Sau giờ giảng

GD&TĐ - Sau giờ giảng có bao điều muốn nói. Sau giờ giảng thầy lại nghĩ suy về bài giảng vừa xong.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Trên bảng đen, những nét phấn vô tình

Có ngân nổi lời nước non sâu thẳm

Ta cỗi cằn và ta xơ cứng

Hay văn chương chưa đồng vọng với đời?

Thầy đọc, trò ghi trì trệ một thời

Như chim nhồi rơm, như thân bướm ép

Thầy ra lớp, học trò gấp sách

Khoảng cách nhân văn cứ bước xa gần 

Biển và trời bên cửa sổ mênh mang

Rời rợi xanh ập òa trăm đợt sóng

Bài thơ ngủ yên và trang giấy trắng

Thao thức khôn nguôi trước giờ giảng

hững hờ...

Giang Biên

Lời bình của Trần Văn Toản

Sau giờ giảng thầy nghĩ về trang giáo án với bảng đen, phấn trắng... để làm sao mỗi giờ lên lớp là thêm một ô cửa kiến thức mở ra.

Muốn nói bao nhiêu, muốn kể bao nhiêu cũng chưa trọn nỗi niềm của người thầy sau giờ giảng. Bài thơ Sau giờ giảng của Giang Biên là những trăn trở không yên, là cả một khoảng lặng suy tư của người thầy dạy văn sau một lần rời bục giảng.

* * *

Bài thơ là lời độc thoại. Chao ôi, tiết giảng văn trôi qua, điều gì đọng lại trong sâu thẳm học trò. Có hay không một niềm rung động từ lời giảng của thầy, từ hình tượng văn chương in trên trang sách?

Trên bảng đen những nét phấn vô tình, câu thơ mở đầu bài thơ như một lời tự nhủ. Người thầy đang nghĩ về tiết dạy văn còn chưa nguôi lời giảng. Nét phấn vô tình cứ hiện dần lấp đầy khoảng trống bảng đen mà không lấp nổi khoảng trống trong tâm hồn trò...

Từng con chữ theo bàn tay thầy hiện lên trên bảng có làm rung động trái tim học trò! Lẽ tình, qua lời giảng của thầy sẽ mở ra cho các em bao tình yêu và ước vọng. Để rồi, qua lời giảng của thầy, các em yêu hơn cánh cò, yêu hơn câu ca dao, lời ru của mẹ, yêu hơn điệu hồn dân tộc. Nghĩa là qua mỗi câu thơ, hình ảnh... làm ngân rung “lời nước non sâu thẳm”, để rồi tiếng vọng cuộc đời - qua văn chương - trở thành tiếng vọng của tâm hồn.

Ý thức về sứ mệnh văn chương, về vai trò, đặc trưng bài giảng văn, người thầy trong bài thơ cảm thấy băn khoăn vì một tiết giảng văn đã đi qua không như mong muốn. Lời độc thoại, chất vấn: “Ta cỗi cằn và ta xơ cứng. Hay văn chương chưa đồng vọng với đời” nghe đau đáu cõi lòng.

Người thầy dạy văn như là người ca sĩ trên sân khấu. Giọng điệu khi thì ngân nga, sang sảng, khi thì sâu lắng, nhẹ nhàng. Những âm vang trong từng bài giảng của thầy sẽ trở thành những âm vang trong thế giới cảm xúc vốn nhạy cảm của tuổi học trò.

Vậy mà - ta cỗi cằn và ta xơ cứng - câu thơ thổn thức một nỗi lòng. Hai từ “ta” nhấn mạnh lời tự vấn đầy trách nhiệm của người thầy dạy văn, thầy cảm thấy mình bất lực bởi không điều khiển được men say nhịp đưa cảm xúc tâm hồn. Vì thế:

Thầy đọc, trò ghi trì trệ một thời

Như chim nhồi rơm, như thân bướm ép

Thầy ra lớp, học trò gấp sách

Khoảng cách nhân văn cứ bước xa gần

Còn gì buồn và chán hơn cái cảnh “thầy đọc -  trò ghi” âm thầm, lặng lẽ. Chính cái lối dạy trì trệ, sáo rỗng, đơn điệu này đã làm héo khô không ít mảnh tâm hồn vốn xanh tươi. Chính những “nét phấn vô tình”, lời giảng “cỗi cằn”, “xơ cứng”, lối dạy “thầy đọc - trò ghi” đã dẫn đến kết cục buồn:

Bài giảng vô cảm, vô hồn, như “chim nhồi rơm”, như “thân bướm ép”. Sự nhồi và ép ấy có tạo gì đâu niềm hứng thú nơi các cô cậu học trò.

