Phải có đề án cụ thể
Theo GS.TS Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, quy hoạch mạng lưới, sắp xếp các cơ sở giáo dục đại học là chủ trương đúng. Tuy nhiên, việc sắp xếp, sáp nhập ở địa phương phải có đề án cụ thể, không nên cộng dồn cơ học. Trong đề án phải nêu bật được lý do và mục tiêu sắp xếp, không thể chung chung. “Quan trọng là hiệu quả và chất lượng, không nên làm cho xong”, GS Đào Trọng Thi nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, cho rằng việc quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng cần theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Nói như vậy, không có nghĩa là dồn ghép theo phép cộng cơ học, mà cần linh hoạt, uyển chuyển và “Tùy – Liệu – Lựa”.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo phân tích: Tùy là “Nhập gia tùy tục”, tùy theo sức của mình. Hay nói cách khác, phải tương hợp giữa chủ quan và khách quan. Liệu là “Liệu cơm gắp mắm”, cân đối giữa mục tiêu và khả năng. Lựa tức là “Lựa gió phất cờ”, xem xét giữa nội lực và ngoại lực. “Nói chung, việc xếp sắp, sáp nhập các trường phải Tùy – Liệu – Lựa chứ không phải bằng một quyết định mang tính mệnh lệnh, hành chính” - PGS.TS Đặng Quốc Bảo trao đổi.
Hướng tới hiệu quả và chất lượng
Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), chúng ta cần suy nghĩ toàn diện và tổng thể về phương hướng đổi mới cả hệ thống giáo dục đại học, thỏa mãn đồng thời các tiêu chí: Công bằng, chất lượng, hiệu quả và nhất thể hóa; từ đó mới tính được việc sắp xếp mạng lưới trường. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học công lập và sắp xếp các trường phải xuất phát từ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và giáo dục của đất nước cũng như địa phương trong những năm tới.
“Việc sắp xếp, điều chỉnh nên được chuẩn bị thật kỹ về quan điểm, tư duy, đặc biệt là các chính sách cụ thể. Nhà nước nên thiết kế một hành lang pháp lý đủ rộng, đủ chặt và xây dựng kế hoạch toàn diện từ lộ trình đến sự giám sát”, TS Lê Viết Khuyến trao đổi.
Nguyên lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cho rằng: Cần thực hiện phân tầng (theo sứ mệnh) các cơ sở giáo dục đại học, phân cấp quản lý triệt để cho các địa phương. Khuyến khích nhà trường đăng ký về sứ mệnh, mục tiêu, và tầm nhìn tương xứng với năng lực của trường mình và có thể thay đổi trong quá trình phát triển. Về phía Nhà nước cũng nên chấp nhận sự khác biệt tương đối rộng về năng lực giữa các trường; có nghĩa là chấp nhận một phổ tương đối rộng về năng lực từ trường đầu đàn đến trường yếu. Điều này cũng là một thực tế của quá trình phát triển.
“Việc xuất hiện các trường tốp đầu trước hết phải do sự vận động tự thân vươn lên và tự khẳng định mình thông qua thực hiện chủ trương tự chủ đại học. Nhà nước cần tập trung đầu tư cho những trường này cũng như một số ngành, lĩnh vực quan trọng ở những trường có sở trường tương ứng để tạo nên các trọng điểm quốc gia”, TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.
Cũng theo TS Lê Viết Khuyến, cần thực hiện việc kiểm định chất lượng thực sự khách quan, đáng tin cậy về cả đào tạo, nghiên cứu khoa học và minh bạch về tài chính. Lấy đó cùng với kết quả điều tra hàng năm về việc làm của sinh viên tốt nghiệp để làm cơ sở cho sự đánh giá của cơ quan quản lý và sự tín nhiệm của xã hội. Điều này là tối quan trọng khi ta “mở” nhiều mặt, xóa nhiều ràng buộc trong quản lý. Cùng với đó, cần chấp nhận sự sàng lọc các đơn vị đào tạo theo cơ chế thị trường thông qua uy tín của thương hiệu, có sự định hướng của Nhà nước (khen thưởng, đầu tư và chế tài). Chế tài của Nhà nước có thể từ thấp đến cao, tới mức quyết định đóng cửa trường.
“Chẳng hạn, đối với hệ thống các trường sư phạm, về lâu dài (có thể từ sau năm 2025) từng bước chuyển thành trường đại học giáo dục trong các đại học đa lĩnh vực, hoặc khoa sư phạm trong trường đại học địa phương, hoặc phát triển thành các trường đại học địa phương đa ngành, để có sự ổn định trong hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo; đồng thời huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo giáo viên khi xuất hiện nhu cầu lớn. Mặt khác, có thể giải thể các cơ sở sư phạm không bảo đảm chất lượng dựa trên kết quả kiểm định chất lượng đào tạo và điều tra việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp” – TS Lê Viết Khuyến viện dẫn.