Sáng tạo từ… 'nghịch bẩn'

GD&TĐ - Trẻ sáng tạo sẽ thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề, đổi mới hay khám phá ra những lĩnh vực mới lạ.

Con được tự do khám phá và hòa mình với thiên nhiên, không ngại đất cát hay bị bẩn. Ảnh: NVCC.
Con được tự do khám phá và hòa mình với thiên nhiên, không ngại đất cát hay bị bẩn. Ảnh: NVCC.

Nhiều trẻ không có cơ hội để sáng tạo do được bao bọc quá kỹ, cha mẹ sợ con tiếp xúc với môi trường bên ngoài sẽ nhiễm khuẩn hoặc ra nắng gió sẽ bị ốm,…

Thỏa sức khám phá thế giới

Trẻ sáng tạo sẽ thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề, đổi mới hay khám phá ra những lĩnh vực mới lạ. Nói cách khác, trẻ em có kỹ năng sáng tạo thường sẽ khéo léo và giải quyết vấn đề linh hoạt hơn. Những trẻ nào được khuyến khích suy nghĩ sáng tạo sẽ thể hiện sự tự tin và có nhiều động lực hơn trong lĩnh vực mà trẻ thích.

Dịp hè vừa qua, chị Nguyễn Minh Trang (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ hình ảnh ba đứa con về quê “nghịch bẩn”, tay lấm lem màu tím do nghịch quả mồng tơi nhưng rất thích thú. Chỉ cần ngắt vài quả mồng tơi chín mọng trên bờ rào là đã có bao nhiêu trò vui để ba đứa trẻ khám phá và tìm hiểu. Quả mồng tơi chín có thể dầm ra làm mực tím để viết trên sân, dùng để nhuộm vải, sơn móng tay, làm son môi... cho bọn trẻ thỏa thích sáng tạo.

Theo chị Nguyễn Minh Trang, “nghịch bẩn” là một phần không thể thiếu của tuổi thơ và là cơ hội trẻ được khám phá, tìm hiểu về môi trường xung quanh mình. Điều này kích thích sự sáng tạo của trẻ vô cùng. Được thoả sức tưởng tượng, con còn nghĩ cách dầm quả mồng tơi làm mực để viết, rồi chơi pháo đất làm thế nào để nổ to nhất, nhảy ùm vào vũng nước mưa để biết mưa với đất tạo nên bùn… Đây tưởng chừng chỉ là những trò “nghịch bẩn” nhưng con đã có nhiều ý tưởng để “biến hoá” thành các sản phẩm ngộ nghĩnh.

Theo nhiều chuyên gia, khi trẻ được nghịch bẩn thoải mái thì các giác quan của trẻ cũng có cơ hội phát triển mạnh mẽ và sáng tạo hơn. Tay trẻ được sờ thử nhiều loại chất liệu, mùi thơm của không khí sẽ kích thích khứu giác của trẻ phát triển. Sự đa dạng của thế giới xung quanh cũng giúp thị giác của trẻ phát triển. Vậy nên, cho dù cảm thấy e ngại trước việc nghịch bẩn của trẻ, bố mẹ cũng nên cho con ra ngoài chơi nhiều hơn. Lấm bẩn sẽ không là vấn đề gì nếu trẻ học được nhiều điều mới lạ và tăng khả năng sáng tạo.

Trên thực tế, “Nào, đừng nghịch bẩn” hoặc “Đừng chơi trò làm bẩn quần áo”, “Đừng đi chân đất”… là những câu nói khá quen thuộc của nhiều cha mẹ. Trong cuộc sống hiện đại, phụ huynh thường hay sợ con chơi bẩn, lấm lem bùn đất cát. Trong khi đó, nghịch bẩn chính là một trò vui của nhiều trẻ em nước ngoài. Bởi cha mẹ chúng cho rằng việc ấy rất tốt cho sự phát triển cả cơ thể và tâm hồn của trẻ.

TS Nguyễn Thành Nhựt, hiện sinh sống và làm việc tại Copenhagen, Đan Mạch. Khi có con, ông thường xuyên tìm hiểu các phương pháp giáo dục trẻ của nước bạn với mong muốn chúng được học tập văn hóa, hòa nhập với người bản địa. Điều đặc biệt nhất, ông thường xuyên lắng nghe các tư vấn của bác sĩ, chuyên gia tâm lý về cách dạy trẻ thích nghi với môi trường sống để có được sức khỏe tốt. Một trong số đó là việc để con thoải mái hoà mình với thiên nhiên.

