Trước đây, thầy trò phải chăm chú vào những trang sách Luật; Công ước quốc tế… giờ đây tiết sinh hoạt này vô cùng sinh động. Thay vì học thuộc lòng, thầy nói - trò nghe, nay việc tuyên truyền, giáo dục biển đảo hết sức gần gũi với những mô hình, cách làm ấn tượng…
Kênh giáo dục thiết thực
Trong thời gian qua, ngoài việc đóng góp ủng hộ chiến sĩ, ngư dân nơi đảo xa, HS - SV các trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Đặc biệt là các hoạt động hướng về chủ quyền biển đảo. Ngoài ra còn có những buổi sinh hoạt về chủ quyền biển đảo hết sức thiết thực và ý nghĩa…
Có thể nói, Bạc Liêu là một trong những địa phương tiên phong trong việc quan tâm, tuyên truyền giáo dục về chủ quyền biển đảo trong môi trường học đường. Hiện nay khi đặt chân đến các trường học ở Bạc Liêu, ấn tượng đầu tiên là hình ảnh bản đồ khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Vị trí bản đồ được đặt trang nghiêm ở trước trường học và được thầy trò chăm chút, lau chùi, bảo vệ cẩn thận. Những tấm bản đồ này được ghi bằng hai ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Trung, có kích cỡ lớn được để trong lồng kính, dựng lên trang trọng ngay trước cổng trường, có đèn chiếu sáng về ban đêm. Phía trên bản đồ đều có ghi dòng chữ: Bản đồ khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Những tấm bản đồ này đã thu hút nhiều HS - SV tìm đến để nghiên cứu, học hỏi và thu hút cả những du khách khi đến Bạc Liêu. Thấy nhóm du khách xem bản đồ, có người chưa hiểu hết nội dung, một SV Trường ĐH Bạc Liêu mạnh dạn thuyết minh: Các loại bản đồ được treo ở đây gồm An Nam Đại quốc họa đồ, Jean-Louis Taberd, 1838. Trên bản đồ vẽ quần đảo “Paracel seu Cát Vàng” (quần đảo Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Việt Nam (nguồn: Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa).
Bên cạnh là Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, Nhà Thanh, năm 1904. Trên bản đồ có ghi điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc lúc đó chỉ đến đảo Hải Nam. Bản đồ không đề cập đến hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa, tức là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam). Ngoài ra còn có Đại Nam Nhất thống toàn đồ, triều Minh Mạng, năm 1834. Trên bản đồ có ghi Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam (nguồn: Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa)…
Sau khi nghe SV trình bày một cách rành mạch, nhiều du khách rất vui và bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ khi tỉnh Bạc Liêu đã có sáng kiến hay trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ quyền biển đảo. Việc này không chỉ dừng lại tuyên truyền trong HS - SV mà qua đó mỗi HS - SV sẽ là một tuyên truyền viên tích cực đến cộng đồng, xã hội…
Những mô hình ý nghĩa
Để tuyên truyền, giáo dục pháp luật chủ quyền biển đảo, TP Cần Thơ chọn hướng đi khác, tuy nhiên cách làm này đã phát huy hiệu quả rất lớn.
Đến nay, đã có nhiều trường học ở quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ như: Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Ô Môn, Phong Điền, Vĩnh Thạnh đã xây dựng mô hình cột mốc Hoàng Sa, Trường Sa. Đây được xem là nơi sinh hoạt thường xuyên của thầy trò nhà trường. Đặc biệt vào ngày thứ 2 hàng tuần, các trường còn tổ chức tuyên truyền pháp luật về biển đảo cho tất cả GV, HS. Hiện nay trên địa bàn TP Cần Thơ có hơn 20 mô hình cột mốc chủ quyền các đảo trong quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa được xây dựng tại trường học.
Ngoài việc xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Trường TH Trung Nhứt 1, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ còn đứng ra vận động xây dựng mô hình Nhà giàn DK1. Mô hình nhà giàn cao 7m, ngang 4m, bên cạnh còn có bảng thông tin các công trình nhà giàn trên biển và những hình ảnh hoạt động của chiến sĩ, đoàn thanh niên trên các đảo thuộc vùng biển Việt Nam.
Từ khi mô hình Nhà giàn DK1 được hoàn thành, thầy trò nhà trường rất phấn khởi, nhiều hoạt động sinh hoạt, vui chơi, giáo dục pháp luật chủ quyền biển đảo đều được tổ chức tại đây… Theo anh Huỳnh Trung Trứ, Phó Bí thư Thành đoàn TP Cần Thơ, mô hình Nhà giàn DK1 ở Trường TH Trung Nhứt 1 sẽ góp phần tuyên truyền trực quan, sinh động, tạo sự thích thú, tìm hiểu của HS. Qua đó giúp các em biết được chủ quyền biên giới, hải đảo và các hoạt động của các chiến sĩ. Từ đó HS thêm tự hào và biết được tầm quan trọng chủ quyền, biên giới quốc gia…
Ở khối các trường ĐH, CĐ ở Cần Thơ, Trường CĐ nghề Cần Thơ đã tiên phong trong việc xây dựng mô hình cột mốc Trường Sa. Cột mốc do thầy trò nhà trường góp công, góp sức xây dựng ngay tại sân trường. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt chính trị của toàn trường mà còn là nơi giáo dục truyền thống, lòng yêu nước trong mỗi cán bộ, SV.
SV Trần Thanh Vũ, ngành Điện công nghiệp không giấu được niềm vui: “Em rất vinh dự khi được đóng góp một phần công sức vào việc làm ý nghĩa này. Cột mốc chủ quyền là hình ảnh sinh động và thiết thực nhất để SV tìm hiểu về chủ quyền biển đảo, qua đó nhắc nhở em cùng các bạn SV hướng về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Bên cạnh mô hình cột mốc Trường Sa, nhà trường còn dành một khu trưng bày gồm 3 bản đồ: Bản đồ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam; Bản đồ quần đảo Hoàng Sa và Bản đồ quần đảo Trường Sa.