Vì sao nên để con trẻ được nghịch bẩn?

GD&TĐ - Thế giới phẳng, cách nuôi dạy con của cha mẹ Việt cũng Tây hóa ít nhiều. Phụ huynh hiện đại nhận thức rằng, nghịch bẩn chính là một trong những cách giúp con khám phá và tìm hiểu môi trường xung quanh...

Ảnh minh họa: IT.
Ảnh minh họa: IT.

Lấm bẩn để học điều hay

Trong Hội thảo về “Trẻ vui chơi lấm bẩn, nên hay không?”, bác sĩ tâm lý Nguyễn Minh Tiến, Hội Khoa học Tâm lý giáo dục TPHCM cho rằng: “Nếu không được chạm hoặc tiếp xúc với các vết bẩn thì con trẻ không thể học và khám phá được những điều mới mẻ quanh mình”.

Dịp Tết, chị Nguyễn Minh Trang - Founder Mầm Nhỏ chia sẻ hình ảnh ba đứa con “nghịch bẩn”, tay lấm lem màu tím do nghịch quả mồng tơi nhưng rất thích thú. Chỉ cần ngắt vài quả mồng tơi chín mọng trên bờ rào là đã có bao nhiêu trò vui để ba đứa trẻ khám phá và tìm hiểu. Quả mồng tơi chín mọng có thể dầm ra làm mực tím để viết trên sân, dùng để nhuộm vải, sơn móng tay, làm son môi... cho bọn trẻ thỏa thích sáng tạo.

Theo chị Nguyễn Minh Trang, “nghịch bẩn” là một phần không thể thiếu của tuổi thơ và là cơ hội trẻ được khám phá và tìm hiểu về môi trường xung quanh mình. Dầm quả mồng tơi có thể làm mực để viết, chơi pháo đất làm thế nào để nổ to nhất, nhảy ùm vào vũng nước mưa để biết mưa với đất tạo nên bùn… chỉ là những trò “nghịch bẩn” thú vị mà những đứa trẻ thích làm. Bởi trẻ được sinh ra vốn dĩ đã có trí tò mò thiên bẩm.

Khi trẻ được nghịch bẩn thoải mái thì các giác quan của trẻ cũng có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Tay trẻ được sờ thử nhiều loại chất liệu, mùi thơm của không khí sẽ kích thích khứu giác của trẻ phát triển.

Sự đa dạng của thế giới xung quanh cũng giúp thị giác của trẻ phát triển. Vậy nên, cho dù cảm thấy e ngại trước việc nghịch bẩn của trẻ, bố mẹ cũng nên cho con ra ngoài chơi nhiều hơn. Lấm bẩn sẽ không là vấn đề gì nếu trẻ học được nhiều điều mới lạ.

Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (Văn Giang, Hưng Yên) chia sẻ kinh nghiệm cho trẻ “nghịch bẩn” ở trường. Với giấy trắng, màu nước được pha ra đĩa, cho trẻ nhúng tay và chân vào đĩa màu và trổ tài họa sĩ trên giấy. Đợi màu khô là trẻ đã có một tác phẩm hoa tay hoa chân nhiều màu sắc. Trò chơi này tuy vấy bẩn nhưng trẻ được chơi đùa vui vẻ và phát triển tính sáng tạo.

Dĩ nhiên, các bố mẹ theo quan điểm “siêu sạch” cũng có lý do chính đáng để không cho con nghịch bẩn. Bởi là mẹ ai lại chẳng lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của con. Tuy nhiên, với vai trò là một người mẹ, chị Nguyễn Thị Hương ủng hộ việc cho trẻ nghịch bẩn thoải mái. Vì theo chị, nghịch bẩn là cách để trẻ học hỏi và trong quá trình học hỏi quần áo, tay chân, mặt mũi sẽ bị lấm bẩn là chuyện đương nhiên.

Có nhiều trò chơi đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo có được nhờ một số hoạt động nghịch bẩn như vẽ tranh, tô màu nước hay làm tranh cát. Bố mẹ đừng ngại bẩn mà không cùng con sáng tạo những tác phẩm đáng yêu.

Khi vui chơi không cần lo lắng đến việc sạch hay bẩn, trẻ sẽ cảm thấy được thoải mái. Tất cả đều giúp trẻ vui vẻ và gắn kết cả gia đình với nhau.

Ảnh minh họa: IT.
Ảnh minh họa: IT.

Nghịch bẩn sao cho an toàn?

Tuy bố mẹ khuyến khích trẻ nghịch bẩn nhưng không phải tất cả môi trường nghịch bẩn đều an toàn. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai, Bệnh viện Phụ sản An Thịnh, bố mẹ không nên để trẻ chơi ở những khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, những nơi phun thuốc trừ sâu, hóa học. Khi cho trẻ chơi ở những nơi đông người cần phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách để phòng tránh Covid-19.

Mỗi lần chơi xong, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách vô cùng quan trọng, giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và virus. Các dung dịch rửa tay là lựa chọn tuyệt vời trong các trường hợp khẩn cấp và sát khuẩn sau mỗi lần tiếp xúc với bề mặt. Bố mẹ hãy thiết lập thói quen và thực hành rửa tay sau mỗi lần nghịch bẩn của trẻ. Nếu thỉnh thoảng trẻ có quên không rửa tay, bố mẹ chỉ nên nhắc nhở nhẹ nhàng thay vì hốt hoảng la mắng con.

Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai đưa ra lời khuyên, bố mẹ cho con vui chơi thỏa thích không có nghĩa là lúc nào, ở đâu cũng để trẻ chơi theo ý mình mà người lớn cần hướng dẫn cho trẻ vui chơi mà vẫn đảm bảo an toàn và sức khỏe.

Chẳng hạn, khi chơi dưới trời nắng thì cần cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là bổ sung vitamin C qua nước cam, chanh và thường xuyên thay quần áo ẩm mồ hôi để tránh nhiễm bệnh.

“Nếu trẻ khỏe mạnh, hãy để trẻ nghịch bẩn như cho trẻ đi chân trần trong sân, trồng cây trong vườn. Trẻ sẽ có nhiều kỉ niệm đẹp và khám phá, học hỏi được nhiều điều mới mẻ. Trẻ cũng có cơ hội duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tuy nhiên, bố mẹ nên quan sát và cho trẻ chơi sao cho an toàn”, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai nhấn mạnh.

“Trẻ hoàn toàn có thể chơi lấm mà không bẩn” là điều cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hương khẳng định. Chẳng hạn, trò chơi với chocolate chảy, viên nước đá hoặc bột màu thực phẩm, cát đồ chơi hay cho trẻ tham gia hoạt động nấu ăn, bố mẹ có thể tạo một môi trường nghịch bẩn an toàn cho con. Đây đều là những cách nghịch bẩn mà bố mẹ có thể kiểm soát được mức độ an toàn cho trẻ. Chỉ cần bố mẹ dành chút thời gian bày trò là trẻ đã có thể vui chơi thoải mái mà vẫn luôn an toàn.

Theo chuyên gia tâm lý Hara Estroff Marano (tờ Pssychology Today), trẻ em cần được sống và chỉ dạy theo đúng cách mà trẻ cần. Trẻ cần được vui chơi và được nghịch bẩn, cần được hưởng thụ niềm vui và thời gian để xây dựng các mối quan hệ. Nhưng bố mẹ lại quá bận rộn và vội vàng ép trẻ vào khuôn khổ mà quên rằng, trẻ thực sự tỏa sáng khi được nghịch bẩn, xây dựng pháo đài riêng của mình và chơi đùa với những đứa trẻ khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