Thầy A Kâm chia sẻ: Dù không phải là thầy giáo chính danh nhưng được góp sức cho công tác giáo dục là niềm vui rất lớn đối với hai vợ chồng.
Năm 2014, A Kâm tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, anh kết duyên cùng Y Thoan cũng vừa tốt nghiệp chuyên ngành mầm non. Không kiếm được việc, vợ chồng trở về làng làm thuê kiếm sống.
Thấy những đứa trẻ trong làng ít quan tâm đến học hành, A Kâm nghĩ đến chuyện mở lớp. Anh gõ cửa từng nhà, nhưng dân làng rất dửng dưng, việc vận động học sinh đến lớp càng khó khăn. A Kâm đi tìm lũ trẻ thuyết phục, nhưng chúng cũng không có hứng thú. Y Thoan bàn với chồng mua bánh kẹo dụ lũ trẻ đi học.
Ngày khai giảng đúng 5 giờ chiều, hơn 30 học sinh đem sách vở đến tập trung trước vuông sân nhà thầy A Kâm. Không diễn văn, không tiếng trống, chỉ có bánh kẹo và tiếng cười đùa - lớp học của vợ chồng thầy A Kâm bắt đầu như thế.
Căn nhà nhỏ hẹp không chứa nổi mấy chục con người nên phải chuyển ra sân. Thấy đi học vui hơn ở nhà, nhiều em bắt đầu tìm đến nhà thầy A Kâm theo học. Lớp học cứ thế đông dần, kéo dài đến tối mịt mới kết thúc.
Lớp học bắt đầu từ thứ Hai đến thứ Sáu, các môn học chủ yếu là Toán, Văn, Tiếng Anh. “Ban ngày 2 vợ chồng phải đi làm rẫy nên chỉ tranh thủ dạy học từ khoảng 5 giờ đến 7 giờ tối, có hôm đến 9 giờ đêm”, thầy A Kâm kể.
Chất lượng học tập của các em được nâng cao, điểm 9, 10 xuất hiện ngày càng nhiều trong tập vở, lũ trẻ đã ý thức hơn trong việc học.
“Lũ trẻ nhận thức được ý nghĩa của việc học không chỉ là tín hiệu vui mà còn làm tăng giá trị sống đối với một vùng đất còn nghèo nàn và lạc hậu như xã Đăk Rơ Wa. Khi các em có ý thức học tập, rồi đây cái đói cái nghèo, lạc hậu sẽ phải dần nhường chỗ cho sự phát triển”, thầy A Kâm cho biết.
Là một thầy giáo làng, mở lớp dạy miễn phí cho con em nghèo, vợ chồng thầy A Kâm luôn tâm niệm: Giáo dục không chỉ là cách để khai trí, mà còn là khai tâm – để mỗi học sinh có đầy đủ tri thức, cách làm người tốt trước khi bước vào đời, xây dựng tương lai và quê hương đất nước.
5 năm trôi qua, với vợ chồng thầy giáo A Kâm có thể chưa dài - nhưng đó là một chặng đường với biết bao gian lao, thử thách xen lẫn với niềm vui khi các em học sinh ê a đọc chữ, nắn nót từng nét ngay thẳng trên trang giấy trắng. Đó còn là tình cảm hồn nhiên, trong sáng của lũ trẻ dành cho vợ chồng thầy. “Ngày 20/11, tụi nhỏ rủ nhau lên rừng hái hoa dại. Đến giờ học, chúng lén chạy đến ngại ngùng ấn vào tay thầy cô”, thầy giáo làng kể.
Ngày 12/11, thầy A Kâm ra Hà Nội tham gia Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Báo chí vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2021”. Với A Kâm đây là niềm vui và tự hào của người thầy chưa… chính danh. Nhưng hơn tất cả là được gặp gỡ với nhiều nhà giáo để học hỏi và chia sẻ niềm vui, trăn trở của nghề giáo và sự học nơi vùng khó.