'Sầu riêng cô Thinh' ở xứ dừa

GD&TĐ - Cô Thinh - người làm nên thương hiệu 'Sầu riêng cô Thinh' - truyền cảm hứng cho nhiều người dân ở xứ dừa Bến Tre.

Cô Thinh giới thiệu sản phẩm 'Sầu riêng cô Thinh' tại siêu thị Go! (Tiền Giang).
Cô Thinh giới thiệu sản phẩm 'Sầu riêng cô Thinh' tại siêu thị Go! (Tiền Giang).

Không cam chịu cảnh nghèo khó, luôn học hỏi và chia sẻ phương cách sản xuất kinh doanh mới, cô Thinh - người làm nên thương hiệu “Sầu riêng cô Thinh” - truyền cảm hứng cho nhiều người dân ở xứ dừa Bến Tre.

Từ nỗi “sầu chung”

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất sầu riêng, ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành (Bến Tre), cô Nguyễn Thị Thinh mang trong mình nỗi sầu chung cùng nhiều gia đình nông dân khác, đó là cảnh làm nông quá vất vả, mà cứ mãi nghèo khó.

Cô Thinh nhớ lại, từ năm 2017 về trước, nhà vườn trồng sầu riêng quê cô chưa am hiểu kỹ thuật, mà chỉ ươm cây, rồi phó thác cho đất trời, mưa nắng. Cây ra hoa đậu trái cành nhỏ, cành to, giữa cành, cuối cành. Trái có bao nhiêu để hết một cách tự nhiên nên khi thu hoạch được rất ít trái to, nhiều trái lép ít múi. Quả sầu riêng mang dáng “vầng trăng khuyết” khó bán mà nếu bán được thì giá rẻ như bèo.

Năm nào mưa thuận gió hòa, sầu riêng trúng mùa, thì rớt giá, thương lái đến tuyển lựa trái lớn nhưng chỉ mua với mức giá “sập sàn” từ 2 - 3 ngàn đồng/kg. Cái khổ nhất của nhà vườn trồng sầu riêng là có những năm nước mặn xâm nhập sâu khiến không ít cây chết đứng. Cây nào gượng được, hai ba năm sau mới phục hồi.

Không am hiểu về kỹ thuật trồng sầu riêng nhưng người làm vườn hay cả tin, ai bày gì đều hăng hái thử làm theo. Rồi có những việc không đúng như: Bón phân, xịt thuốc không bài bản; phân rải vô tội vạ dẫn đến lạm dụng quá mức khiến cây rụng trái.

Có trường hợp rải đủ phân, lại thiếu loại phân bón đúng thời kỳ cần tăng cường để cây ra hoa, đậu trái. Nhà vườn không ít lần thất bại khi nghĩ giản đơn, dùng thuốc dưỡng cây pha thuốc trừ sâu cho đỡ tốn thời gian phun xịt nhiều lần, gặp lúc cây ra đọt non, khiến lá rụng hết. Thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật nên dù nhà vườn trồng sầu riêng nào cũng đã đổ mồ hôi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cố vượt qua cuộc sống nghèo khó nhưng vẫn rơi vào cảnh ngộ “sầu chung” thất bát!

Cùng nhau tìm đường vượt khó

Cuộc sống những nhà vườn mang nỗi sầu chung này chỉ thay đổi khi Hội Phụ nữ xã đề nghị cô Thinh - Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Hàm Luông - thành lập một trong các nhóm sở thích. Cô và các hội viên đề đạt ý nguyện xin thành lập nhóm “Phụ nữ thích trồng cây”. Vậy là nhóm được thành lập với tên gọi là tổ hợp tác (THT) sầu riêng.

Có đội nhóm rồi cô Thinh tìm mời kỹ sư của Trạm Khuyến nông huyện về tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ kiến thức ở đợt tập huấn kỹ thuật này, các chị em trong nhóm hiểu biết và thành thạo hơn trong việc trồng và chăm sóc sầu riêng.

Họ biết sử dụng phân bón, thuốc, thời gian cách ly khi thu hoạch, rồi xử lý cây ra hoa đậu trái, giữ chùm hoa ở giữa cành như thế nào cho trái to, không lép. Từ đấy các vườn sầu riêng trở nên xanh mướt, các trái nhỏ, dày đã được tỉa bớt, những chùm trái to đẹp được phân bố đều đặn trên các cành cây.

Sự hiểu biết và ứng dụng rành rẽ kỹ thuật cho cây sầu riêng ở nhóm phụ nữ “thích trồng cây” khiến các ông chồng nể phục và tin tưởng giao hết phần kỹ thuật cho vợ mình đảm trách.

Tiếng lành đồn xa, THT sầu riêng không chỉ chăm sóc, xử lý kỹ thuật cho các vườn sầu riêng trong địa bàn của mình, mà còn được các chủ vườn sầu riêng ở các ấp, xã khác của huyện Châu Thành tin tưởng, mời đến tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ chăm sóc cho vườn sầu riêng của họ.

