Diệu vợi Tây Bắc
Tây Bắc, nhắc đến thôi đã thấy xa xôi, diệu vợi. Và trên những bản làng vùng cao, heo hút ấy, hơn 60 năm về trước đã đón những thanh niên trí thức miền xuôi tình nguyện viết đơn lên công tác. Họ mở đường gieo "con chữ” cho hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số và trở thành những người đặt viên gạch nền móng cho sự nghiệp giáo dục vùng cao.
Về sau, những thế hệ thầy, cô, tuổi đời mới đôi mươi đã tiếp bước cha anh, theo tiếng gọi của học sinh vùng cao mà lên đây dạy học. Có rất nhiều thầy cô vùng xuôi đã lên đây nhưng rồi đành phải trở về hoặc xin chuyển qua những điểm trường khác bớt khó khăn hơn. Nhưng có người đã trót nặng lòng với học trò vùng cao, tình nguyên ở lại và gắn bó cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục nơi đây.
Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng gần đây đang dần “thay da đổi thịt”. Nhưng trong ký ức của thầy, cô giáo hàng chục năm công tác tại vùng cao vẫn còn vẹn nguyên gian khó với con đường khúc khuỷu, rừng sâu, vực thẳm. Những lớp học lợp lá cỏ tranh, gió mùa rít qua từng kẽ nứa, đêm lỗ chỗ đầy sao. Rồi những ngày cùng học trò trốn mưa, chạy lũ… Tất cả tạo nên một bức tranh giáo dục vùng cao gian khó.
Vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ ngày đầu, nụ cười của thầy, cô giáo vùng cao, biên giới vẫn luôn nở hiện hữu trên khuôn mặt. Họ dành trọn tình yêu thương cho học trò. Dù trong hoàn cảnh nào, các thầy, cô giáo cũng luôn giữ trọn tâm huyết, đam mê với nghề, là tấm gương đạo đức cho các thế hệ học trò noi theo, xứng đáng với sự tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo.
Gian nan Nậm Chà
Có tình yêu với nghề giáo khi có bố làm thầy giáo, chàng trai trẻ trẻ Nguyễn Tiến Phương (SN 1986) đã từ quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh tình nguyện lên vùng cao Lai Châu dạy chữ từ năm 2006.
“Khi lên Tây Bắc, tôi đã xác định sẽ cống hiến cả tuổi xuân cho sự nghiệp giáo dục nơi đây, góp chút công lao nhỏ bé cho nền giáo dục nước nhà. Tôi nhận thức được điều đó vì được sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục, bố tôi là một giáo viên tiểu học công tác từ những năm 70 của thế kỉ trước”, thầy Phương chia sẻ.
Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý, nhưng những ngày đầu lên công tác, thầy Phương vẫn không thể mường tượng hết được những khó khăn mà chỉ giáo dục vùng cao mới có… Thầy nhận nhiệm vụ công tác tại trường phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chà. Trước đây, trường thuộc huyện vùng cao Mường Tè, sau chia tách, trường thuộc về huyện Nậm Nhùn.
Nếu như Nậm Nhùn là một trong những vùng khó khăn nhất của tỉnh Lai châu thì Nậm Chà lại được nhắc đến như một vùng khó khăn nhất của Nậm Nhùn.
Theo lời thầy Phương kể, đường vào trường từ trước năm 2019 là đường đất chỉ đi được mùa khô, còn mùa mưa, nếu không sạt lở thì cũng phải vật lộn với cái xe máy nửa ngày mới ra được đường cái. Để đến được trường phải qua con suối Nậm Chà. Cây cầu tre do dân tự làm để đi lại được bắc lên với những thân gỗ đeo đá nặng làm trụ đỡ, mặt cầu đan kết bằng nứa, tre ọp ẹp, cứ lũ đến lại trôi.
“Năm học 2014- 2015, tôi dạy ở điểm bản Huổi Mắn. Ngày đó, Huổi Mắn đang san mặt bằng tái định cư tránh ngập Thủy điện Lai Châu nên điểm trường là dãy nhà tạm làm bằng tre lợp bạt. Cứ sau 1 trận mưa, gió lốc là lại bị tốc mái, xiêu vẹo. Trong một đêm tháng 4/2015, trường tạm bị gió xô đổ. Toàn bộ tư trang cá nhân của giáo viên cùng hồ sơ sổ sách bị ướt. Tất cả 6 giáo viên phải đi ở nhờ nhà dân và dạy học nhờ ở nhà dân”, thầy Phương tâm sự.