Vì thế, “Thầy ra lớp, học trò gấp sách/ Khoảng cách nhân văn cứ bước xa gần”. Vậy là giờ văn trôi qua trong lời độc giảng của thầy, khi thầy bước ra khỏi lớp, trả lại bục giảng, phấn trắng thì cũng là lúc học trò gấp sách lại và vẻ đẹp nhân văn vẫn còn là khoảng cách.

Thế giới nghệ thuật ngôn từ vẫn chưa đủ sức đi ra từ văn bản để làm thăng hoa cảm xúc người học. Nhận ra điều này, thầy cứ mãi thao thức khôn nguôi. Sau cái giật mình và nếp nhăn suy tư trên trán khi hồi tưởng tiết dạy của mình, thầy chợt nhận ra:

Biển và trời bên cửa sổ mênh mang

Rời rợi xanh ập òa trăm đợt sóng

Bài thơ ngủ yên và trang giấy trắng

Thao thức khôn nguôi trước giờ giảng hững hờ...

* * *

Văn chương đích thực bao giờ cũng mở ra chân trời kì diệu, lay động và làm thanh lọc những xúc cảm tinh tế, nhân văn. Thế giới văn chương là thế giới của “Biển và trời bên cửa sổ mênh mang/ Rời rợi xanh ập òa trăm đợt sóng”.

Cuộc sóng vỗ vào thơ trăm ngàn lớp sóng để rồi qua điệu giảng của thầy sóng cuộc đời, sóng thi ca ngân vỗ trở thành những con sóng lòng mênh mang, da diết để người đọc, người học lại yêu mến hơn cuộc sống này. Ước mong, khát khao thì vô cùng vô tận nhưng bài giảng hôm nay chưa đến tận cùng.

Thầy buồn bởi bài thơ, câu thơ dường như vẫn còn ngủ yên trên trang sách và lòng học trò chưa thấy xốn xang. Thầy lo các em có còn yêu trang văn, trang đời nữa hay không khi thầy chưa “ngân nổi lời nước non sâu thẳm.../Giờ giảng hững hờ” là do đâu? Ám ảnh trong lòng người đọc là hai câu thơ: “Ta cỗi cằn hay ta xơ cứng/Hay văn chương chưa đồng vọng với đời”.

Thầy tự hỏi và người đọc băn khoăn: Một là do người dạy không mang lửa trong lòng để thiếu đi “chất văn” cần có trong giờ giảng; Hai là do chính tác phẩm văn chương chưa đủ sức lay động những tâm hồn bởi nó thiếu đi chất đời, nhà văn chưa tìm được tiếng nói đồng vọng kết nối tri âm? Câu hỏi đặt ra và thầy không trả lời, chỉ biết rằng thầy vẫn cứ “Thao thức không yên trước giờ giảng hững hờ...”

* * *

Bài thơ ngắn gọn “12 dòng thơ” nhưng mỗi câu chữ là cả một tấc lòng. Xuyên suốt trong mỗi từ, mỗi khổ là niềm nuối tiếc không yên của người thầy. Sau giờ giảng, thầy cứ bứt rứt trăn trở! Tác giả của bài thơ - Giang Biên - là một thầy giáo dạy văn lâu năm. Vì thế, những gì mà bài thơ thể hiện là những lời tâm sự, chiêm nghiệm suốt một đời dạy văn.

Cái giật mình của thầy khi nghĩ về tiết giảng là cái giật mình đầy lương tâm và trách nhiệm. Nếu mỗi thầy cô dạy văn biết day dứt, biết tự nhận xét mình sau mỗi lần lên lớp thì hay và quý biết mấy! Bởi vì biết nhận ra những hạn chế, dám đối mặt và chấp nhận những thất bại có nghĩa là ta đã thành công.

Bài thơ Sau giờ giảng giản dị mà ý nghĩa biết bao. Với tôi, đó là bài thơ hay, bài học đẹp đối với bạn đọc, đối với thầy cô giáo dạy văn. Nhất là hiện nay, khi ngành Giáo dục đang đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy.

Sau giờ giảng là bức thông điệp: Hãy trả lại cho văn chương những giá trị đích thực; Hãy làm thăng hoa cảm xúc cho mỗi tâm hồn bạn trẻ sau mỗi tiết học văn; Hãy làm cho mỗi tâm hồn ngân rung “lời nước non sâu thẳm” để thấy “Biển và trời bên cửa sổ mênh mang/ Rời rợi xanh ập òa trăm đợt sóng”.

Nhiệm vụ và thiên chức đó phụ thuộc rất lớn vào người thầy dạy văn, của những nhà giáo dục, những người biên soạn sách và của những nghệ sĩ sáng tạo văn chương ở mọi thời đại.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.