Trẻ em mồ côi vì Covid-19: Tiếng lòng song song với cái nhìn nhân văn, lý trí

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn trên toàn cầu. Trong đó, việc tổn thương tâm lý của trẻ em không may bị mồ côi cha, mẹ do dịch bệnh gây ra, cần được sự quan tâm đúng mức.

Em Nguyễn Ngọc Đan Thanh - học sinh lớp 5/6 Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Q.12, TPHCM) ôm di ảnh của ba trong đám tang ngày 16/8.
Em Nguyễn Ngọc Đan Thanh - học sinh lớp 5/6 Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Q.12, TPHCM) ôm di ảnh của ba trong đám tang ngày 16/8.

Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại TPHCM và một số tỉnh, thành phố. Hiện đã có hơn 1.000 trẻ em rơi vào tình trạng mồ côi. Số liệu khảo sát trực tiếp tại một quận tại TPHCM cho thấy một góc nhìn cần đa chiều, sâu sắc và đồng cảm từ tâm với các em.

Thực tiễn xa xót

Nếu ai chưa từng mồ côi sẽ chưa trải nghiệm sâu sắc về hai từ mồ côi có sức công phá thế nào với đời người. Khi người ta mồ côi, thì dù bao nhiêu tuổi vẫn bất hạnh đến mức vô cùng. Mất mát khi mồ côi không gì so sánh được, nhất là khi người đã mất có sức ảnh hưởng đặc trưng đối với con cái dựa trên mối quan hệ gắn bó. Văn hóa người Việt cho thấy quan hệ mẹ con, ba mẹ - con cái là quan hệ gắn bó mật thiết và sâu sắc. Lớn lên và trưởng thành mới thấy nỗi đau sâu và lâu đến thế nào, vaccine nào để có thể xoa dịu hay phòng ngừa đơn giản?

Mồ côi, dù ở độ tuổi nào, cũng là sự tổn thương ghê gớm. Đó là một trải nghiệm đau đớn, không thể chối từ ngay cả cố gắng dùng ý chí để ám thị hay đánh lừa bản thân. Tổn thương ấy sâu sắc không chỉ bù đắp hay xoa dịu trong thời gian ngắn, bằng các buổi ăn, bằng sự gần gũi vừa vặn của một quan hệ thay thế, của một sự chăm sóc chừng mực.

Chúng ta cần hiểu điều đấy để thấy rằng, cách nhìn về trẻ em cần ánh mắt của người trưởng thành sắc sảo, bằng cái nhìn của chính trẻ con để đồng cảm; cái nhìn của nhà giáo dục để chăm sóc và dạy dỗ, cái nhìn của nhà tâm lý để dưỡng dục và nâng đỡ, cái nhìn của một tấm lòng nhân ái để trao tặng cho trẻ em đúng hành trình, đủ đầy nhu cầu và ấm áp, thường nhật của tình yêu… Làm điều này không phải dễ dàng hay chỉ là những câu chữ vô tư… bởi nỗi đau ấy xa xót tận bên trong mà nhiều khi vô định kéo dài, lan tỏa thiếu điểm dừng là vậy…

Quan tâm đến trẻ em, sao không nhói lòng khi nhìn những bức ảnh với ánh mắt ngây thơ vô tội khao khát tình thương đến trĩu lòng. Là người đến với trẻ em bằng hành trình chính các em chắp cánh để vào nghề, vào đời, sao có thể cầm được giọt nước mắt dẫu là len lén hay chảy ngược vào hồn khi tiếp xúc và trả lời các câu hỏi của các em: mẹ, bố con đi luôn phải không thầy? Đồng hành với các em, càng lo lắng khi viễn cảnh nghĩ suy về tiến trình lớn lên và trưởng thành của các em sẽ thế nào khi nhiều nguy cơ, khi áp lực xã hội bủa vây?

Những ngày tháng đại dịch, mỗi người có mối quan tâm và nhóm chúng tôi lẳng lặng tiếp xúc với con trẻ thông qua các tổ chức và đại diện cho phép. Bởi chỉ có cách đó mới hiểu các em, hiểu nỗi đau và sang chấn trong mùa dịch, hiểu được sang chấn sau đại dịch, thấu hiểu các em trong khả năng của một tư duy đồng cảm. Toàn Quận Tân Phú (TPHCM) cập nhật có 20 trẻ tiểu học mồ côi cha mẹ trong số đó có 5 trẻ mồ côi cha lẫn mẹ… Còn dữ liệu này ở Quận 3 (TPHCM) cũng tương tự trong 19 học sinh tiểu học. Còn đó nỗi đau khi 2 trẻ em mầm non mất mẹ, 17 trẻ em THCS mất cha hoặc mẹ…