TS Nguyễn Thành Nhựt chia sẻ: Khi con còn nhỏ, tôi vẫn quen với nếp sống ở Việt Nam. Ông bà, cha mẹ tôi rất giữ gìn con cháu. Ở nhà, người lớn thường dặn trẻ không được nghịch bẩn, không được đi chân đất… Lý do thường là sợ trẻ bị ốm, hay nhiễm khuẩn, giun sán,… Tuy nhiên, khi áp dụng điều này với con gái, người dân bản địa đã mỉm cười và nói với vợ chồng tôi rằng, hãy để con được “sống cùng với bùn đất”.

Sau đó, chúng tôi gặp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Họ khuyên rằng, sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào vi khuẩn mà chúng ta thu nhận và sự phát triển khả năng miễn dịch khi còn nhỏ. Tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn khác nhau sẽ huấn luyện cho hệ thống miễn dịch phân biệt được loại vi khuẩn nào là tốt, xấu và vô hại.

Đồng thời, sức khỏe của bạn được kết nối với các vi sinh vật bạn mang theo bên ngoài và bên trong cơ thể, và càng tiếp xúc nhiều với chúng, đặc biệt là khi còn nhỏ, thì bạn sẽ càng có khả năng trở nên khỏe mạnh khi trưởng thành.

Suốt thời gian đó, TS Nguyễn Thành Nhựt đã tìm hiểu rất nhiều sách và thoải mái để con được thoả sức với thiên nhiên để tăng cường khả năng sáng tạo, sự khám phá và tìm tòi. Nhờ đó, trẻ được tự do đi chân đất nếu muốn, được trồng cây, chăm sóc vật nuôi mà không ngại làm bẩn quần áo.

sang-tao-tu-nghich-ban-2-8194.jpg
Ảnh: NVCC.

TS Nguyễn Thành Nhựt cho rằng: “Quần áo bẩn có thể giặt sạch, phòng bừa bộn có thể dọn dẹp nhưng nếu trẻ mất khả năng chủ động tìm kiếm kiến thức và sáng tạo vì sợ bẩn thì lợi bất cập hại”.

Nói rõ về vấn đề này, ông giải thích: Nếu bố mẹ luôn dặn rằng không được chạm vào cái này, đừng động đến cái kia, trẻ như bị giam cầm. Từ đó, con không dám chủ động chạm tay vào “thế giới” sáng tạo đầy thú vị. Những đứa trẻ như vậy không những không hạnh phúc mà còn mất đi tính chủ động khám phá cuộc sống. Sự sáng tạo của trẻ luôn vượt qua sức tưởng tượng của người lớn. Nhưng trẻ phải được sáng tạo một cách mạnh dạn và tự do mà không bị bố mẹ gò bó.

Vì thế, nếu trẻ khỏe mạnh, hãy để con thoải mái nghịch bùn hay đào giun đất, bắt dế mèn,… Trẻ sẽ có những kỷ niệm đẹp về thời thơ ấu của mình. Xã hội ngày càng phát triển, công nghệ ngày càng bùng nổ đã khiến trẻ thiệt thòi khi giam mình trong nhà với thiết bị điện tử. Dần dần, trẻ không còn khả năng phát triển tình yêu thiên nhiên, vươn mình ra cuộc sống thực tế bên ngoài…

TS Nguyễn Thành Nhựt cũng chia sẻ, ở Đan Mạch và một số quốc gia trên thế giới, trẻ thường rất tự tin, vui vẻ và nhanh hòa đồng. Chúng có thể ngủ riêng khi mới sinh ra, biết xúc ăn từ rất sớm, mạnh dạn làm những điều mình thích... Thế nhưng, ông cũng cho rằng, nói như vậy không phải là bất kỳ môi trường nào, khu vực nào bẩn cũng “thả” con chơi đùa. Tuỳ vào nơi mình sinh sống, thế giới xung quanh trẻ để con được khám phá, sáng tạo trong sự an toàn, ít rủi ro.

sang-tao-tu-nghich-ban-3-3502.jpg
Ảnh: NVCC.

Cảnh báo những rủi ro

Ở Việt Nam, nhiều mẹ thích con vui chơi để phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng ngược lại, nhiều phụ huynh cũng rất e ngại cho con “nghịch bẩn” vì sợ con dơ dáy, nhiễm bệnh.

Chị Phạm Hoàng Giang (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều người cho rằng ở nước ngoài trẻ được phát triển tự do nhưng mình đang sống ở môi trường Việt Nam. Khí hậu, phong tục, nếp sống, cơ sở vật chất,… có nhiều điều khác nhau nên không thể học theo được. Cứ mỗi lần con tôi nghịch bùn đất lấm lem hay nghịch cát là tối về chỗ nào cũng thấy đất cát. Thậm chí, đầu tóc, trong hốc mắt, lỗ mũi cũng có cát. Như vậy, để con chơi “tẹt ga” thì đồng nghĩa với việc chấp nhận vi khuẩn xâm nhập, ốm đau, bệnh tật… Chưa kể đến những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình vui chơi gây hại đến trẻ”.

