“Vắc-xin Việt” bảo vệ trẻ trên Internet

GD&TĐ - CyberKid Vietnam là một tổ chức bảo vệ trẻ em trước mối nguy hại trên không gian mạng. CyberKid Vietnam đem đến kiến thức an toàn cho hàng trăm học sinh thông qua những tiết học mỗi tuần.

Lớp học CyberSchool do các bạn tình nguyện viên của CyberKid Vietnam tổ chức.
Lớp học CyberSchool do các bạn tình nguyện viên của CyberKid Vietnam tổ chức.

Đi lên từ số 0

Nguyễn Như Quỳnh - Chủ tịch CyberKid Vietnam cho biết: “Cyber là mạng. Kid là trẻ em. CyberKid Vietnam ra đời với 100% ý tưởng, con người Việt”. Theo Như Quỳnh, việc sáng lập ra CyberKid Vietnam – như liều vắc-xin bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trước những nguy cơ độc hại.

“Trẻ em tham gia mạng một mình, đi xuyên qua biên giới quốc gia và lãnh thổ, không có bất kỳ ai kiểm soát và đồng hành… Việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trước các mối đe dọa an toàn thông tin trên không gian mạng còn rất mới. Điều đó khiến các thành viên CyberKid Vietnam phải bắt đầu mọi thứ từ con số 0…”, Như Quỳnh nói.

Xây dựng CyberKid Vietnam theo mô hình một doanh nghiệp xã hội, Như Quỳnh xác định mục tiêu hướng đến cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Do vậy, tất cả lợi nhuận được tái đầu tư vào 3 giải pháp miễn phí gồm CyberHotline (đường dây nóng hỗ trợ trẻ em), CyberSchool (lớp học 90 phút dạy an toàn an ninh mạng) và CyberClass (khóa học online tự trang bị kĩ năng bảo vệ bản thân trên không gian mạng).

Tuy nhiên, tổ chức muốn hoạt động lâu dài phải vận hành theo quy trình. Chẳng hạn, các tình nguyện viên khi được chọn phải trải qua các khóa đào tạo kĩ năng sư phạm, kĩ năng an toàn thông tin cơ bản và được hỗ trợ xử lý tình huống… từ các chuyên gia. Đa phần là các bạn trẻ độ tuổi từ 18 - 25 nên lớp học do CyberKid Vietnam tổ chức thân thiện, gần gũi như một buổi nói chuyện.

Những bạn trẻ này sử dụng các hình ảnh nhân vật, sự kiện gần gũi với học sinh để các em tìm thấy mình trong đó. “Các bài giảng an toàn thông tin trên không gian mạng vẫn được xây dựng kĩ lưỡng, ví dụ minh họa phù hợp với lứa tuổi, không dùng ngôn từ tục tĩu để nói chuyện với các em học sinh… Đó là chuẩn mực của tổ chức, không có ngoại lệ…”, Chủ tịch của CyberKid Vietnam khẳng định. 

Mô hình tiên phong

Lưu Thùy Anh - Trưởng ban giải pháp CyberSchool nói: “Thực tế, nhiều bạn nghĩ rằng bản thân sử dụng mạng xã hội thuần thục nên chủ quan. Đến khi tài khoản Facebook bị kẻ xấu đánh cắp, tất cả tin nhắn, hình ảnh, clip riêng tư bị đăng lên các trang web người lớn. Nếu không trả tiền chuộc thì sẽ bị các đối tượng xấu đăng dữ liệu cá nhân lên mạng Internet. Khi đó mới cầu cứu thì đã muộn”.

Tình nguyện viên CyberSchool tới tận lớp, nói chuyện với từng người để trang bị kiến thức bảo vệ bản thân trên mạng Internet. Từ việc tự nhận thức mối nguy hại (email lạ, quảng cáo có thể đánh cắp thông tin cá nhân…) đến xử trí khi máy tính nhiễm virus. Nếu không tự giải quyết được, các em biết cách gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoặc CyberHotline 02471008869 để được tư vấn.

