Do đó, bước vào mùa đông, các nhà trường đã chủ động triển khai nhiều biện pháp trong điều kiện cơ sở vật chất hạn hẹp.
Mong đợi từ nhà trường
Huyện miền núi Yên Minh có khí hậu khắc nghiệt bậc nhất tỉnh Hà Giang vào mùa rét. Nhiệt độ giảm hơn so với vùng đồng bằng từ 5 - 10 độ, mùa đông đến sớm kéo dài. Với đặc thù này, ngành Giáo dục và các trường học sớm triển khai công tác phòng chống rét.
Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) nằm ở khu vực có nhiệt độ thấp, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nên hàng năm vào mùa rét trường luôn huy động thêm sự đồng hành của gia đình và xã hội.
Cùng đó, từ cuối tháng 10, trường tổ chức tuyên truyền phòng chống rét tới tất cả phụ huynh, yêu cầu mua sắm đủ quần áo rét cho học sinh khi tới trường. Cùng đó tăng cường nhắc nhở ý thức và hướng dẫn kỹ năng giữ ấm trong quá trình học tập, sinh hoạt bán trú tại trường cho học trò.
“Mùa đông năm nay vẫn là nỗi lo về hệ thống phòng tắm do chưa có bình nóng lạnh, các lớp học không có quạt sưởi. Việc huy động hỗ trợ bình nóng lạnh lắp đặt trong phòng tắm, quạt sưởi bằng điện cho các lớp học và phòng ở bán trú vô cùng khó khăn…”, thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng, cho biết.
Về phía nhà trường, ngoài rà soát gia cố lại phòng học tránh bị gió lùa, đảm bảo ánh sáng lớp học, tăng cường chăn đệm ấm cho HS bán trú…, ban giám hiệu, thầy, cô giáo còn tích cực kêu gọi sự giúp đỡ của nhà hảo tâm chuẩn bị quần áo ấm cho hơn 1.000 HS ở điểm trường chính và 19 điểm lẻ.
Trường THCS Ma Li Pho (Ma Li Pho, Lai Châu) có 151/300 học sinh thực hiện bán trú. Theo thầy Hiệu trưởng Hà Ánh Huy, số chăn đắp đã đủ nhưng 60 giường tầng bán trú không có đệm. Một số học sinh mang chăn từ nhà đến làm đệm, số còn lại chỉ có chăn đắp. Hiện trường cũng chưa có hệ thống nóng lạnh phục vụ sinh hoạt, không có quạt sưởi lớp học và phòng ở...
Việc phòng chống rét cho mùa đông năm nay mừng nhất là xin được nồi hơi nóng lạnh. Như vậy sẽ đủ nước tắm cho học sinh hàng ngày thay vì phải tắm 2 - 3 buổi/tuần…
“Học sinh của trường không còn chế độ bán trú vì đã “thoát” xã nghèo. Song nhiều em gia đình khó khăn, diện cận nghèo; cửa khẩu đóng, bố mẹ không có công việc ổn định. Do đó, việc trang bị quần áo ấm, chăn đệm phòng chống rét khá hạn chế. Việc huy động cũng không dễ dàng…”, thầy Huy cho biết.
Còn theo thầy Hà Trần Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Khao Mang (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái), công tác phòng chống rét cơ bản hoàn tất: Lớp học kín gió, trang bị đầy đủ chăn, đệm ấm cho học sinh bán trú. Tăng cường chế độ dinh dưỡng, đảm bảo giữ nhiệt cho các bữa ăn. Nhà bếp đun nước nóng phục vụ học sinh sinh hoạt hàng ngày…
Tuy nhiên, theo thầy Hồng, trong điều kiện cơ sở vật chất của trường vùng cao, 100% học sinh dân tộc, gia đình khó khăn… thì phòng chống rét cho học sinh đòi hỏi nỗ lực của nhà trường, thầy cô và đặc biệt trông đợi vào sự hỗ trợ từ cá nhân và xã hội để tăng cường hơn các điều kiện giữ ấm cho học trò.
