Sắp xếp mạng lưới trường lớp: Nhiều tín hiệu vui

GD&TĐ - Đề án rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp học đang được ngành Giáo dục triển khai và bước đầu đạt nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều điểm trường lẻ đã được sáp nhập về điểm trường chính, để phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS số 2 Cam Cọn trong giờ học
Học sinh Trường Tiểu học và THCS số 2 Cam Cọn trong giờ học

Hiệu quả từ việc sáp nhập

Để thực hiện sáp nhập, đưa học sinh về điểm trường chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, ngành Giáo dục Lào Cai đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh và dư luận xã hội. Việc thực hiện sáp nhập bảo đảm thuận lợi cho việc đi lại và cuộc sống sinh hoạt của học sinh.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, sau 3 năm triển khai quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đến hết tháng 9/2018, toàn tỉnh đã hoàn tất sáp nhập 109 trường từ mầm non đến THCS thành 53 trường, gộp và xóa thành công gần 300 điểm trường lẻ mầm non và tiểu học, đưa gần 11.000 học sinh từ trường lẻ ra trường chính.

Thầy Đào Đình Nguyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS số 2 Cam Cọn (Bảo Yên, Lào Cai) cho biết: Sáp nhập điểm lẻ về điểm cơ sở, gom các điểm trường có ít học sinh lại để phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương là một chủ trương hợp lý và cần thiết. Năm học này, nhà trường đã đưa 35 học sinh ở các điểm trường lẻ về trung tâm. Ở các điểm trường lẻ chỉ có học sinh lớp 1 và lớp 2, còn học sinh lớp 3, 4, 5 đã chuyển về điểm trường chính. Các em được nhà trường bố trí ở nội trú tại trường.

Đây là đề án hiệu quả, giảm chi phí về con người cũng như cơ sở vật chất. Ví dụ như mỗi điểm trường lẻ chỉ có 3 - 5 học sinh một lớp, nhà trường vẫn phải có 1 cô giáo đứng lớp. Khi về trường trung tâm, học sinh được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, học Tin học và Tiếng Anh từ lớp 3. Nhà trường chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh nên trước đây, ở điểm trường lẻ, không thể phân công giáo viên đến dạy học.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS số 2 Cam Cọn trong thư viện thân thiện
  • Học sinh Trường Tiểu học và THCS số 2 Cam Cọn trong thư viện thân thiện

Trường Tiểu học và THCS Đồng Tuyển cũng là trường đi đầu trong việc sáp nhập. Cô giáo Dương Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Khi sáp nhập chúng tôi giảm được 4 biên chế. Hiện, toàn trường có 28 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Trước đây khi chưa sáp nhập, tổng số giáo viên cả 2 cấp học là 32 người. Việc sáp nhập 2 cấp học cũng tạo ra sự thuận lợi trong công tác dạy và học của nhà trường, công tác quản lý cũng hệ thống hơn, bài bản hơn.

Phù hợp với đặc thù từng địa phương

Việc xóa các điểm trường lẻ để về điểm trường chính đã góp phần đưa chất lượng giáo dục các tỉnh miền núi khởi sắc. Hệ thống mạng lưới trường lớp từng bước được rà soát, sắp xếp và hoàn thiện ở các cấp học, ngành học theo hướng hợp lý và hiệu quả hơn.

Theo thầy Đào Trọng Nguyên, sau 2 năm thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng, học sinh bỏ học giảm. Tỉ lệ học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh tăng lên rõ rệt.

Ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng GD&ĐT Bảo Yên (Lào Cai) cho biết: Để thực hiện tốt đề án sáp nhập các điểm trường lẻ, trước hết, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cho chính quyền địa phương và người dân hiểu tại sao lại phải sáp nhập. Đây là điểm mấu chốt để người dân hiểu được hiệu quả của việc đưa học sinh từ điểm lẻ về trung tâm, giúp các em phát triển giáo dục toàn diện, chuẩn bị cho Chương trình, SGK mới. Thứ hai, cần làm tốt công tác tham mưu, tăng cường cơ sở vật chất để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để đón các em về trung tâm. Hiện nay, các trường học trên địa bàn huyện Bảo Yên đã đưa được 70% số học sinh về điểm trường chính, chủ yếu là học sinh lớp 4, 5. Phấn đấu đến năm 2020, cố gắng khi đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất và sự đồng thuận của người dân thì 100% học sinh điểm trường lẻ về trung tâm học tập. 

Sau khi sáp nhập, các trường đã cơ bản ổn định về bộ máy quản lý, đội ngũ giáo viên, nhân viên, tránh được tình trạng quy mô trường nhỏ lẻ, giáo viên phải dạy chéo, ảnh hưởng chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, sáp nhập trường lớp cũng tiết kiệm được chi phí đầu tư, khắc phục được tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các cấp học trong cùng địa bàn. Tuy vậy, trên thực tế công tác sáp nhập ở những trường có đông học sinh, địa bàn rộng, bố trí cán bộ quản lý ra sao để phát huy hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính là bài toán không dễ.

Đối với việc sáp nhập các điểm lẻ về các điểm trường chính, xóa các lớp ghép, lớp tạm thì bài toán gỡ khó cho cơ sở vật chất luôn được đặt ra đầu tiên. Từ điểm trường lẻ quy mô vài chục đến hơn một trăm học sinh, nay sáp nhập về trường chính với quy mô hơn 1.000 học sinh dĩ nhiên gánh nặng cơ sở vật chất là điều khó tránh.

Hoạt động dạy học ở hai cấp có đặc thù khác nhau, độ tuổi, tâm lý học sinh khác nhau, cơ chế hoạt động và thời gian học khác nhau nên không tránh khỏi sự chồng chéo về chuyên môn và khó thống nhất các hoạt động chung cho toàn trường; một số hiệu trưởng các trường liên cấp có chuyên môn THCS, nay được phân công quản lý cả hai cấp học nên khó khăn trong công tác quản lý.

Theo thầy Đào Trọng Nguyên, khó khăn nhất là công tác bán trú cho học sinh, bởi sau khi sáp nhập, hầu hết các em từ các điểm lẻ đều ở lại trường vì nhà cách trường khá xa. Các thầy cô giáo phải phân công nhau quản lý bán trú 24/24 giờ. Cách làm việc và nội dung làm việc không khác gì trường nội trú, nhưng các thầy cô vẫn không được hưởng các chế độ như là trường nội trú. Đây cũng là những khó khăn mà các trường vùng cao đều đang phải nỗ lực khắc phục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.