Nếu hiểu đúng và đủ, vấn đề không chỉ là mồ côi nghĩa là chỉ cần nuôi, chăm sóc hay chỉ là đi học, đến trường hay có thể cần một nơi để ngủ… Đương nhiên những điều này thật đáng quý nhưng chắc chắn trẻ em còn cần nhiều hơn thế. Nếu quan tâm đúng và đủ từ sớm, chắc chắn sẽ làm cho sự bơ vơ khi lạc đường không ai giúp đỡ sẽ ít đi; sự mủi lòng khi thiếu đi bàn tay ấm áp, vỗ về, sự nhạy cảm để tổn thương chồng lấn tổn thương sẽ giảm thiểu tối đa, sự mặc cảm vì cảm giác trơ trọi, cô độc được khắc chế; cái mênh mang, vô định giữa dòng đời được dẫn đường thì có lẽ đó là… hạnh phúc dẫu là tương đối.

Hai anh em Phan Tuấn Kiệt và Phan Gia Lạc (TX Thuận An, Bình Dương) đứng trước di ảnh ba mẹ.

Hai anh em Phan Tuấn Kiệt và Phan Gia Lạc (TX Thuận An, Bình Dương) đứng trước di ảnh ba mẹ.

Đồng cảm có lý trí

Đại dịch Covid-19 là một sang chấn và sang chấn này diễn ra với những ám ảnh ngay trong những trải nghiệm về sự mất mát với các hình ảnh và âm thanh đã từng chứng kiến. Một khi trải nghiệm sang chấn đã qua, dịch bệnh đã được kiểm soát, trẻ em và nhóm yếu thế có thể mất một thời gian để làm quen với những gì xảy ra.

Việc cảm thấy sốc, choáng ngợp hoặc tê liệt trong nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng sau đó là điều bình thường. Đối với hầu hết mọi người, những cảm giác này sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng với trẻ em tưởng chừng quên mau nhưng chúng vẫn tồn tại và bắt đầu tác động đến cuộc sống âm thầm.

Tìm để hiểu, hiểu để cảm thông sẽ thấy các biểu hiện sang chấn khi các em mồ côi khá rõ: Gián đoạn các thói quen trước đây; Tái hòa nhập và xây dựng thói quen trong tình trạng bình thường mới của xã hội; Trải nghiệm sự đau khổ do mất mát người thân vì Covid-19; Lo lắng về tình trạng kinh tế, tài chính và thậm chí sợ sệt dù không rõ ràng; Căng thẳng, lo lắng về việc học – có liên quan đến học trực tuyến (cả về tâm thế, sự đáp ứng lẫn cơ sở vật chất); Sợ hãi về kết quả học tập; Cô lập/ Tự cô lập xuất hiện; Hạn chế khả năng kết nối, giao tiếp với bạn bè đồng trang lứa; Thường xuyên mất kiểm soát về cảm xúc, hành vi… Có thể những biểu hiện này xuất hiện đồng loạt hoặc tuần tự nhưng không phải dễ nhận ra nếu chỉ nhìn bề ngoài hay giản đơn hóa hành vi nâng đỡ, giúp đỡ các em.

Phân tích cụ thể những tổn thương của một vài trẻ em cho thấy không dễ dàng nhận ra nếu thiếu khả năng tiếp cận các em. Từ góc nhìn Tâm lý học, hội chứng sau sang chấn là cách thức có thể khai thác. Quan sát thực tiễn cho thấy nhiều triệu chứng lâm sàng ở một vài cá nhân này cần được tiếp tục để tìm hiểu và đánh giá ở các em.

C.F. Shatan – nhà Tâm lý học nghiên cứu về sang chấn của trẻ em và người trưởng thành trẻ tuổi sau cuộc chiến cho rằng “Họ bị ám ảnh, hình ảnh khủng khiếp đã qua luôn tái hiện trong tâm trí họ, những khó khăn tâm lý trong cuộc sống hằng ngày xuất hiện. Họ cảm thấy không có khả năng yêu mến người khác và bản thân mình cũng như dễ liên tưởng lại hình ảnh đó, xuất hiện cảm xúc tiêu cực”. Với các em cũng như thế, nếu đại dịch Covid là cuộc chiến đã tàn phá thể chất và tinh thần và nhất là cướp đi sinh mạng của người thân, rõ ràng là các em đã quá thương tổn.

Trẻ em mầm non, học sinh tiểu học và cả học sinh trung học cơ sở là đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Những suất học bổng, phần quà hỗ trợ tuy không thể giải quyết hết những khó khăn, mất mát do dịch Covid-19 gây ra đối với học sinh dù có thể nói là rất cần thiết. Trẻ em cần cốc sữa, cần buổi ăn, cần mái ấm, cần nhiều hơn thế nữa đó là tình yêu thương, sự chấp nhận, sự sẻ chia, sự dưỡng dục và sự thích ứng tác động đến từng hoàn cảnh của các em.

