Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) và tập đoàn Raytheon đã phóng thử biến thể Block IIA của tên lửa RIM-161 SM-3, phá hủy thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung đang bay. Đây là bước tiến mới trong chương trình phát triển hệ thống phòng không có khả năng phát hiện và tấn công tên lửa đạn đạo từ trong vũ trụ, theo Scout.
Theo chuyên gia quân sự Kris Osborn, SM-3 Block IIA hiện được Mỹ và Nhật Bản hợp tác phát triển để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) và tầm xa (IRBM). Nó nằm trong hệ thống Phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) Aegis, có thể phóng từ tàu chiến trang bị hệ thống Aegis hoặc các điểm đánh chặn trên đất liền.
SM-3 là các tên lửa đánh chặn ngoài khí quyển có nhiệm vụ tiêu diệt tên lửa đạn đạo đối phương trong pha giữa, khi mục tiêu bay hành trình trong không gian.
"SM-3 Block IIA có động cơ đẩy và đầu đạn động năng lớn hơn phiên bản tiền nhiệm SM-3 Block IB. Tầng đẩy thứ hai và 3 của tên lửa có đường kính hơn 53 cm, giúp nó bay xa và tấn công các mối đe dọa ngoài bầu khí quyển", Christopher Szkrybalo, phát ngôn viên của MDA cho biết.
Tàu khu trụcUSS Hopper phóng thử tên lửa SM-3. Ảnh:Raytheon.
SM-3 sử dụng đầu đạn động năng có tốc độ hành trình 965 km/h, tận dụng lực va chạm để tiêu diệt tên lửa đạn đạo đối phương, thay vì dựa vào đầu đạn chứa thuốc nổ và mảnh văng. Đầu dò tên lửa tích hợp thêm một số tính năng mới, giúp nó dò tìm mục tiêu tốt hơn, theo Amy Cohen, giám đốc chương trình tên lửa SM-3.
Mẫu SM-3 Block IIA từng được phóng thử hai lần thành công, nhưng đây là lần đầu tiên nó tham gia đánh chặn mục tiêu trên thực địa.
Tháng 12/2015, tập đoàn Raytheon nhận được hợp đồng sản xuất tên lửa SM-3 Block IIA trị giá 543 triệu USD. Nhật Bản và Raytheon sẽ sản xuất 50% số tên lửa, sau đó Raytheon phụ trách việc tích hợp hệ thống. Tập đoàn này và MDA cũng đang nâng cấp biến thể SM-3 Block IB với phần mềm cải tiến để tăng khả năng diệt mục tiêu, trong đó có sử dụng công nghệ của SM-3 Block IIA.