Chị Giang còn nhấn mạnh, chúng ta nên đặt con vào môi trường càng vô trùng càng tốt. Nên thường xuyên nhắc nhở con rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, uống sữa tiệt trùng, ăn hoa quả sạch có nguồn gốc,… Không chỉ chị Giang mà rất nhiều cha mẹ có đồng quan điểm giữ con sạch sẽ, tránh xa bùn đất, lấm bẩn. Càng sạch sẽ càng tốt cho sức khỏe của con.

Tuy nhiên, chị Nghiêm Thị Hà - người Việt Nam định cư ở Pháp cho rằng: Ở nước ngoài, hầu hết cha mẹ cho rằng, cứ để con vô tư đùa nghịch dưới sự giám sát của người lớn thì chúng mới có cơ hội tự do khám phá thế giới xung quanh. Nhờ đó, chúng hiểu thêm về môi trường mà chúng đang sống cũng như tăng khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng.

Trẻ tự khắc sẽ thích nghi được với những điều kiện có vẻ kém sạch sẽ bên ngoài, bằng chứng là kể cả ở Việt Nam, trẻ em ở nông thôn không chỉ ít bệnh tật mà thường khỏe hơn, có sức đề kháng tốt hơn trẻ em thành phố. Nhiều trẻ em ở miền núi có điều kiện thiếu thốn nhưng vẫn rất vui tươi, hồn nhiên, khoẻ mạnh.

Chị Hà cũng cho biết thêm, nhiều bà mẹ ở Pháp tập trung vào việc tăng cường khả năng miễn dịch của cá nhân hơn là chỉ giải quyết bệnh tật. Một trong số đó là để con được “nghịch cùng vi khuẩn”, cơ thể sẽ tự kháng với chúng sau này.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân bản địa cũng có nhiều điểm khác biệt so với ở Việt Nam. Ví dụ, phụ nữ ở đây sau khi sinh con 4 tháng đã đi làm. Thời gian này, trẻ sẽ được gửi đến trường học. Điều này rất hiếm gặp ở nước ta khi cho con đi nhà trẻ ở độ tuổi 4 tháng. Thậm chí, khi một đứa trẻ trong lớp bị ốm, họ vẫn khuyến khích cho con đến trường chứ không ngại lây sang em bé khác. Đối với họ, đây chính là môi trường để con tiếp xúc với các loại vi khuẩn. Từ đó con có sức đề kháng, miễn dịch với chúng sau này và càng lớn sẽ càng ít bệnh tật.

Tuy nhiên, chị Hà cho rằng, ở mỗi quốc gia, nơi ở đều có một phong tục và cách sống khác nhau. Việc cho con lấm lem bùn đất, hòa mình vào thiên nhiên không phải là tùy ý. Hãy giúp trẻ phân biệt được tốt - xấu như không được đưa những vật này vào mắt, mũi, miệng hay “nếm” thử… Hãy để con được trải nghiệm bằng trí tuệ chứ không phải là sự tự do thái quá. Mỗi nơi ở cũng có những đặc điểm khác nhau nên người lớn hãy cho trẻ chơi trong điều kiện được cảnh báo về rủi ro. Ví dụ đi chân đất có thể tốt cho sức khỏe nhưng trong nhiều khu vườn ở Việt Nam, không đi dép có thể khiến con bị thương từ thủy tinh, vỏ chai lọ, rác thải…

“Nếu được, cha mẹ hãy lấm bẩn cùng con mỗi ngày để trẻ trở lên hạnh phúc, khỏe mạnh hơn”, chị Hà nhấn mạnh.

“Việc trẻ nghịch bẩn nên được khuyến khích, nhưng không phải tất cả các loại bụi bẩn đều an toàn. Bạn không nên để trẻ chơi ở khu vực có phân chó, mèo hoặc bất kỳ loại động vật nào khác, hoặc ở những nơi gia súc ăn cỏ. Trẻ cũng không nên chơi ở những nơi đã được phun thuốc trừ sâu hoặc chất hóa học. Đất cát ở gần nhà ga hoặc nhà máy có thể có chứa sơn, thuốc trừ sâu hoặc các chất hóa học độc hại mà trẻ không nên tiếp xúc. Do vậy, điều quan trọng nhất để con vừa được sáng tạo nhờ nghịch bẩn mà vẫn an toàn đó là nên dạy con cách phân biệt được vùng an toàn, cảnh báo rủi ro, hay những gì được cho là nguy hiểm”, TS Nguyễn Thành Nhựt nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