Hành trình của các em không thể dễ dàng ở một khu tập trung để thiếu đi hơi ấm đích thực của người thân nếu các em còn dòng họ thân thuộc. Để lớn lên và trưởng thành, các em cần người hiểu mình và có thể tin cậy để dựa vào khi mệt mỏi, cảm xúc… Hay các em cần lắm một nơi có thể an toàn đúng nghĩa trên bình diện cá nhân bởi đó là mẹ, đó là cha, đó là người các em có thể gửi trao nhiều tâm sự…

Chúng ta cần hành động nhưng chắc chắn hành động này cần lắm những định hướng có chiến lược và nhất là đừng để sự thương yêu các em tiến gần với ranh giới của sự thương hại. Với từng trường hợp, cần phân tích bối cảnh, xem xét hoàn cảnh cụ thể và nhu cầu cụ thể cũng như mong mỏi liên quan đến quyền của trẻ em để có sự quan tâm phù hợp.

Với trường hợp cần chăm sóc thay thế cho các em thì áp dụng quy định của Luật trẻ em và Nghị định 56. Với một số trường hợp vẫn còn bố hoặc mẹ hay người thân mà trẻ lựa chọn sống cùng, cần chăm sóc tinh thần và nâng đỡ tâm lý một cách có cơ sở. Với những trường hợp có nguy cơ sang chấn kéo dài sau hậu sang chấn, cần có các giải pháp trị liệu và dõi theo sự phát triển để tránh những tổn thương sâu sắc.

Cần có định hượng những phản ứng về tâm lý, tinh thần của các em sớm để có can thiệp, hỗ trợ bằng cách thức khoa học và bài bản nhất. Nếu điểm mấu chốt của tổn thương ở trẻ em này là cảm xúc áp đảo và cảm giác tuyệt vọng thì chỉ có sự nâng đỡ, thấu hiểu toàn vẹn mới có thể làm cho các em mờ dần những nỗi đau chạm đáy…

Xã hội vẫn phải vận động và con người phải tiến về phía trước, đương nhiên, các em càng không được bỏ lại. Những chiến lược chăm sóc trẻ em, chính sách xã hội và an sinh xã hội cũng như việc thực thi quyền trẻ em của nước ta được đánh giá cao từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, nếu mỗi chúng ta nghiêng người xuống, nhìn về các em với sự đồng cảm, thấu cảm thì chắc chắn sẽ làm cho tính nhân văn được phủ thêm những hành động thiết thực, có tầm nhìn cho cả hành trình phát triển của các em.

Bằng hành động của mình, việc tập huấn ngay cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn về sang chấn tâm lý đối với các trẻ này dựa trên thực tiễn sàng lọc khi các em đi học là rất cần thiết.

Song song đó, hỗ trợ chăm sóc tâm lý đối với 100% trẻ dạng này tùy theo hình thức tư vấn (kết nối cộng tác viên hoặc các hình thức khác) cần đảm bảo; Truyền thông để cộng đồng xã hội chung tay nhưng không thương hại trẻ, không thương mại hóa việc giúp trẻ. Không chỉ người làm giáo dục hay chuyên gia tâm lý mà cần có các ban ngành đoàn thể cùng chung tay: Phụ nữ phường, Đoàn phường, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận, nhà trường, Ban đại diện CMHS các trường, các lớp. Việc tiếp cận, đánh giá tâm lý theo định kỳ từng trẻ, theo dõi xuyên suốt tâm lý trẻ và có hướng hỗ trợ phòng ngừa hoặc kịp thời là việc không kém phần quan trọng.

Cũng cần hỗ trợ học tập, tư vấn học tập, hỗ trợ kỹ năng sống theo chu kỳ ở bất kỳ môi trường nào trẻ sống ngay cả trẻ em vào các cơ sở giáo dục thì có thể đến thăm định kỳ và thực hành công tác xã hội; Với một số trẻ còn người thân dòng họ, việc hỗ trợ đầy đủ dụng cụ học tập, điều kiện học tập và tư vấn hỗ trợ tinh thần nhất là lắng nghe nhu cầu của các em là điều quan trọng. Và chắc chắn sự đồng hành của nhiều trái tim và tấm lòng để cùng nhau hành động dài hạn là điều rất đáng quý. Đó là hành trình của hai chữ nhân văn đúng nghĩa và đủ màu sắc của lý trí trong đó hướng về trẻ em bằng tất cả tình người, tình yêu thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