Đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục tăng mạnh về số lượng, chất lượng
Hiện nay, về cơ bản, đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục ở các cấp học đã đạt chuẩn, trên chuẩn trình độ đào tạo. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn với mầm non là 96,6%, tiểu học: 99,7%, THCS: 99%, THPT: 99,6%, ĐH: 82,7%, tạo tiền đề để Bộ GD&ĐT đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên trong sửa đổi Luật Giáo dục.
Hầu hết CBQL, giáo viên yêu nghề, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục.
Đội ngũ CBQL giáo dục đã tham mưu tích cực, hiệu quả cho cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng các chính sách cán bộ, giáo viên, học sinh phù hợp với điều kiện KT-XH địa phương.
Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Đề án được Bộ GD&ĐT, địa phương tích cực triển khai thực hiện. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho CBQL, giáo viên, nhân viên theo yêu cầu chuẩn nghề nghiệp được địa phương quan tâm triển khai qua nhiều hình thức khác nhau.
Một số địa phương liên kết với các cơ sở uy tín ở nước ngoài trong công tác bồi dưỡng đội ngũ; tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng giáo viên qua nghiên cứu bài học. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm đầu tư thông qua các đề án đào tạo bằng ngân sách Nhà nước, học bổng Hiệp định và chương trình học bổng khác…
Chỉ tính từ năm 2015 - 2017, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 7.917 lượt nhà giáo. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm là 300 nhà giáo; bồi dưỡng kỹ năng nghề 850 nhà giáo; bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành cho 440 nhà giáo; nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho 6.200 nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho 127 nhà giáo.
|
Bộ GD&ĐT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, CBQL các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐSP đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2018 - 2030.
Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành văn bản quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng theo định hướng cập nhật, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; xây dựng khung năng lực giáo viên phổ thông các môn học đặc thù; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; xây dựng tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên và CBQL trường phổ thông cốt cán; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với trường sư phạm và trường phổ thông trong bồi dưỡng nhà giáo, CBQL giáo dục; nghiên cứu các nội dung cần thiết để đề xuất sửa đổi các nội dung về nhà giáo trong quá trình sửa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH; rà soát, sửa đổi, bổ sung chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, CBQL giáo dục các cấp học theo chuẩn.
Bộ GD&ĐT đồng thời đã rà soát mạng lưới, quy mô, phương thức đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên; triển khai Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP); khảo sát nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương làm căn cứ xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng đầu ra sư phạm.
Các trường sư phạm đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và xây dựng mới 50 chương trình đào tạo. Các trường/khoa sư phạm là đơn vị chủ đạo trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các ngành nghề khác...
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục đã tăng mạnh về số lượng, chất lượng và ngày càng đồng bộ về cơ cấu trong 5 năm qua, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục của đất nước. Sự bất hợp lý trong cơ cấu đội ngũ nhà giáo theo cấp, bậc học, theo chuyên môn, ngành nghề và vùng miền ở những năm đầu thực hiện Nghị quyết đã dần được khắc phục.
Đời sống nhà giáo ngày càng được quan tâm
Hiện nay, nhà giáo, CBQL cơ sở giáo dục công lập được hưởng các chế độ, chính sách theo các quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Ngoài lương được hưởng theo quy định trên, nhà giáo và CBQL giáo dục còn được hưởng thêm 2 loại phụ cấp, đó là phụ cấp ưu đãi (với các mức từ 25% đến 70%); phụ cấp thâm niên (được tính gia tăng theo thời gian công tác). Khảo sát, đánh giá gần đây cho thấy, phụ cấp ưu đãi bình quân toàn ngành khoảng 36%, phụ cấp thâm niên toàn ngành khoảng 18%.
Như vậy, thu nhập bình quân tăng thêm giáo viên toàn ngành khoảng 54%. Mức này cao hơn đối với những công chức hành chính (chỉ có phụ cấp công vụ 25%), nhưng đang thấp hơn mức lương, phụ cấp của một số ngành như: Công chức thanh tra có phụ cấp thâm niên (như giáo viên), phụ cấp ưu đãi (15%; 20%; 25%) và phụ cấp công vụ (25%); công chức chuyên trách Đảng, Đoàn thể chính trị xã hội có 25% phụ cấp công vụ và 30% phụ cấp chuyên trách.
