Bước chuyển quan trọng
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, mặc dù vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhưng về tổng thể GD-ĐT nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực.
Hệ thống cơ sở GD-ĐT phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của nhân dân; đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục THCS. Giáo dục phổ thông đã có bước chuyển quan trọng từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất, dạy làm người. Chất lượng giáo dục phổ thông thời gian qua được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năng lực HS lứa tuổi 15 của nước ta, một nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng có kết quả vượt mức trung bình của học sinh khối các nước có nền kinh tế phát triển OECD. Chất lượng giáo dục ĐH đã được cải thiện một bước, được thế giới công nhận thông qua kiểm định chất lượng và xếp hạng ĐH quốc tế. Lần đầu tiên, Việt Nam có 2 ĐH quốc gia nằm trong nhóm 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới và có 7 trường ĐH được xếp vào nhóm 500 trường ĐH tốt nhất châu Á. Giáo dục thường xuyên, giáo dục cho người lớn được quan tâm hơn...
Ghi dấu ấn trên đấu trường trí tuệ quốc tế
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về thành tích của ngành GD trong năm học 2017 - 2018. Ảnh Việt Cường |
Bên cạnh giáo dục đại trà, việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cũng đạt kết quả đáng khích lệ. Trong 5 năm qua, các đoàn HS Việt Nam tham gia các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế và cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế đạt kết quả tốt, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Cụ thể là từ 2014 đến nay, trong 191 lượt HS tham dự Olympic khu vực và quốc tế đã có 187 HS đoạt giải với 60 Huy chương Vàng, 78 Huy chương Bạc, 40 Huy chương Đồng và 9 Bằng khen; tăng 37 giải so với giai đoạn 5 năm trước đó; riêng số Huy chương Vàng tăng gấp 3 lần.
Năm 2018, tất cả HS dự thi Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt huy chương, trong đó có 13 Huy chương Vàng. Tiêu biểu là đội tuyển dự thi Olympic Sinh học quốc tế đạt thành tích vượt trội, cao nhất từ trước đến nay, với 4 HS dự thi đã đoạt 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc. Đặc biệt, em Nguyễn Phương Thảo, HS lớp 12 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội đạt tổng điểm cao nhất trên tổng số 261 thí sinh tham dự và được tôn vinh là Người chiến thắng cuộc thi.
Cũng trong năm 2018, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công kỳ thi Olympic Vật lý châu Á lần thứ 19 với 185 thí sinh của 25 nước và vùng lãnh thổ tham gia, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế về đất nước, con người và trí tuệ Việt Nam. Qua các kỳ thi quốc tế, các em HS đã góp phần làm vẻ vang cho đất nước, đưa vị thế của Việt Nam sánh vai cùng bè bạn năm châu.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học
Cùng với kết quả học tập tích cực của HS phổ thông, theo Bộ trưởng, những năm gần đây, hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học được duy trì và đẩy mạnh ở các cơ sở giáo dục ĐH. Hằng năm, tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục ĐH chiếm bình quân là 15%; tỷ lệ này ở một số trường ĐH lớn là gần 25%.
Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” qua 25 năm triển khai đã thực sự trở thành một sân chơi khoa học lớn, tạo cơ hội cho sinh viên đam mê khoa học được khởi nghiệp, làm tiền đề quan trọng để biến ước mơ trở thành hiện thực.
Năm 2018, Ban Tổ chức đã chọn được 9 đề tài đoạt giải Nhất; 49 đề tài đoạt giải Nhì; 96 đề tài đoạt giải Ba và 137 đề tài đoạt giải Khuyến khích trong số hàng trăm công trình dự thi được xét giải. Hầu hết các công trình dự thi đoạt giải được đánh giá có tính mới, tính sáng tạo, có giá trị khoa học và thực tiễn; trong số đó có những bài báo công bố quốc tế và trong nước được phát triển thành các sản phẩm ứng dụng có tính thực tế cao.
Bên cạnh kết quả trong học tập, nghiên cứu, nhiều HSSV là những tấm gương sáng trong rèn luyện và cuộc sống hàng ngày, mà đại diện tiêu biểu nhất cho những tấm gương sáng ấy trong năm học vừa qua là 10 em HS, SV “người tốt - việc tốt” năm học 2017 - 2018.
Những thành tích xuất sắc mà các em HSSV đạt được hôm nay là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của thầy và trò trong quá trình đổi mới hoạt động dạy, học ở các nhà trường. Đây là kết quả từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT; là kết quả của sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của gia đình và xã hội đối với sự nghiệp GD-ĐT trong thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