Được biết, dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng dựa trên ý tưởng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ở đây tái tạo các di sản văn hóa vật chất và những giá trị văn hóa tinh thần được đúc kết qua hàng ngàn năm đồng thời bảo tồn di sản văn hóa truyền thống các dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu văn hóa giữa các vùng miền của đất nước và với quốc tế.
Dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng dựa trên ý tưởng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đó là tái tạo các di sản văn hóa vật chất và những giá trị văn hóa tinh thần được đúc kết qua hàng ngàn năm. |
Ngày 12/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đến năm 2015 tại Quyết định 540/QĐ-TTg. Theo đó, Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ 2008 -2010) - Hoàn thành xây dựng 34/54 làng dân tộc thuộc Khu các làng dân tộc, hoàn thành xây dựng Dự án Hạ tầng kỹ thuật chung và Khai trương Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam vào năm 2010; Giai đoạn 2 (từ 2011 - 2015) hoàn thành toàn bộ Dự án.
Thực hiện Quyết định trên, năm 1999, Ban quản lý dự án Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được thành lập. Và năm 2003 Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chính thức được khởi công xây dựng trên diện tích 1.544 ha (trong đó có 605 ha mặt đất và 939 ha mặt nước) thuộc hồ Đồng Mô, Thị xã Sơn Tây (Hà Nội).
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng bao gồm 6 khu chức năng: Tái hiện các Làng dân tộc và cảnh quan; Tái hiện một cách ước lệ và khái quát đất nước Việt Nam qua các thời kỳ dựng nước, giữ nước và cảnh quan; Tái hiện một số di sản văn hóa thế giới nổi tiếng thuộc các thời đại và cảnh quan; Trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí; Khu dịch vụ du lịch, bao gồm các khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ, khu hành chính và cảnh quan; Công viên trên mặt nước, bao gồm các bến thuyền, các công trình văn hóa gắn với mặt nước và cảnh quan…
Được biết, để bảo đảm được không gian sống cho Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Ban quản lý làng Văn hoá – Du lịch các Dân tộc, cùng với các ban ngành, đơn vị liên quan đã nghiên cứu, tham khảo học hỏi có chọn lọc mô hình Làng Văn hóa các dân tộc của một số nước, tố chức 17 cuộc hội thảo tọa đàm khoa học, kết hợp với các chuyến đi thực tế đến tận các buôn làng, ghi chép lại kiến trúc và văn hóa truyền thống, lập dự án mang đến từng địa phương.
Sau một thời gian đi vào thi công, đến nay, các hạng mục công trình của dự án Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam đang được hoàn tất, công tác chuẩn bị đầu tư được triển khai tích cực, đúng quy định; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đạt 99,9%; Bên cạnh đó đã kiện toàn bộ máy tổ chức, thu hút được cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc triển khai các dự án thành phần đáp ứng yêu cầu, tiến độ kế hoạch. Cơ bản hoàn thành khu các làng dân tộc II, đang triển khai các khu làng dân tộc và các dự án thành phần, hạ tầng kỹ thuật chung đã hoàn thành một số hạng mục nhằm tiến tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Theo đúng kế hoạch, công trình sẽ hoàn tất vào tháng 9/2010, công trình sẽ là một trong những sự kiện trọng đại thiết thực chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đến với Làng văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam những ngày này, chúng ta sẽ thấy được khung cảnh làng quê Việt Nam với sự bình dị, mộc mạc mà thân quen, ấn tượng gợi nhớ về quê hương của mỗi người. Du khách trở về với quê hương, dạo chơi qua các làng bản, tham dự các sinh hoạt văn hoá như đi chơi “chợ quê”, thưởng thức ẩm thực “hạt gạo làng ta” đến với dân ca, dân vũ của các dân tộc, giới thiệu đến du khách “cuộc dạo chơi của các thế hệ”, tái hiện các trò chơi dân gian tưởng như đã bị mai một, những trò chơi đồng quê của cha ông thuở nào, giới thiệu bộ sưu tập trò chơi xưa…
Anh Thư