ mồ côi vì Covid-19.

Thời gian qua, nhiều sở ban ngành đã có những chương trình hỗ trợ thiết thực trong việc chăm lo trẻ mồ côi do Covid-19. Trong đó, tập trung đỡ đầu cho trẻ em học tập đến 18 tuổi học xong phổ thông trung học, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ học đại học.

Vừa qua, Sở LĐTB&XH TPHCM phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Bộ LĐTB-XH, Ngân hàng SHB và Tập đoàn T&T tổ chức chương trình hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và trẻ em là con của sản phụ mắc Covid-19.

Theo bà Đặng Tố Loan, Giám đốc ngân hàng SHB Chi nhánh TPHCM, trước thông tin đại dịch Covid-19 đã khiến hàng ngàn trẻ em trên toàn quốc, trong đó tại TPHCM có hơn 1.850 em mồ côi, SHB vô cùng thấu hiểu, xót xa và mong muốn cùng cộng đồng dang rộng vòng tay yêu thương, động viên các em tiếp tục vững bước trên con đường học tập, tạo dựng tương lai. Vì thế, SHB có chương trình giúp đỡ toàn bộ trẻ em mồ côi với mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/em và 1 triệu đồng/em là con sản phụ mắc Covid-19.

Trước đó, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) và Sở LĐTB&XH TPHCM đã ký thỏa thuận đỡ đầu, hỗ trợ dài hạn 35 trẻ em mồ côi do Covid-19. Theo đó, EVNHCMC nhận bảo trợ cho 35 trẻ mồ côi vì Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM. Chương trình bảo trợ được bắt đầu ngay từ tháng 10-2021. Mỗi em sẽ nhận học bổng trị giá 24 triệu đồng/năm (2 triệu đồng/1 tháng).

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng Giám đốc EVNHCMC, trong số các em bị tổn thương do Covid-19 có em là học sinh tiểu học, có em đã bước vào THPT; thương tâm hơn, có em chỉ vài tuổi thậm chí vừa mới chào đời, còn rất nhỏ để có thể hình dung được hình ảnh cha, mẹ mình sau này... Trước tình cảnh đau thương này, EVNHCMC đã chủ động làm việc với các ban, ngành liên quan nhằm nhanh chóng thực hiện chương trình bảo trợ cho các em.

Theo thống kê, tính đến ngày 14/10, số trẻ em phải chịu cảnh mồ côi cha, mẹ do đại dịch Covid-19 lên đến 2.500 trẻ, trong đó số trẻ em mồ côi cả cha và mẹ là 73 trẻ. TPHCM là địa phương có số trẻ mồ côi nhiều nhất với 1.584 trẻ, Bình Dương có 233 trẻ, Đồng Nai có 121…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