Sát cánh cùng học trò vùng cao

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong muôn vàn khó khăn, thầy cô tại điểm trường Lũng Hoài Trường Tiểu học Thượng Nung (Thái Nguyên) vẫn luôn sát cánh cùng học trò vùng cao...

Thầy trò tại điểm trường Lũng Hoài.
Thầy trò tại điểm trường Lũng Hoài.

Không quản ngại

Điểm trường Lũng Hoài thuộc Trường Tiểu học Thượng Nung (xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) nằm trên ngọn núi cao hẻo lánh, nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Năm học 2022 - 2023, điểm trường có 50 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. 100% học trò thuộc hộ nghèo, sống rải rác quanh những ngọn núi, quanh năm chỉ biết đến cây sắn, nương ngô.

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thượng Nung cho biết: Từ trung tâm xã lên điểm trường phải qua cung đường dốc đá cao lầy lội mỗi khi trời mưa và chìm trong màn sương mù dày đặc vào mùa Đông. Thời gian qua, mặc dù nhận được quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, địa phương, các nhà hảo tâm, tuy nhiên, những khó khăn vẫn còn thường trực, bủa vây thầy trò nơi đây.

Hiện lớp học là nhà lắp ghép với diện tích 20m2/phòng. Bếp nấu ăn tạm bợ, chật hẹp. Gian nan, vất vả là thế nhưng với lòng yêu nghề, tận tâm với học trò, các thầy cô giáo tại điểm trường không quản ngại để đem cái chữ, truyền thụ kiến thức cho học sinh nơi đây.

Gắn bó với điểm trường Lũng Hoài đã 5 năm, thầy Nguyễn Văn Hùng cùng học trò trải qua nhiều gian khó. Theo thầy Hùng, cái khó lớn nhất là đa số học sinh ở xa, 100% thuộc hộ nghèo; phụ huynh nhận thức còn hạn chế, chưa quan tâm nhiều đến việc học của trẻ. Bên cạnh đó, học sinh nói tiếng phổ thông chưa sõi nên thầy cô phải học tiếng Mông để giao tiếp và giảng bài cho các em.

“Dù khó khăn, vất vả nhưng vì tình yêu nghề nên mỗi thầy cô khi được phân công dạy học tại điểm trường đều nỗ lực từng ngày để đem cái chữ đến cho học sinh. Chỉ mong các em ngày càng tiến bộ, học hết tiểu học, THCS, sau này có thu nhập từ nghề, không phải vất vả như bố mẹ”, thầy Hùng chia sẻ.

Góc bếp nhỏ của thầy và trò điểm trường Lũng Hoài.

Góc bếp nhỏ của thầy và trò điểm trường Lũng Hoài.

Bữa cơm ấm áp

Cuộc sống, điều kiện đi lại khó khăn nên học sinh nghỉ học nhiều. Một số em phải phụ giúp gia đình làm nương rẫy hoặc ở nhà trông em… đã ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyên cần. Để duy trì sĩ số, thầy cô lại leo núi, băng rừng để đến nhà vận động từng em tới lớp, tuy nhiên tình trạng học sinh nghỉ học vẫn diễn ra. Ngoài ra, nhà trường, thầy cô còn vận động nhiều nguồn lực khác nhau giúp các em có bữa ăn trưa và nghỉ ngơi tại trường.

Nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ trò nghèo Vùng Cao, mỗi ngày đến trường, học sinh tại điểm trường Lũng Hoài được ăn bữa trưa có giá 8.000 đồng/suất. Để chuẩn bị bữa ăn cho trò, từ sáng thầy cô đã ngược đường rừng mua thực phẩm, về chế biến thành từng món, sau đó lên lớp. Nhờ sự giúp đỡ của phụ huynh, khi bó củi, lúc mớ rau, bữa cơm trưa của học trò đều được hoàn tất trước 11 giờ.

“Nói là bếp cho sang nhưng thực ra chỉ là 1 góc phòng nhỏ được trưng dụng, bên trong có 1 cái kiềng 3 chân, bó củi, vài cái xoong nồi, một ít gia vị… Bữa ăn đạm bạc với số tiền ít ỏi, nhưng các thầy cô luôn cố gắng cân đối để có thêm chút rau, thịt, cá… Đối với học sinh vùng cao, như vậy là đã ấm bụng lắm rồi. Ngoài ra, nhà trường còn sắp xếp 1 phòng cho trò nghỉ trưa và phân công giáo viên vừa quản lý học tập, vừa hỗ trợ nấu ăn, trông nom học sinh tại điểm trường” – thầy Hùng cho biết.

Theo cô Nguyễn Thị Bích Thủy, để duy trì bữa ăn đầy đủ và đều đặn, ngoài sự hỗ trợ từ Quỹ trò nghèo Vùng Cao, Trường Tiểu học Thượng Nung tiếp tục liên hệ các nhà hảo tâm với mong muốn mỗi ngày có thêm một chút thức ăn để các em ăn ngon và đảm bảo dinh dưỡng hơn. Cán bộ công tác tại địa phương và phụ huynh cũng hỗ trợ cho trường rất nhiều. Dù còn khó khăn nhưng nhà trường vẫn quyết tâm duy trì bếp ăn cho học sinh trong các năm học tiếp theo.

Những hạt gạo nghĩa tình, bữa cơm ấm áp từ Quỹ trò nghèo Vùng Cao, các nhà hảo tâm và thầy cô giáo đã làm vơi bớt lo toan, thiếu thốn của học trò nghèo, giúp các em có thêm nghị lực để vượt khó vươn lên trong học tập. Nhờ có bếp ăn cho học sinh, năm học qua, nhà trường duy trì được sĩ số, qua đó, góp phần giảm thiểu số lượng học sinh bỏ học giữa chừng, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi.

Bà Phan Thị Phương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai cho biết: 100% học sinh ở điểm trường Lũng Hoài là người Mông, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhà cách trường khá xa nhưng điểm trường chưa có chế độ bán trú. Phần lớn các em tự đi bộ đến trường, học xong buổi sáng lại đi bộ về nhà. Thậm chí, nhiều em buổi sáng bụng đói đến trường nên buổi chiều không đủ sức đi học tiếp. Thế nhưng, từ khi điểm trường tổ chức bữa ăn, các em được ăn ngủ trưa tại trường, không còn tình trạng trò bỏ học, nghỉ học.

“Chứng kiến bữa ăn của các em mới hiểu đây không đơn thuần là bữa ăn bình thường mà còn chứa đựng tình yêu thương của thầy, cô giáo và các nhà hảo tâm. Bữa cơm giúp trò có thêm động lực đến trường, được học cái chữ, có thêm kỹ năng sống để mở lòng, hòa nhập tốt hơn”, bà Phan Thị Phương bày tỏ.

Nhà cách trường 3 cây số đường rừng, việc đi lại dù khó khăn nhưng em Mã Đức Trọng, người dân tộc Mông, học sinh lớp 5B đi học đều đặn. Bởi với Trọng, đến trường không chỉ được các thầy cô dạy chữ, em còn được ăn cơm và nghỉ trưa tại lớp. “Đi học hôm nào cũng được ăn cơm no, thích hơn ở nhà”, em Trọng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.