Sau đại dịch Covid-19 thứ 4, Việt Nam cần làm gì để đối phó với "mùa dịch thứ 5"?

GD&TĐ - Hiện Việt Nam đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và từng bước chuyển sang trạng thái mới. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhận định, việc bùng dịch còn phụ thuộc nhiều vào khả năng đáp ứng của địa phương.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kết luận cuộc họp sáng 17/10 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và từng bước chuyển sang trạng thái mới, song đợt dịch thứ tư đã gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế-xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân. Vì vậy, thời gian tới đây, các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp được thực hiện phải rất toàn diện, hiệu quả và kịp thời.

Tại kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương đã kế thừa các nguyên tắc, biện pháp được áp dụng trong các đợt dịch trước; đúc kết các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, bổ sung và hình thành công thức trong phòng, chống dịch: 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân và các biện pháp khác.

Các trụ cột là giãn cách, cách ly hẹp nhất, nhanh nhất, chặt nhất có thể, có mục tiêu và lộ trình rõ ràng; xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế; điều trị từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong.

Thủ tướng nêu rõ, những kết quả đạt được mới là bước đầu, chặng đường sắp tới còn rất gian nan, nhưng chúng ta có cơ sở khoa học và thực tiễn để tự tin thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. 

Trước đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Chính phủ cũng đã thống nhất ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.

Thông tin trên Zing, mặc dù vậy, một trong những dấu hiệu đáng lo ngại là số ca nhiễm tăng cao trong thời gian ngắn vừa qua tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang, Bình Thuận, Tây Ninh...

Các chuyên gia y tế cũng đánh giá nguy cơ dịch bùng phát trở lại là vẫn còn. Do đó, các địa phương sẽ phải luôn cảnh giác và thực hiện biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, nhất là khi tỷ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine còn thấp.

Đánh giá về lo ngại liệu Việt Nam có phải đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch thứ 5, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát vẫn cao và rất khó lường. Tuy nhiên, việc bùng dịch còn phụ thuộc nhiều vào khả năng đáp ứng của địa phương.

Đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã có sự cảnh giác, kinh nghiệm cũng như năng lực trong phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, việc một đợt dịch tiếp theo bùng lên và gây ảnh hưởng lớn như vừa qua là khó có thể xảy ra.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, một đợt dịch tiếp theo bùng lên và gây ảnh hưởng lớn như vừa qua là khó có thể xảy ra.

Tuy nhiên, các ổ dịch vẫn có thể xuất hiện rải rác trên nhiều địa phương tương tự Hà Nam hay các tỉnh miền Tây thời gian qua. Nếu tình huống tương tự xảy ra, các địa phương sẽ phải phong tỏa hẹp và gọn để không ảnh hưởng tới kinh tế cũng như an sinh xã hội của người dân.

Theo ông Phu nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất là chúng ta cần phát hiện những ổ dịch này sớm nhất có thể. Ngoài ra, ý thức phòng dịch của người dân với việc thực hiện nghiêm 5K cũng góp phần rất lớn giúp các địa phương tránh được nguy cơ bùng phát dịch.

Áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp chuyên môn, năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay diễn ra chiều 17/10, báo cáo của Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày cho biết, trong đợt dịch thứ 4, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được áp dụng trên thực tiễn để đáp ứng với diễn biến mới của dịch bệnh, nhất là đối với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta.

Việc kết hợp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong điều trị người bệnh đã góp phần giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới. Tác động phối hợp của giãn cách xã hội, xét nghiệm rộng, điều trị sớm, bao phủ vắc xin, bảo đảm an sinh đã đem lại kết quả tích cực.

Đó là, áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp giám sát, truy vết nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh. Các biện pháp tổ chức cách ly được điều chỉnh, cập nhật theo diễn biến dịch bệnh và năng lực cách ly của từng địa bàn. Nhiều biện pháp cách ly lần đầu tiên được triển khai trong phòng, chống dịch tại nước ta.

Các địa phương đã từng bước tăng cường năng lực xét nghiệm. Huy động, điều phối hiệu quả các lực lượng hỗ trợ từ các địa phương; kết hợp hiệu quả phương pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT- PCR; thực hiện việc gộp mẫu (gộp 5, gộp 10...) để làm tăng tốc độ xét nghiệm và giảm chi phí; chủ động tầm soát lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao.

Bài học đó được đúc kết tại các địa phương như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Khánh Hòa, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh (Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ).

Về điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, ngành y tế đã tập trung toàn lực để điều trị giảm tử vong, thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến; phân tầng điều trị; trang bị hệ thống oxy y tế, huy động sự tham gia của y tế tư nhân.