Được biết, Nậm Chà những năm trước thiếu thốn đủ bề. Điện không, sóng điện thoại cũng không nên nhiều thầy cô nhớ nhà, nhớ người thân, chỉ mong ngóng đến ngày nghỉ, đi bộ đến nơi có sóng để gọi điện về. Gọi xong, lòng ngẩn ngơ vì nhớ, lưu luyến và lại đi bộ trở về trường.
“Năm 2014, Nậm Chà mới có sóng điện thoại. Trước đó, muốn gọi điện phải đi bộ trèo lên đồi cách trung tâm gần 10km để dò sóng. Có những người, bố mẹ mất sau 3 ngày mới biết tin để gọi điện về nhà. Năm 2013, đứa con thứ 2 của tôi ốm nặng, phải chuyển viện từ bệnh viện đa khoa Kỳ Anh vào bệnh viện Trung Ương Huế để cấp cứu mà tôi không hề hay biết. Sau này, tôi mới biết, lần ấy suýt không cứu được con", thầy Phương trải lòng.
Đến năm 2019, đường vào Nậm Chà mới có cây cầu bê tông kiên cố, giúp việc qua suối của bà con, thầy cô và các em học sinh được thuận tiện. Cơ sở vật chất đã được đầu tư, nâng cấp, nhưng nhìn chung, Nậm Chà vẫn còn không ít khó khăn, thiếu thốn.
Mong ước hồi hương
Mặc dù công tác trong một đơn vị thuộc diện khó khăn nhất nhì của tỉnh Lai Châu, song thầy Phương luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thầy là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện. 4 năm liên tục, thầy đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019, 2021.
Trên tất cả những thành quả thầy Phương được vinh danh đó, là sự nỗ lực, những cống hiến của tuổi xuân trong suốt 15 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao Nậm Chà.
Mặc dù “lửa nghề” và “cái nợ” với học trò vùng cao vẫn chưa trả hết, song nhiệm vụ gánh vác gia đình đang đặt lên đôi vai của thầy Phương.
Bố mẹ tuổi cao, thường xuyên ốm đau bệnh tật. Vợ thầy cũng là một giáo viên mầm non, đang công tác tại trường Mầm non phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Công việc bận bịu cả ngày lại phải nuôi 2 con đang tuổi lớn. Vì lý do đó, thầy Phương mong muốn được trở về quê hương Hà Tĩnh để tiếp tục sự nghiệp “trồng người”.
Hơn 10 năm nay, những lúc con cái ốm đau, những khi bố mẹ mệt nhọc thầy Phương không được ở bên để động viên giúp đỡ, phụng dưỡng. Các con thầy đã quá thiệt thòi khi phải sống thiếu sự chăm sóc, dạy bảo của bố. Là một người con, người chồng, thầy Phương muốn được cùng vợ chăm sóc dạy bảo các con, phụng dưỡng bố mẹ lúc trái gió trở trời.
Thầy Lê Đình Chuyền, Hiệu trưởng trường phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chà chia sẻ: "Vượt mọi khó khăn, thầy Phương luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được học sinh, đồng nghiệp quý trọng. Khi biết được ý định chuyển về quê công tác của thầy, chúng tôi cũng đã động viên, tâm sự để thầy cân nhắc và có quyết định đúng đắn. Cùng với đó, chúng tôi cũng tạo điều kiện trong thời gian thầy liên hệ chuyển công tác".
Gắn bó với Nậm Chà hơn 15 năm, ngần ấy thười gian có thể chưa đủ nhiều so với những đồng nghiệp đã gắn bó trọn đời với giáo dục vùng cao. Nhưng thầy Phương và các thầy, cô giáo có thể tự hào vì dù họ có về quê hay ở lại, thì tất cả thế hệ học trò vùng cao sẽ khắc sâu hình ảnh về những người thầy, người cô đã dành cả tuổi thanh xuân, đem cái chữ, ánh sáng văn minh đến với bản làng.