Tác giả Kiều Trường Lâm tiếp tục giới thiệu một công trình chữ viết khác mà anh cho rằng vô cùng độc đáo với tên gọi “Chữ viết bảo mật thời 4.0”. Công trình này này được anh “thai nghén” hàng chục năm ròng với biết bao khó khăn thử thách.
Chữ bảo mật giống chữ Hàn
Từ cuối tháng 3/2020, Kiều Trường Lâm ra mắt công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0” kết hợp từ “Chữ Việt Nhanh” và “Ký Hiệu Dấu” do mình cùng tác giả Trần Tư Bình nhận được giấy chứng nhận, bản quyền số 1850/2020/QTG từ Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch.
Theo tác giả “Chữ Việt Nam song song 4.0” thì công trình chữ viết này chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh, trong đó dùng 18 chữ cái La-tinh để thay thế các dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ.
Trong khi chữ cách tân mới mà dư luận cho là khó hiểu, rắc rối với nhiều tranh cãi chưa đến hồi kết thì công trình sáng tạo mới được Kiều Trường Lâm ra mắt với những khẳng định chắc chắn về tính ứng dụng trong thực tiễn.
Theo anh Lâm, việc sáng tạo một dạng chữ viết mới có tính mới mẻ đã được anh ấp ủ từ lâu. Tuy nhiên phải đến học kỳ I tháng 10/2001 tại Trường THPT Lê Hồng Phong (Tây Hòa - Phú Yên) khi bắt đầu nghiên cứu ngôn ngữ chữ Hàn thì anh thấy cấu trúc chữ Hàn rất hay và đẹp.
“Mình bắt đầu nảy sinh ý tưởng sáng tạo cho Tiếng Việt một chữ viết mới mà không trùng ký với bất cứ chữ viết nào trên thế giới. Tức là một chữ viết mới hoàn toàn do chính mình tự vẽ và thiết kế ra. Tuy nhiên, việc sáng tạo rất khó khăn vì không còn nét nào để nào để vẽ được nữa nên mình đã áp dụng khoảng 10% các ký tự của chữ Hàn để đưa vào chữ viết mới của mình thì công trình chữ viết mới mới có thể hoàn hảo được”, anh Lâm cho biết.
Tác giả “Chữ bảo mật thời 4.0” cũng cho biết để công trình này hoàn thành, anh đã liên tục sáng tạo mất 10 năm từ tháng 10/2001 đến tháng 11/2011. “Khó khăn lớn nhất là việc tìm ra công thức chữ viết làm sao chữ có thể nằm được trong 1 ô vuông. Việc sáng tạo một ký tự mới hoàn toàn dành cho Tiếng Việt là cực kỳ khó khăn vì Tiếng Việt có hàng nghìn âm vần. Chính vì thế thiết kế một chữ viết mới phải bảo đảm được “não có thể nhận biết được mặt chữ”. Khi mình tiếp cận được bộ môn hình học không gian vào năm lớp 11 thì việc sáng tạo chữ viết này trở nên thuận lợi hơn”, tác giả Kiều Trường Lâm tiết lộ.
“Chữ bảo mật thời 4.0” xem qua rất giống chữ Hàn Quốc. Lý do tác giả đưa ra là vì chữ viết thiết kế mới có vài chữ anh không thể tìm ra được, nên mượn và ứng dụng một vài chữ Hàn thích hợp đưa vào chữ viết mới của mình. “Ban đầu nhìn qua sẽ cảm nhận gần giống chữ Hàn. Chữ viết mới sẽ không khó học vì cấu trúc cấu tạo cũng khá đơn giản”, anh Lâm giải thích.
Ứng dụng trong kinh doanh
Tính ứng dụng chữ bảo mật vào thực tế, đặc biệt cho nghề nghiệp nào là câu hỏi được đặt ra. Tác giả “Chữ bảo mật thời 4.0” cho rằng: Tôi tham khảo chuyên gia thiết kế thì tính ứng dụng chỉ có thể sử dụng trang trí, bảo mật thông tin và phông nền máy tính vì chữ viết có kết cấu đẹp. Cấu trúc đơn giản của chữ viết nên học sinh cũng sẽ dễ tiếp nhận.
Tác giả Kiều Trường Lâm khẳng định, đây là chữ thiết kế mới gần như hoàn toàn, tuy có chút gần giống chữ Hàn. Tác giả có tham khảo một vài bên thiết kế và được đánh giá chữ thiết kế mới độc đáo, có sáng tạo đặc thù khác biệt hoàn toàn với các chữ viết trên thế giới. Đơn cử như chữ Hàn Quốc là sáng tạo của người Hàn, chữ Nhật Bản là sáng tạo của người Nhật đều có những đặc thù của nó, thì bây giờ “Chữ bảo mật thời 4.0” cũng có đặc thù của nó vì là sáng tạo của người Việt Nam. Họ nhận xét sẽ ứng dụng như bảo mật, trang trí và thiết kế, có thể thiết kế làm phông nền trên máy tính rất đẹp.
Tác giả Kiều Trường Lâm cho rằng, nhược điểm lớn nhất của “Chữ bảo mật thời 4.0” là chữ viết chưa được thiết kế lên máy tính. Vì đây là chữ viết mới hoàn toàn nếu có ứng dụng thì người học phải học chữ mới từ ban đầu. Hiện anh Lâm đang xin bản quyền và dự định sau 3 tháng nữa sẽ có kết quả
“Chữ Việt Nam song song 4.0” sau khi công bố, mình đã nhận được rất nhiều phản ứng của độc giả đa phần là phản đối gay gắt. Đôi lúc mình cũng buồn vì sản phẩm bị dư luận phản đối nhưng mình thấy một điều độc giả rất quan tâm nên dù ủng hộ hay phản đối mình cũng đều trân trọng”, tác giả Kiều Trường Lâm chia sẻ.
“Tôi nghĩ sản phẩm sáng tạo dù có được chấp nhận hay không thì đó là điều bình thường. Dù số phận chữ của tôi có như thế nào thì thời gian sẽ trả lời, có thể là trong tương lai. Đây là chữ viết tôi đã sử dụng viết để bảo mật cho các công trình khoa học của mình từ năm 2015 – 2018. Công trình chữ bảo mật rất hiệu quả vì ở đâu cũng có thể viết được và cá nhân tôi đã sử dụng bảo mật cho các công việc kinh doanh. Đã đến lúc tôi cũng phải công bố để khỏi lãng phí thời gian của tuổi trẻ”. - Kiều Trường Lâm, tác giả “Chữ Việt Nam song song 4.0” và “Chữ bảo mật thời 4.0”.