Dự án nhân văn của cô giáo xứ dừa

GD&TĐ - Với mong muốn có quyển sách giáo dục giới tính dành cho cộng đồng LGBT, một cô giáo trẻ ở Bến Tre đã dành nhiều năm nghiên cứu và thực hiện một dự án mang tên “Đa sắc giới - Rút ngắn khoảng cách LBGT+”. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, dự án này đã được giới thiệu vào vòng chung khảo Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018.

 Cô Nhung (giữa) dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về giáo dục giới tính
Cô Nhung (giữa) dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về giáo dục giới tính

Đem ánh sáng đến cộng đồng LGBT+

Người dành tất cả tâm huyết cho dự án nhân văn nhưng cũng khá “nhạy cảm” này là cô Lê Thị Bé Nhung - Giáo viên Sinh học, Trường THPT Phan Ngọc Tòng (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Trong suốt 7 năm gắn bó với nghề giáo, bên cạnh việc dạy học, cô Nhung còn nghiên cứu các hoạt động giáo dục, trải nghiệm sáng tạo. Đặc biệt, cô đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để chia sẻ với cộng đồng LGBT.

Năm 2016, với đề tài “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học”, cô Lê Thị Bé Nhung đã nhận giải thưởng 100 triệu đồng tại cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” do Trung ương Đoàn tổ chức. Sau đề tài này, có nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi “Tại sao không có sách giáo dục giới tính dành cho cộng đồng LGBT?” khiến cô suy nghĩ và trăn trở rất nhiều.

Cô Nhung chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu, tôi nhận thấy một điều là ở Việt Nam, các loại sách báo, tài liệu dành cho cộng đồng LGBT trong các nhà sách hầu như không có. Một số ít các tài liệu nghiên cứu về cộng đồng LGBT mang tính rời rạc theo chủ đề, được chia sẻ chủ yếu trên mạng internet. Điều đó chứng tỏ chúng ta chưa quan tâm nhiều đến cộng đồng LGBT”.

Cô giáo Lê Thị Bé Nhung
Cô giáo Lê Thị Bé Nhung 

Chính vì vậy, trong hai năm qua, không ngại khó khăn, vất vả và định kiến xã hội, cô đã tiếp xúc, chia sẻ và lắng nghe những câu chuyện cuộc đời của cộng đồng LGBT. Trong khi Việt Nam chưa có hệ thống pháp luật rõ ràng dành cho cộng đồng LGBT, sự kì thị của xã hội còn quá nặng nề, những người thuộc cộng đồng LGBT chưa được giáo dục kỹ năng sống, chưa được định hướng đúng đắn nên đa phần họ khó có cuộc sống hạnh phúc. Sau hai năm, dự án “Đa sắc giới - Rút ngắn khoảng cách LBGT+” được hoàn thiện.

Hãy trân trọng sự ban tặng của tạo hóa

Để hoàn thành dự án này, bản thân cô Nhung phải gặp gỡ nhiều người thuộc cộng đồng LGBT. Đó là cả hành trình dài và gian khó vì sự kỳ thị của xã hội và cả sự mặc cảm của những người trong cộng đồng này. Cô Nhung nhớ mãi câu chuyện cảm động về cuộc đời của cô giáo chuyển giới Quỳnh Trâm.

“Khi được sinh ra, cô ấy mang hình hài của một bé trai, nhưng khi dậy thì, thì giọng nói trầm hẳn và ngực lại phát triển. Khi trưởng thành, cô ấy cảm nhận giới tính mình là nữ chứ không phải là nam. Cô đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật chuyển giới rất nguy hiểm để có một giới tính thật sự như cô mong muốn.

