Covid-19 tăng bất chấp vắc-xin: “Báo động đỏ” từ các nước lân cận

GD&TĐ - Bất chấp sự ra đời của vắc-xin ngừa Covid-19, số ca mắc trên toàn cầu tiếp tục tăng cao. Song, đây là tình trạng hoàn toàn bình thường, đặc biệt là trong bối cảnh chưa đủ độ phủ vắc-xin.

Vắc-xin cần đạt độ phủ hiệu quả lên 75%. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Vắc-xin cần đạt độ phủ hiệu quả lên 75%. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Từ 20/2 - ngày được đánh dấu là “sự kiện cộng đồng” ở Campuchia đến nay, tình hình dịch bệnh ở nước này vẫn có những diễn biến phức tạp, với luỹ tích lũy kế hơn 5.000 ca bệnh cùng mức tăng cao mỗi ngày. Với hơn 56 km đường biên giới chung với Vương quốc Campuchia trên đường bộ, biển cùng hơn 145 hòn đảo lớn nhỏ, Bộ Y tế nhận định: 

“Kiên Giang là địa phương có “đường biên dài, vùng biển rộng nhưng khoảng cách nhỏ”. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại Kiên Giang, đặc biệt ở khu vực biên giới tại thị xã Hà Tiên là rất lớn. Công tác phòng, chống dịch cần được triển khai quyết liệt, chặt chẽ, toàn diện. Các phương án, kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 cần được chuẩn bị và xây dựng sẵn sàng cho các tình huống khác nhau”.

Không chỉ Campuchia, hàng loạt quốc gia ASEAN cũng đang rơi vào tình thế cấp bách trong phòng dịch Covid-19. Tới nay, Indonesia là quốc gia ghi nhận tổng số ca bệnh cao nhất trong khu vực. 

Trong khi đó, dịch bệnh cũng bùng phát nghiêm trọng ở Philippines. Malaysia và Thái Lan cũng đang đối mặt với tình hình đáng ngại, khi làn sóng mới kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Trước diễn biến phức tạp của tình hình bệnh dịch ở các nước trong khu vực, Bộ Y tế khuyến cáo, cần tiếp tục tăng cường kiểm tra chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Ngoài ra, tăng cường tuần tra trên biển để chế tối đa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra để chủ động ứng phó. 

Làn sóng Covid-19 mới tiếp tục bùng phát tại nhiều quốc gia đã làm dấy lên câu hỏi về việc, vì sao sự xuất hiện của vắc-xin không đủ để ngăn chăn đại dịch? Song, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, tình trạng này không hề bất thường.

Lý do quan trọng là hiện tại, việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 chưa đạt độ phủ. Trong khi đó, các quốc gia phải bỏ phong toả để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng, ý thức mọi người chưa thực sự nhìn chung một hướng vì cộng đồng. Ngoài ra, điều đáng ngại là biến thể ngày càng dễ lây. Bởi, virus có xu hướng “thuần” với con người. Đồng thời, việc xét nghiệm ngày một dễ được thực hiện cũng là nguyên nhân dẫn tới số ca mắc Covid-19 tăng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chắc chắn, Việt Nam vẫn còn nguy cơ. Bởi, nguồn lây từ nước ngoài vẫn luôn hiện hữu. Do đó, biện pháp hàng đầu hiện nay là đeo khẩu trang đúng cách, nâng cao cảnh giác trong thời gian chờ đủ độ phủ vắc-xin ngừa Covid-19.

Trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá hiện nay về hiệu quả, tính an toàn của vắc-xin phòng Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo: Tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch. WHO nhấn mạnh, các nước cần đẩy mạnh triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19 để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, cũng như ngăn dịch bệnh bùng phát.

Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, đặc biệt là với sự xuất hiện và lây nhiễm mạnh của các biến chủng virus SARS-CoV-2, độ bao phủ hiệu quả của vắc-xin phòng Covid-19 phải đạt 75% dân số thế giới. Đồng thời, bảo đảm tất cả quốc gia và mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm những nhóm khó tiếp cận nhất.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, đại diện WHO khẳng định, vắc-xin là một trong những biện pháp phòng, chống Covid-19. Những lợi ích vắc-xin mang lại vượt trội hơn so với nguy cơ có thể xảy ra.

Tuy nhiên, đại diện WHO cũng cho rằng, vắc-xin không phải là biện pháp duy nhất phòng, chống dịch. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. 

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...