Tăng cường chăn ấm cho học trò tại Trường PTDTBT Tiểu học Cốc Ly 1 (Bắc Hà, Lào Cai). Ảnh: NTCC |
Linh hoạt giải pháp
Tại Trường PTDTBT THCS Y Tý (Bát Xát, Lào Cai), việc phòng chống rét nhiều năm nay đã đi vào chiều sâu, với điều kiện cơ sở vật chất tương đối ổn định. Do đó, nhà trường chú trọng nâng cấp và tăng cường trang thiết bị phòng chống rét.
Cụ thể, trước khi bước vào mùa rét, trường đã đầu tư kinh phí nâng cấp, bổ sung thêm đường dẫn nước nóng, đảm bảo cho học sinh có nước nóng sử dụng 24/24 giờ. Huy động phụ huynh góp củi để tăng cường nước nóng sinh hoạt hoặc sưởi ấm khi lạnh. Đặc biệt, trường vừa được trang bị thêm 2 máy giặt 8kg và 21kg, khi học sinh giặt xong sẽ hỗ trợ vắt để quần áo nhanh khô, không ẩm mốc, đảm bảo quần áo thay đổi, vệ sinh…
Chia sẻ thông tin, thầy Từ Viết Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết thêm, một trong những giải pháp giữ ấm linh hoạt cho học trò đó là chuyển lịch sinh hoạt sang chế độ mùa đông để phù hợp với thời tiết. Như vậy, mọi hoạt động như giờ ăn ngủ, tập thể dục, vào lớp, ăn trưa, tối muộn hơn 15 phút. Đồ ăn được nấu chín, múc vào cặp lồng giữ nhiệt, đảm bảo ấm nóng đến khi ăn. Trường không triển khai hoạt động học tập ngoài trời trong những ngày thời tiết rét đậm.
Cô Đinh Loan Vân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang), cũng khẳng định trường đặc biệt chú ý đảm bảo bữa ăn bán trú ấm nóng để giữ gìn sức khỏe học trò. Giờ nấu của nhà bếp lùi xuống, gần giờ học sinh vào phòng ăn mới tắt bếp. Trống báo hiệu giờ ăn cơm thì cấp dưỡng bắt đầu chia phần vào cặp lồng giữ nhiệt.
Mùa đông năm nay trường sẽ duy trì đảm bảo nước nóng cho phòng tắm, phòng vệ sinh cá nhân học sinh. Những ngày lạnh, nhà bếp nấu nước đường gừng để uống thay nước lọc giữ ấm nhiệt độ cơ thể cả ngày…
Bên cạnh đảm bảo điều kiện vật chất, Trường PTDTBT Tiểu học Cố Ly 1 (Bắc Hà, Lào Cai) không chỉ tăng khẩu phần ăn, mà còn thường xuyên thay đổi món cho phù hợp sở thích học sinh và đặc điểm thời tiết. Hàng ngày, Ban giám hiệu sẽ kết hợp với Ban đại diện phụ huynh trực tiếp kiểm tra số và chất lượng bữa ăn bán trú, đảm bảo thức ăn luôn nóng ấm…
Đặc biệt, công tác phòng chống rét còn gắn liền với việc theo dõi, bám sát diễn biến thời tiết để chủ động báo cáo chính quyền địa phương và phòng GD&ĐT cho học sinh nghỉ học theo quy định của Bộ GD&ĐT và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Nhà trường phải có phương án bố trí học bù để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học; không dạy dồn tiết hoặc cắt xén chương trình…
Thực tế cho thấy, công tác phòng chống rét trong những năm gần đây ở các trường vùng cao đã được quan tâm và tiến hành chủ động. Từ hiệu quả của hoạt động này, tỷ lệ chuyên cần của học sinh dù vào những ngày lạnh nhất vẫn tương đối cao (trên 90%). Thậm chí, nhiều gia đình tin tưởng gửi con đến trường dù được nghỉ do nhiệt độ xuống thấp.