CyberSchool - xương sống hoạt động của tổ chức này rất đặc biệt. Thứ nhất, mỗi lớp có từ 2 - 3 tình nguyện viên tương tác trực tiếp với tối đa 20 - 25 học sinh. Thứ hai, thầy cô chủ nhiệm luôn có mặt trong lớp để dừng tiết học nếu tình nguyện viên có hành xử không đúng mực.

Thứ ba, tiết học trực quan, cụ thể từng tình huống gắn với cuộc sống như nguy cơ tin tặc đánh cắp tài khoản mạng xã hội khi mật khẩu đơn giản; máy tính bị virus nếu tải tài liệu chứa mã độc…

“Tuy vậy, Internet vẫn là thế giới nhiệm màu, mình không muốn mọi người nhìn nhận Internet chỉ có nguy hiểm, phải bị cấm đoán. Chúng mình muốn các bạn học sinh hiểu và tận dụng Internet, mở ra thế giới kiến thức vô hạn như tham gia các khóa học giáo dục miễn phí như Coursera, Ted Talk…”, Như Quỳnh nói.  

Dám nghĩ - làm việc chưa có tiền lệ

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chánh Văn phòng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trẻ em phải là trung tâm của mọi chính sách. Muốn phát triển và trở thành quốc gia số, cường quốc an ninh mạng trong tương lai, mỗi người phải là công dân số chủ động, trách nhiệm. Do vậy, trẻ em cần được giáo dục toàn diện, đặc biệt là phát triển kĩ năng số.

Bà Hương nhận định: “CyberKid Vietnam là tổ chức xã hội đầu tiên tại Việt Nam tập trung 100% các hoạt động để bảo vệ và hỗ trợ trang bị bộ kĩ năng số cho trẻ em trên không gian mạng với các giải pháp và công nghệ do người Việt làm chủ. Đây là những người trẻ tiên phong, dám nghĩ và dám làm việc chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Các bạn trẻ hiểu công việc mình đang làm, hiểu được giá trị của bản thân và những gì đang làm. Họ dần được cộng đồng xã hội ghi nhận, nhất là từ chính các em học sinh - người trực tiếp thụ hưởng, đón nhận”.

“Tuy vậy, Cyberkid Vietnam trong vai trò là tổ chức xã hội chỉ là một trong rất nhiều trụ cột để thực hiện việc đào tạo phát triển thế hệ công dân số. Cần có sự vào cuộc đồng bộ của các trụ cột chính như: Chính phủ; phụ huynh - nhà trường; các tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Thiếu một cũng không được”, bà Thu Hương nói.

Bà Hương lấy ví dụ, nếu Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý, chính sách liên quan tới trẻ em mà không có sự tham gia của toàn xã hội, trẻ em không đóng góp hay người dân không ủng hộ hoặc doanh nghiệp thờ ơ thì hiệu quả không thể như kỳ vọng.

“Do vậy với vai trò chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi đã khuyến khích, kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội trong đó có những tổ chức xã hội. Vì vậy, chúng tôi đã tham gia hỗ trợ, cổ vũ và đồng hành cùng Cyberkid Vietnam từ những ngày đầu. Từ phương pháp giáo dục, giải pháp công nghệ, pháp luật, kiến thức tâm lý…”, bà Hương nói.

Ở góc độ quản lý khác trên không gian mạng, mới đây (16/4), tại Hà Nội, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo xây dựng chính sách pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với hơn 68,72 triệu người, chiếm 2/3 dân số. Bên cạnh đó, Chính phủ điện tử bước đầu hình thành và ngày càng mở rộng, dân số trẻ, có trình độ học vấn…

Trước thực trạng trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu cấp bách trước thực trạng dữ liệu cá nhân đang bị mua bán, lộ tràn lan hiện nay. Do đó, việc xây dựng quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong điều kiện hiện nay là vô cùng cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.