Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang về Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang: Xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới là việc lớn, chủ trương hướng đến xây dựng một chương trình để sử dụng lâu dài. Chương trình mới có quy mô rất lớn, phạm vi áp dụng trên toàn quốc và có ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Với nguồn lực của chúng ta hiện nay, không thể muốn là có ngay Chương trình giáo dục phổ thông mới trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên chúng ta không thể cầu toàn, chờ đợi mãi mà chương trình triển khai chậm trễ.
Sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên đầy đủ những nghiên cứu và góp ý từ xã hội, Bộ GD&ĐT và toàn ngành giáo dục từ Trung ương đến địa phương phải theo đuổi để làm tới cùng, phải vận động, tuyên truyền để mọi người hiểu và cùng đồng hành.
Chương trình phổ thông mới đã được chuẩn bị từ năm 2013, được chuẩn bị kỹ, lấy ý kiến, chỉnh sửa… Đến nay chương trình được xem là có bước chuẩn bị quan trọng. Việc quan trọng nhất cần làm hiện nay là xác định phần việc nào làm trước, phần việc nào làm sau, nơi nào làm trước, nơi nào làm sau và chọn thí điểm như thế nào? Nguồn lực của chúng ta hiện nay không thể “hô lên một tiếng” là có thể thay đổi ngay chương trình giáo dục phổ thông.
Việc giãn tiến độ 1 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới không phải là quan trọng nhất. Mà quan trọng là khi Bộ GD&ĐT đã đưa ra thành nhiệm vụ, mục tiêu rồi thì ở địa phương dù khó khăn mấy cũng vẫn làm, trên tinh thần sáng tạo, linh động và phù hợp với điều kiện đặc thù.
Thực tế cho thấy, hiện nay cách dạy, cách học, đặc biệt là việc thi cử ở bậc học phổ thông đã có bước chuyển mạnh để theo hướng chương trình giáo dục phổ thông mới. Song song đó là việc đánh giá học sinh, bồi dưỡng giáo viên cũng theo hướng chương trình mới. Từ các điều kiện chuẩn bị này, trên tinh thần chỉ đạo kiên quyết từ Bộ GD&ĐT, cộng với tinh thần đổi mới từ cơ sở sẽ là tiền đề quan trọng để triển khai nhanh, thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ở Chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT đưa ra phần “khung”, còn lại việc triển khai ở mỗi địa phương về quy mô, chất lượng trên cơ sở linh động, tùy vào điều kiện, tránh việc áp dụng cứng nhắt. Ví dụ như tỉnh Kiên Giang có vùng đô thị, có vùng nông thôn, có đảo, có biển thì tùy vào điều kiện của mỗi nơi, trên cơ sở phần khung chương trình đó tỉnh sẽ áp dụng một cách thuận lợi, hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành khác trong việc tăng cường nguồn lực cho ngành giáo dục để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT…