Mục đích của Liên hoan hát then - đàn tính là hướng tới tôn vinh, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc gắn với đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc Tày, Nùng đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa, quảng bá giá trị văn hóa dân tộc với bạn bè trong và ngoài nước…
Then, tính có tự bao giờ?
Câu trả lời này hoàn toàn không dễ ngay cả với các nghệ nhân am hiểu loại hình nghệ thuật Then ở đất Cao Bằng. Có những ý kiến cho rằng ở Cao Bằng, Then tính có 2 dòng: Then tính miền Tây và miền Đông gắn với câu chuyện về hai ông tổ Then tính Bế Văn Phụng và Nông Quỳnh Văn.
Ông Phụng người làng Bản Vạn, xã Nhượng Bạn, châu Thạch Lâm (nay là xã Bế Triều, huyện Hòa An) và ông Văn ở xã Nga Ổ (nay thuộc xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh), là những người đã sáng tạo ra thể loại này dưới triều nhà Mạc. Then, giàng là hai phường hội hát vui phục vụ cung đình, giải sầu cho vua Mạc Kính Cung, sau này trở thành tục cúng lễ.
Trong một số tài liệu về hát Then ở Cao Bằng có ghi rằng, ông Nông Quỳnh Văn kết bạn và giao ước với Bế Văn Phụng mỗi người lập một phường hát. Ông Phùng lập ra phường Then nữ, còn ông Quỳnh Văn lập ra phường Giàng nam hát rồi tuyển nam thanh nữ tú tập luyện…
Khi lời ca, điệu hát, ngón đàn đã trở nên điêu luyện thì được vua Mạc Kính Cung mời vào chầu múa, hát cho vua xem… Vua khen ngợi, ban thưởng cho nhóm hát và từ đó then, tính lan truyền nhanh chóng, rộng rãi trong suốt cả một miền biên viễn rộng lớn cho đến tận bây giờ…
Then miền Tây có 5 làn điệu, gồm: Tàng bốc - Pây cảnh hoặc Pây tàng, Tàng bốc - Rọng khoăn, Tặng tính, Khảm hải, Đông mèng - Đông ngoảng.
Then miền Đông có 7 làn điệu: Tàng bốc - tàng cảnh, Tàng bốc - Pây mạ, Tàng nặm - Khảm hải (hoặc Pây ẻn, Hỉn ẻn), Thỏng hương, Giáp ba, Hả liệu, Khảm khắc. Tổng cộng có 12 làn điệu then trên đất Cao Bằng.
Thông thường các làn điệu then đều có lời hát dạng thất ngôn tứ tuyệt hay thất ngôn trường thiên, tuy nhiên cũng có thể gặp những bài hoặc làn điệu theo thể ngũ ngôn… Ngoài Cao Bằng cũng còn một số tỉnh có hát then, tuy nhiên chẳng nơi nào sở hữu cả hai báu vật - hai dòng then như ở nơi đây.
Nếu như, then tính miền Tây (Hoà An, Hà Quảng, Thông Nông, Nguyên Bình, Thạch An) dịu ngọt, mềm mại, dung dị thì Then tính miền Đông (Trùng Khánh, Quảng Uyên, Phục Hoà, Hạ Lang, Trà Lĩnh) lại mạnh mẽ, miên man, giai điệu rộn ràng, phóng khoáng…
Nỗ lực bảo tồn then, tính…
Then tính Cao Bằng cũng đã trải qua nhiều thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử. Thậm chí, có một thời kỳ, then tính bị xem như một thứ văn hóa mê tín dị đoan, độc hại.
Then tưởng chừng như không có đất để tồn tại, những người yêu then chỉ biết thi thoảng cất tiếng hát trong gia đình mình để vơi đi nỗi nhớ… Thật may mắn, sau đó, then đã được nhìn nhận, đánh giá lại.
Tuy nhiên, nó lại rơi vào một giai đoạn khủng hoảng khác, đó là cũng giống như các môn nghệ thuật truyền thống khác, then tính bị xem nhẹ, nhường chỗ cho những dòng âm nhạc hiện đại khác…
Các nghệ nhân hát then ở Trùng Khánh nói với chúng tôi rằng, có lẽ cái mốc để then tính hồi sinh chính là vào năm 2005, khi Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) tổ chức Liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ nhất.
Liên hoan đó như một luồng sinh khí mới, khiến bà con Tày, Nùng (Cao Bằng) nói riêng và những người còn yêu thích nghệ thuật then khắp miền Đông Bắc rất mừng vui.
Sau liên hoan, đã có khoảng 200 diễn viên chuyên và không chuyên được công nhận là nghệ nhân hát then. Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là trong số này, các nghệ nhân ở các bản các làng được công nhận nghệ nhân rất ít, chủ yếu là thuộc các đoàn nghệ thuật… Then mai một thấy rõ, mai một rất nhanh.
Nghệ nhân hát then luôn là “báu vật” bởi nếu nhìn từ góc độ nghệ thuật thì người thực hành hát then trong dân gian xứng đáng là một nghệ sĩ đa năng tài năng.
Các nghệ sĩ hát then chuyên nghiệp đa số chỉ biết hát, trình diễn trên sân khấu, còn nghệ nhân dân gian (gọi là bà then hoặc ông then) phải thành thục tất cả các khâu như đàn, hát, gõ nhịp, múa và phải thành thạo cả nội dung các bài cúng… Không thể nói khác được, nghệ nhân dân gian chính là cái gốc của then tính.
Trò chuyện với chúng tôi giữa đất Cô Sầu – thủ phủ của then, tính miền Đông, các nghệ nhân đều tỏ ra lo lắng trước việc hát then đang đứng trước nguy cơ mai một trong một thời kỳ mà xã hội đầy ắp thông tin, mạng xã hội và công nghệ số bùng nổ và đã tràn về tới tận các làng bản xa xôi…
Một điều đáng mừng là mấy năm gần đây, hát then dường như đã được hồi sinh mạnh mẽ trên đất Cao Bằng. Nhiều câu lạc bộ hát then được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Các nghệ nhân lại hăng say truyền dạy cho lớp trẻ yêu Then.
Một số nghệ nhân lại bắt tay tạo tác cây đàn tính với số lượng lớn để phục vụ cho những người học hát then, chơi đàn tính như nghệ nhân Hoàng Văn Lưu ở Nam Tuấn, Hòa An. Phòng Văn hóa một số huyện như Hòa An, Trùng Khánh…đã mở lớp dạy hát then đàn tính thu hút khá nhiều học viên tham gia.
Giờ đây, mỗi lần “đi trẩy nước non Cao Bằng” chúng ta lại được sống trong một không gian ăm ắp những làn then, điệu tính đặc sắc.
Then tính là “đặc sản” của văn hóa dân gian luôn được nhân dân các dân tộc Cao Bằng quý trọng, gìn giữ nâng niu, coi đó là nhu cầu tinh thần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng.
Then tính là hồn cốt, luôn là hốt cốt, mãi là hồn cốt trong đời sống âm nhạc dân gian của bà con Tày, Nùng nơi vùng cao biên viễn non nước Cao Bằng… Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, thật đáng tự hào, đáng mừng là cho đến hôm nay, then tính (Cao Bằng) vẫn hiển hiện trong đời sống, chứng tỏ nó có một sức sống trường tồn, lan tỏa trong đời sống tinh thần các dân tộc Tày, Nùng nơi đây.