Sáp nhập các trường văn hóa, nghệ thuật: Còn nhiều vướng mắc

GD&TĐ - Nhiều tỉnh thành đã và đang sắp xếp, tổ chức cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đó có việc sáp nhập, hợp nhất các trường văn hóa nghệ thuật (VHNT) với trường thuộc khối ngành khác. Tuy nhiên, do đặc thù của từng loại hình đào tạo nên trong quá trình triển khai đã nảy sinh một số vướng mắc.

Trường CĐ Bình Định - nơi vừa diễn ra sáp nhập các trường. Ảnh : IT
Trường CĐ Bình Định - nơi vừa diễn ra sáp nhập các trường. Ảnh : IT

Cần một hành lang pháp lý

Theo thống kê, 5 tỉnh đã có kế hoạch sáp nhập, hợp nhất các trường VHNT với trường cao đẳng sư phạm, gồm: Vĩnh Long, Sóc Trăng, Thái Bình, Nam Định và Hưng Yên. Cụ thể, đầu tháng 9/2019, Hưng Yên đã tổ chức lễ công bố Quyết định sáp nhập Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hưng Yên vào Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên và đổi tên thành Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên.

Là đơn vị nằm trong lộ trình sáp nhập, hợp nhất, TS Trần Hải Minh - Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nam Định cho rằng, trong quá trình thực hiện phát sinh một số vướng mắc, đặc biệt là đơn vị đào tạo ngành nghề đặc thù như lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật ở bậc học trung cấp và cao đẳng tại các tỉnh, thành, địa phương.

Thực tế cho thấy, việc sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất của các trường văn hóa nghệ thuật có hai xu hướng cơ bản: Sáp nhập, hợp nhất các trường trung cấp, cao đẳng trong toàn tỉnh thành một trường cao đẳng cộng đồng; Sáp nhập, hợp nhất các trường văn hóa nghệ thuật với trường cao đẳng sư phạm.

Hiện tại, các trường cao đẳng và trung cấp văn hóa nghệ thuật là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Bộ LĐ-TB&XH . Hoạt động của nhà trường tuân thủ theo Thông tư số 46/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về Điều lệ Trường cao đẳng.

 Khi xây dựng đề án thành lập trường nhất thiết phải tuân thủ theo các điều kiện của một trong hai điều lệ trường và phải nằm trong phạm vi quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện tại, chúng tôi chưa xác định được trường mới chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục hoặc giáo dục nghề nghiệp của Bộ GD&ĐT hay Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký quyết định thành lập trường cao đẳng công lập). Vì vậy, chưa đủ cơ sở hành lang pháp lý để xây dựng đề án… 
TS Trần Hải Minh  

Trường CĐ Sư phạm Nam Định là đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT và hoạt động theo Thông tư số 01/2015/TT-BGDĐT ngày 15/1/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về Điều lệ Trường cao đẳng.

Một diễn biến khác, đầu năm 2019, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 4790/ QĐ-UBND, sáp nhập Trường TC Kỹ thuật Công nghệ Hoài Nhơn, Trường TC Thủ công mỹ nghệ Bình Định, Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Bình Định, Trường TC Văn hóa Nghệ thuật Bình Định sáp nhập vào Trường CĐ Bình Định.

Một GV thanh nhạc Trường TC VHNT Bình Định chia sẻ, sau khi sáp nhập vào Trường CĐ Bình Định… GV bị giảm phụ cấp nghề từ 50% xuống còn 25%, dẫn đến tinh thần, nhiệt huyết của đội ngũ dạy VHNT bị giảm sút, thậm chí một số GV đã tự động nghỉ việc. Đồng thời, nhiều sinh viên bị mất phương hướng, do sau khi sáp nhập phải học trong môi trường nhiều ngành nghề nên khó tập trung và rơi rụng nhiều. Ngoài ra, số lượng tuyển sinh bị giảm nhiều, không như trước; năng khiếu đầu vào của SV cũng không cao.

GV bị giảm phụ cấp nghề từ 50% xuống còn 25%, dẫn đến tinh thần, nhiệt huyết của đội ngũ dạy VHNT bị giảm sút. Ảnh minh họa/ INT
GV bị giảm phụ cấp nghề từ 50% xuống còn 25%, dẫn đến tinh thần, nhiệt huyết của đội ngũ dạy VHNT bị giảm sút.        Ảnh minh họa/ INT

Nghị quyết một đằng, địa phương thực hiện một nẻo

Theo ông Hồ Việt Anh - Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du (Hà Tĩnh), một số trường VHNT sau khi sáp nhập đã không còn bóng dáng của đào tạo VHNT nữa. Bênh cạnh đó, những thầy cô giáo dạy VHNT đang rất vất vả trong cuộc sống và họ lấy làm tiếc cho một thời đã đóng góp, cống hiến…

Từ thực tế sáp nhập các trường VHNT trong thời gian qua, ông Hồ Việt Anh kiến nghị nên tạm dừng việc sáp nhập khối trường VHNT vào các trường khác; đồng thời sớm có quy định, chính sách trong việc đào tạo khối ngành VHNT…

Mới đây tại một tọa đàm khối các trường VHNT do Trường CĐ VHNT TPHCM tổ chức, ở góc độ cơ quan quản lý các hoạt động lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN), ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, việc sắp xếp, sáp nhập các trường VHNT, một số tỉnh nói bám vào Nghị quyết của T.Ư nhưng lại không hiểu nội dung Nghị quyết.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, hiện Tổng cục GDNN đã và đang triển khai chiến lược, quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới GDNN trên cả nước. Trong quá trình triển khai có hướng dẫn, lộ trình các tỉnh thành xây dựng chiến lược, xây dựng quy hoạch và đề án sắp xếp lại mạng lưới GDNN trên địa bàn rồi bàn bạc xem cái nào cần giảm, cái nào cần sắp xếp lại. Tuy nhiên, một số địa phương làm ngược lại ban hành quyết định sáp nhập, hợp nhất trước, rồi mới xây dựng kế hoạch, lộ trình sau.

Hiện, hệ thống GDNN có 956 trường TC, CĐ, cho thấy mạng lưới GDNN bắt đầu giảm. Đây cũng là một thành quả bước đầu của việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH TW khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Minh, số lượng cơ sở GDNN giảm vừa qua chỉ mang tính cơ học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