Đặc biệt, thành lập các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn là giải pháp đột phá, đạt hiệu quả cao, giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại xã, phường, góp phần giảm bệnh nặng, giảm tử vong. Triển khai các mô hình chăm sóc, điều trị tại nhà, kết hợp Đông - Tây y

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định: Với kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên; chiến lược vắc xin đã phát huy hiệu quả, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch.

Đến nay, đã tiếp nhận 92,5 triệu liều vắc xin Covid-19 và tiêm được hơn 61 triệu liều. Đến ngày 16/10/2021, đã có 60,2% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin và 24,7% đã tiêm đủ liều vắc xin.

"Mặc dù xuất phát điểm chậm, song tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi vắc xin của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới do đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Chiến dịch đã huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước, ở Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, công an, quân đội, công lập và khu vực tư nhân.

Vắc xin đã được phân bổ theo địa bàn trọng điểm là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch…; thực hiện tiêm cho các đối tượng nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em, mở rộng mạng lưới tiêm chủng bao gồm cố định và lưu động. Kết quả tiêm chủng đóng vai trò quan trọng, quyết định để thực hiện tiến trình phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn với dịch bệnh…

Những kinh nghiệm quý giúp ngăn chặn làn sóng dịch

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, muốn đánh giá những biện pháp chống dịch có phù hợp với các nguyên tắc về mặt chuyên môn hay không, cần đưa bức tranh tổng thể cả quá trình chống dịch từ ca bệnh đầu tiên đến nay.

Theo ông Lân, phải phân tích, cân đối giữa ba yếu tố: Đặc điểm của tác nhân gây bệnh là Sars-CoV-2 theo từng biến chủng; đặc điểm văn hóa, kinh tế, xã hội; thứ ba là các biện pháp kiểm soát. Mục tiêu đặt ra là giảm số ca mắc, ca tử vong.

Qua 4 đợt dịch, virus Sars-CoV-2 đều nâng dần cấp độ nguy hiểm. Với đợt 1, do chủng gốc gây ra, các giải pháp, kể cả xét nghiệm trọng điểm tại các khu vực nguy cơ cao, đã phát hiện được mầm bệnh, làm cơ sở để nới lỏng giãn cách. Với chủng gốc, việc lây lan vào cộng đồng còn chậm hơn tốc độ truy vết và xét nghiệm mặc dù thời điểm đó, việc xét nghiệm chưa nhiều.

Đến tháng 7/2020, chủng Sars-CoV-2 có đột biến với thời gian ủ bệnh tương tự chủng gốc nhưng tạo ra lượng virus gây nhiễm bệnh cao hơn và có khả năng lây nhanh hơn. Lúc này, lần đầu tiên, chúng ta thực hiện xét nghiệm diện rộng với phương pháp PCR mẫu gộp tại Đà Nẵng, giúp đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, truy vết thần tốc để kiểm soát dịch. Lúc này, vẫn áp dụng 5 nguyên tắc (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả) nhưng xét nghiệm thần tốc đã giúp bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng.

Sau 6 tháng (đến đợt 3), xuất hiện biến thể Alpha mạnh hơn chủng gốc, có thời gian ủ bệnh ngắn hơn 1 ngày, tải lượng virus cao gấp 4 lần, có khả năng lây nhiễm cao hơn 2 lần, gia tăng tỷ lệ lây nhiễm thứ phát, tăng nguy cơ nhập viện, tăng nguy cơ tử vong. Lúc đó, xét nghiệm diện rộng được thực hiện tại các vùng dịch. Test nhanh kháng nguyên được sử dụng trong các đợt tầm soát tại TP Hồ Chí Minh, đã giúp phát hiện sớm, cách ly kịp thời, giúp kiểm soát dịch nhanh chóng.

Sau 4 tháng nữa (đến đợt 4), xuất hiện chủng mới là biến thể Delta mạnh hơn cả Alpha và chủng gốc, với tỷ lệ lây nhiễm cao. Nồng độ virus trong dịch đường hô hấp gấp 1.000 lần so với chủng cũ; chỉ trong 2-3 ngày đã có thêm một vòng lây nhiễm mới (các chủng cũ 5-7 ngày); khoảng 80% người nhiễm không có triệu chứng; lây nhiễm xảy ra trước khi bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng gây khó khăn cho việc phát hiện. Tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao, 1 người nhiễm có thể lây cho 9-10 người, đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm kéo dài (hơn 14 ngày).

Giai đoạn đầu của đợt 4, hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch đã được áp dụng vẫn trên 5 nguyên tắc, nhưng số ca nhiễm tăng cao, tốc độ lây lan và tăng nhanh dẫn tới quá tải về điều trị, quá tải khu cách ly tập trung F1, khiến mầm bệnh càng lây lan nhanh chóng hơn, số tử vong gia tăng.