Ngoài tiền công trả cho các thành viên THT, nhiều chủ vườn còn đãi cơm, “boa” thêm tiền khi thấy các chị lao động vất vả, nhiệt tình và mang lại hiệu quả kinh tế cho vườn sầu riêng nhà mình.

Việc riêng, việc chung làm các thành viên THT sầu riêng ấp Hàm Luông giờ đây bận rộn quanh năm, đến nỗi các chủ vườn phải đăng ký ngày làm công trước, THT mới sắp xếp được. Cuộc sống của các thành viên ngày một khá lên, số thành viên của THT từ 11 phụ nữ ban đầu, nay tăng lên 52 người và kết nạp thêm cả 10 nam giới tự nguyện đầu quân.

Cô Thinh (giữa) cùng khách tham quan.

Cô Thinh (giữa) cùng khách tham quan.

Liên kết đối tác, kinh doanh “tầm xa”

Tuy đã vững kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng cho trái to, sạch, chất lượng, sầu riêng được chọn là sản phẩm OCOP và xếp hạng 3 sao trong lần chấm đầu tiên nhưng cô Thinh vẫn chưa yên tâm, vì sản phẩm của THT vẫn chưa được định đúng giá trị, vẫn bị thương lái ép giá.

Nhận thấy cần cù lao động, nắm vững kỹ thuật vẫn chưa đủ mà cần phải có phương thức chủ động kinh doanh mới thoát khỏi cảnh mua bán bị gò ép khi vào thời vụ, cô Thinh tìm tòi học cách kinh doanh qua các lớp tập huấn phụ nữ tự tin làm kinh tế, chủ động kết nối doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ số, tham dự các hội thi phụ nữ khởi nghiệp...

Sau mỗi lần “đi một ngày đàng học một sàng khôn” về, cô lại cải thiện, rút kinh nghiệm với chị em, tổ chức công việc kinh doanh bài bản, hiệu quả hơn. Để bán hàng online, cô nhờ con gái, con rể hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh rồi lập tài khoản Facebook, trang fanpage giới thiệu sản phẩm.

Thấy trái sầu riêng của nhà vườn nào cũng giống nhau, cô đến Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đăng ký luôn thương hiệu “Sầu riêng cô Thinh”. Qua mạng online, cô Thinh còn kết nối được với Công ty cổ phần Food Network ở Quận 7, TPHCM để đưa sản phẩm sầu riêng trưng bày ở các siêu thị lớn nhỏ.

Không ngừng học hỏi, cô Thinh còn sang tỉnh Đồng Tháp tìm hiểu mô hình nông dân tổ chức hội quán gắn với du lịch cộng đồng, giới thiệu quảng bá sản phẩm địa phương. Sau chuyến đi này, học tập đội bạn, cô và chính quyền xã Tân Phú xúc tiến ra mắt hội quán đầu tiên của tỉnh Bến Tre. Một trong các hoạt động của hội quán gắn với các điểm du lịch của xã là giới thiệu trái sầu riêng đặc sản cùng các sản phẩm OCOP của địa phương.

“Chiến lược” kinh doanh trái sầu riêng chưa dừng lại, cô Thinh còn bàn với chị em xã viên đưa sản phẩm sầu riêng phục vụ khách du lịch bằng cách bảo quản, chế biến thành các món thực phẩm ngon độc lạ: Sầu riêng nướng nguyên trái tăng vị ngọt, thơm; múi sầu riêng lăn bột chiên có vị béo ngọt, đậm đà; hạt sầu riêng luộc, gọt vỏ nấu cà ri, la gu, sầu riêng làm bánh, kẹo; sầu riêng đông lạnh nguyên trái phục vụ du khách khi qua mùa vụ...

Nhờ tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 và chịu khó tiếp cận thị trường, thương hiệu “Sầu riêng cô Thinh” đã lan tỏa đến nhiều doanh nghiệp và đại lý kinh doanh trái cây ở nhiều tỉnh của miền Tây Nam Bộ. Vào mùa sầu riêng, điện thoại của cô Thinh reo liên tục bởi các giao dịch với khách hàng.

Ngày nay, sầu riêng của vùng đất Hàm Luông, xã Tân Phú, Châu Thành đã được cấp mã số vùng trồng, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Sầu riêng cô Thinh lại có cơ hội kinh doanh tầm xa hơn và ngày càng chinh phục được thêm nhiều khách hàng.

Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh để bà con nông dân tăng thu nhập, có cuộc sống khá hơn, hàng tháng, cô Thinh còn góp tiền và vận động các nhà hảo tâm giúp hơn 300 suất cơm, tặng cho Trung tâm Bảo trợ người tâm thần, Trung tâm Bảo trợ người già và trẻ em mồ côi tỉnh Bến Tre.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.