Sau tiêm vắc xin COVID-19, nếu có những dấu hiệu này phải đến ngay cơ sở y tế

GD&TĐ - Sau tiêm vắc xin COVID-19, người dân có thể gặp các phản ứng thông thường; tuy nhiên khi có biểu hiện nặng dưới đây cần đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, người dân có thể gặp các phản ứng gồm:

Phản ứng rất phổ biến như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp; nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh… Bên cạnh đó, cũng có thể xảy ra các phản ứng nghiêm trọng như: Sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn…

Các phản ứng phổ biến như sưng và đỏ tại vị trí tiêm chiếm từ 1%- dưới 10%. Các phản nhẹ sau tiêm đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.

Tuy nhiên người dân cũng cần biết cách theo dõi để đảm bảo an toàn sau tiêm. Cụ thể, người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm.

Đặc biệt, người dân cần chú ý, nếu có một trong các biểu hiện sau, phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời tránh biến chứng:

- Đau đầu, nhìn mờ, nhìn đôi, co giật , tê yếu, liệt.

- Đau ngực, khó thở.

- Đau bụng dai dẳng.

- Phù 2 chi dưới.

Hiện quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất, mức độ phản ứng sau tiêm cũng thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, khi đến lượt người dân cần đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ; tiêm đủ 2 liều của cùng 1 loại vắc xin.

Người dân cũng chú ý, nên tiêm vắc xin COVID-19 cách tối thiểu 14 ngày với các vắc xin phòng bệnh khác.

Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm 

Vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Quyết định số 983/QĐ-BYT ngày 1/2.

Vaccine này đã được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và là 1 trong 3 vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2.

Từ ngày 8/3, vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca chính thức được tiêm chủng tại Việt Nam với 3 địa phương đầu tiên triển khai là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Dương.

Trong quá trình triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất tại Việt Nam, hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% các trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn.

"Các dấu hiệu này tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm và người được tiêm không cần điều trị. Đây là dấu hiệu bình thường gặp phải không chỉ ở vaccine phòng COVID-19, mà còn ở các loại vaccine phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khắc như sởi, ho gà, uốn ván…" - Bộ Y tế thông tin.

Hệ thống giám sát cũng ghi nhận có khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. 

Những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca tại Việt Nam trong 1 tháng ​qua thấp tương đương so với những số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.

Quy trình tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam được triển khai bài bản, khác biệt so với các nước

Với phương châm "Tiêm đến đâu an toàn đến đó", quy trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến. 

Đó là công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu; tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng. 

Cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn tiếp tục theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm; công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng luôn sẵn sàng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm chủng. 

Đồng thời với quá trình tiêm chủng, thông tin tiêm chủng của người đi tiêm được cập nhật, lưu trữ đầy đủ, hệ thống trong phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử, tiến tới quản lý và cấp chứng nhận điện tử tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, kết nối với thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