“Để ngăn chặn lây nhiễm, phải phát hiện sớm nguồn bệnh với tốc độ nhanh hơn tốc độ lây của mầm bệnh. Do đó, xét nghiệm là then chốt và phải thần tốc để phát hiện và ngăn chặn sự lây nhiễm”, GS Phan Trọng Lân phân tích.

Đi vào trường hợp cụ thể là TP Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình phòng, chống dịch, thành phố đã triển khai hệ thống giám sát, phát hiện ca bệnh như đã làm trước đó. “Bây giờ, nhiều người nói tại sao chúng ta không làm giám sát có triệu chứng. Thực tế, Bộ Y tế đã chỉ đạo về vấn đề này từ tháng 12/2020. Tuy nhiên, các hình thức giám sát này cũng như các biện pháp phòng, chống dịch khác vẫn chưa giảm được sự gia tăng ca mắc cả về số lượng cũng như địa bàn xảy ra dịch với biển thể Delta trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh”, GS Phan Trọng Lân nhận định.

Cùng với đó, GS Phan Trọng Lân cho rằng, cần xét nghiệm “đủ rộng” để kiểm soát dịch, đánh giá mức độ lây nhiễm, phát hiện sớm ca mắc, người tiếp xúc khi các phương pháp khác chưa kiểm soát dịch hiệu quả. Tuy nhiên, điều này cần đủ các điều kiện khả thi như nhân lực, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, triển khai đảm bảo an toàn.

Thực tiễn công tác phòng chống dịch trên thế giới cũng như tại TP Hồ Chí Minh đều cho thấy việc xét nghiệm sẽ giúp phát hiện ổ dịch, kiểm soát, xử lý lây lan, theo dõi tỷ lệ lây và mức độ nghiêm trọng của dịch, giảm tác động của Covid-19 tại các cơ sở y tế và cộng đồng.

“Đánh giá hiệu quả y tế của xét nghiệm, tôi thấy rằng, phải xem xét trên 3 yếu tố: (1) mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, (2) chi phí xét nghiệm, (3) tác động kinh tế, xã hội, tinh thần của giãn cách xã hội trên diện rộng, đánh giá các giải pháp, tình hình thực tế”, ông Lân nói.

Với Hà Nội, với việc xét nghiệm nhanh vừa qua, ít nhất một trong những câu hỏi mà chúng ta trả lời được là địa bàn có sạch hay không sạch, từ đó phân ra được các vùng xanh, đỏ, vàng và có các chiến lược tiếp theo phù hợp, sớm ra được các quyết định mở dần giãn cách xã hội, giúp cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

GS Phan Trọng Lân khái quát: Như vậy, ở làn sóng thứ 4, biến chủng Delta đã thay đổi mọi thứ. Thực tế cho thấy tốc độ lây lan của biến thể Delta đã nhanh hơn tốc độ đáp ứng, 5 nguyên tắc “vàng” đã triển khai trong các đợt dịch trước chưa theo kịp với sức lan truyền của dịch bệnh. Xét riêng ở TP Hồ Chí Minh, virus chỉ mất 1 tháng để xâm nhập sâu rộng trong cộng đồng.

Do đó, hàng loạt biện pháp liên tiếp được triển khai như xét nghiệm thần tốc, phủ trên diện rộng với tần suất nhiều hơn để bắt kịp tốc độ lây lan của mầm bệnh, khi hoạt động truy vết gần như bị vô hiệu do không đủ nhân lực, thiếu sự hợp tác khai báo của người dân.

Bài học ở TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu đã giúp cho các tỉnh còn lại ở khu vực phía Nam, nhất là những tỉnh ở xa TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tốc độ đáp ứng, vẫn trên 5 nguyên tắc nhưng với chiến lược mới, tốc độ mới đã giúp cho các tỉnh kiểm soát được dịch sớm và hiệu quả hơn dù tỷ lệ bao phủ vắc xin chưa cao.

GS Phan Trọng Lân khẳng định: Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khi chưa đủ tỷ lệ bao phủ vắc xin, đặc biệt cho người có nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai), giải pháp quan trọng là phát hiện nguồn bệnh, để khoanh vùng, xử lý kịp thời, giảm lây nhiễm, đánh giá vùng nguy cơ dịch, đánh giá các biện pháp kiểm soát dịch, đặc biệt với biến thể Delta thì khâu xét nghiệm là then chốt và phải bảo đảm thần tốc. Việc áp dụng cần phù hợp trên bối cảnh dịch tễ (đúng kỹ thuật, đúng nơi, đúng thời điểm), các biện pháp phòng chống đã triển khai và tính đến nguồn lực, tổ chức thực hiện, cũng như tác động đến đời sống, tinh thần, kinh tế - xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