Cân nhắc trong sáp nhập các trường văn hóa nghệ thuật

GD&TĐ - Ngày 11/10, tại TPHCM diễn ra chương trình tọa đàm “Giải pháp phát triển các trường văn hóa, nghệ thuật” do Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM đăng cai tổ chức. Nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc trong sáp nhập các trường văn hóa nghệ thuật với các trường đào tạo khác.

TS Trương Nguyễn Ánh Nga - Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM phát biểu
TS Trương Nguyễn Ánh Nga - Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM phát biểu

Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện tọa đàm  giao lưu các trường văn hóa, nghệ thuật (VH-NT) toàn quốc lần thứ 11 năm 2019, từ ngày 10 đến 13/10, do Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM đăng cai tổ chức, với sự tham gia của gần 200 giảng viên, sinh viên thuộc 15 trường cao đẳng, trung cấp VH-NT các tỉnh, thành trên toàn quốc.

Tham gia chương trình có PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa , Thể thao và Du lịch; TS Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH).
Với tôn chỉ đề ra đoàn kết –phát triển, chương trình giao lưu năm nay hướng đến sự gắn kết, tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa các trường VH-NT. Đồng thời, chương trình cũng là diễn đàn để đại diện các trường trao đổi các kinh nghiệm, các giải pháp phát triển nhà trường trong lĩnh vực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học…

15 trường VH-NT tham gia ký kết hợp tác, liên kết
15 trường VH-NT tham gia ký kết hợp tác, liên kết 

Tọa đàm khoa học Giải pháp phát triển các trường VH-NT có ý nghĩa quan trọng, nhằm củng cố và phát triển các ngành nghệ thuật truyền thống theo hướng bảo tồn, gìn giữ các giá trị truyền thống, đồng thời tiếp nhận xu hướng mới trên thế giới, tiếp bước mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, 15 trường văn hóa nghệ thuật tham gia sự kiện đã ký kết hợp tác, liên kết để cùng phát triển. 

Theo TS Trương Nguyễn Ánh Nga - Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, chương trình nhận được nhiều bài tham luận, ý kiến hết sức thiết thực từ các trường VH-NT trên toàn quốc, với các kinh nghiệm quý báu, những suy tư trăn trở về mọi mặt hoạt động của các trường. Trong đó, nhiều ý kiến tập trung vào các giải pháp tổng thể mang tính định hướng chiến lược, phát triển các trường văn hóa nghệ thuật thông qua sự  liên kết, phát huy thế mạnh của từng trường, từng địa phương góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực lao động cho xã hội. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc trong sáp nhập các trường Văn hóa Nghệ thuật với các trường đào tạo khác.

ThS Trần Văn Nam - Phó HT phụ trách Trường TC VHNT Du lịch Quảng Nam phát biểu tại sự kiện
 ThS Trần Văn Nam - Phó HT phụ trách Trường TC VHNT Du lịch Quảng Nam phát biểu tại sự kiện

Một số ý kiến tham gia đóng góp tập trung vào các giải pháp bảo tồn và phát huy các ngành nghệ thuật truyền thống nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc và xu hướng tiếp nhận những giá trị nghệ thuật mới trên thế giới trong bước đường hội nhập toàn cầu.

"Tự chủ cũng là một xu thế không thể không tính đến đối với các cơ sở đào tạo nghề. Tuy nhiên việc tự chủ cũng cần phải có lộ trình và không thể thực hiện ngày một ngày hai, phải có lộ trình với từng giai đoạn cụ thể với chính sách và cơ chế tài chính phù hợp. Bởi đào tạo nghệ thuật không phải là hoạt động sinh lời mà là hoạt động mang tính chính trị rất lớn" - ThS. Dương Hồng Lam - Hiệu trưởng Trường TC VH-NT Thừa Thiên Huế. bày tỏ.

Chương trình được tổ chức tại 2 địa điểm là Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM và Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, với nhiều hoạt động phong phú, như: biểu diễn những tiết mục đặc sắc, tiêu biểu của các trường, tham quan TPHCM, thưởng thức chương trình nghệ thuật Teh Dar Show, tham quan TP Cần Thơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