Tôi đã thử liên lạc cô ấy qua các số điện thoại xin được, các trang của cộng đồng LGBT và người quen của cô. Thế nhưng không tìm ra được vì cô đã định cư ở Mỹ được vài năm, chỉ thỉnh thoảng về Việt Nam. Cứ nghĩ sẽ không liên lạc được, rồi vô tình xem được một video của cô được chia sẻ trên Phố bolsa TV, tôi có số điện thoại bên Mỹ của cô và liền chat Viber với cô... Thế đấy, việc tìm hiểu cuộc sống của các nhân vật là rất khó. Vì vậy mình tốn khá nhiều thời gian để cảm nhận tất cả về cuộc sống của họ”, cô Nhung tâm sự.

Chia sẻ xuất phát điểm dự án của mình, cô Nhung trầm ngâm: “Có những việc, khi vừa sinh ra, mặc định chúng ta đã không thể lựa chọn. Chúng ta không thể lựa chọn cha mẹ mình là ai. Cha mẹ đặt tên cho chúng ta khi chúng ta vừa mới chào đời, dù chúng ta thích hay không, nhưng đó là cả một sự kỳ vọng với mình. Chúng ta càng không thể chọn lựa được giới tính vì đó là sự ban tặng của tạo hóa dành cho mỗi con người. Nhưng chúng ta có thể chọn cách sống cho riêng mình. Để bản thân mình cảm thấy hạnh phúc, dù điều đó không thật sự dễ dàng…”.

Cô Nhung còn là một chuyên gia tư vấn tâm sinh lý trong nhà trường. Tự nhận rằng mình còn khá trẻ, cô có ưu thế để dễ gần với các em học sinh. Cô kể: “Thường các em nữ thắc mắc về “ngày đèn đỏ”, còn các em nam là những rung động đầu đời. Nhiều em ấp úng hỏi những câu ngộ lắm! Tôi thấy thương các em. Bản thân tôi và bạn bè ngày xưa bước vào lứa tuổi dậy thì cũng thế, rất lúng túng, nhiều khi hốt hoảng, lo sợ”, cô Nhung kể.

Nâng cao vai trò giáo dục giới tính trong nhà trường

Theo cô Nhung, giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống dành cho cộng đồng LGBT+ là một việc làm cần thiết, qua đó giúp các bạn trẻ có thể nhận thức được giá trị của mình trong cuộc sống. Việc giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống dành cho cộng đồng LGBT+ không chỉ nên dừng lại trong phạm vi học đường mà cần có sự chung tay góp sức của gia đình, cộng đồng và xã hội.

Cha mẹ nên hiểu giới tính của con mình từ khi chúng còn nhỏ. Gia đình và nhà trường hãy tạo điều kiện để trẻ được phát triển đúng với giới tính của mình. Xã hội hãy tôn trọng quyền sống và mưu cầu hạnh phúc chính đáng của các bạn thuộc cộng đồng LGBT+. Nếu được như vậy, xã hội mới thật sự đảm bảo sự bình đẳng giới, tự do và hạnh phúc.

Sản phẩm dự án “Đa sắc giới - Rút ngắn khoảng cách LBGT+” có thể sử dụng như tài liệu phổ thông bổ trợ trong các chương trình giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống cho cộng đồng LGBT+ trong môi trường học đường, các trung tâm bảo trợ dành cho cộng đồng LGBT+. Các bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBT+ và các bạn trẻ đang bâng khuâng về giới tính của mình có thể sử dụng sản phẩm nhằm tự tìm hiểu để hiểu rõ hơn về chính mình và sống tốt hơn.

Phụ huynh có con em thuộc cộng đồng LGBT+ có thể tham khảo sản phẩm để thấu hiểu và yêu thương con em mình hơn. Sản phẩm dự án gồm các nội dung thiết thực: “LGBT+” Đa sắc giới; “LGBT+” Sắc màu cuộc sống; Tôi không bị bệnh đồng tính!; Rẽ trái ngược dòng; Sống chung cùng giới ở Việt Nam; Một số thông tin cần biết dành cho cộng đồng LGBT+; Đa sắc giới - Tôi là ai?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.