Tại các tỉnh miền núi, nhà giáo, CBQL giáo dục ở các trường PTDTNT, PTDTBT được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung. Giáo viên dạy lớp ghép ở tiểu học được hưởng phụ cấp dạy lớp ghép từ 50% - 75%.
Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung. Ngoài ra, tùy điều kiện cụ thể, một số địa phương cũng có chính sách riêng đối với nhà giáo, CBQL giáo dục công tác tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã quan tâm nâng mức thu nhập cho giáo viên như: Phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề, mở rộng tiêu chuẩn, tiêu chí nâng lương trước thời hạn cho giáo viên, nhân viên... Điều đó góp phần nâng cao đời sống giáo viên, nhưng thực tế lương nhà giáo chưa đúng với chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII, Nghị quyết số 29-NQ/TW và cũng chưa thực sự đảm bảo được đời sống so với biến động về giá hàng hóa, tình hình KT-XH hiện nay.
Với chính sách lương như hiện hành khó thu hút được người tài vào làm việc trong các cơ sở giáo dục, Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT; hoặc có người tài nhưng chưa toàn tâm, toàn ý tập trung vào thực thi nhiệm vụ, dẫn đến chất lượng công việc có phần bị hạn chế; chưa góp phần thu hút, giữ chân người tài vào sư phạm.
Thực tế, có rất nhiều người tâm huyết với nghề dạy học, thậm chí mong muốn đóng góp công việc chung của đất nước, tuy nhiên mức lương như hiện nay khiến họ chưa yên tâm công hiến cho ngành... Các chế độ chính sách về lương cũng như các khoản thu nhập khác có tác động rất lớn đến cơ cấu, chất lượng chuyên môn.
Nếu mức thu nhập đảm bảo đời sống thì nhà giáo sẽ yên tâm công tác, đi sâu vào phát triển chuyên môn; ngược lại sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu, chất lượng giáo dục.
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, trong đó có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước về GD-ĐT.
Thực hiện Nghị quyết này, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu đề xuất hệ thống thang bảng lương riêng được xác định theo các vị trí việc làm, trả lương trên cơ sở mức độ phức tạp và chất lượng hiệu quả của công việc. Trong đó, lương nhà giáo được thực hiện đúng chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo địa phương và cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động, chương trình tri ân, tôn vinh nhà giáo có cống hiến xuất sắc, tâm huyết với ngành. Đồng thời, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tôn vinh, tri ân các nhà giáo công tác ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhà giáo đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu.
|
Thu hút học sinh giỏi vào sư phạm
Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp triển khai các chính sách, chế độ đối với nhà giáo, CBQL cơ sở giáo dục nhằm thu hút học sinh thi vào các trường sư phạm, như: Đào tạo trình độ tiến sĩ theo Đề án 911; miễn học phí với sinh viên sư phạm; chế độ phụ cấp đứng lớp với nhà giáo; chính sách thâm niên cho nhà giáo đang giảng dạy; ban hành các thông tư về tiêu chuẩn chức danh nhà giáo; chế độ ưu đãi đối với các nhà giáo dạy ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn…
Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, phối hợp với các bộ/ngành liên quan đề xuất với Chính phủ thực hiện những giải pháp để nâng cao đời sống đối với đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục, qua đó thu hút nhân tài và khuyến khích học sinh giỏi thi vào trường sư phạm.
Các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm cũng được đưa ra như: Tăng chế độ ưu đãi đối với sinh viên sư phạm và nhà giáo, CBQL giáo dục; đề xuất thực hiện chế độ thâm niên đối với CBQL giáo dục các cấp. Chỉ đạo địa phương nghiêm túc thực hiện tinh giản biên chế đối với cán bộ, viên chức làm việc trong ngành Giáo dục nhằm thanh lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm có năng lực, phẩm chất tốt vào công tác trong ngành Giáo dục.
Phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ/ngành liên quan hướng dẫn địa phương thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực, xây dựng đề án vị trí việc làm để làm căn cứ tuyển dụng, đề xuất thực hiện chính sách đặc thù trong việc tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục, qua đó khuyến khích học sinh giỏi thi vào sư phạm. Có chính sách hỗ trợ về nhà ở với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
Bình luận