Việc chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động chỉ là một phần trong chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục - đào tạo. Điều cốt yếu là tìm được mô hình giáo dục phù hợp nhất trong thời gian tới đối với Việt Nam ở tất cả các cấp học. Cần dựa vào trình độ dân trí, ý thức tự chịu trách nhiệm và năng lực tự chịu trách nhiệm của người học để triển khai các phương thức đào tạo cũng như các chính sách sử dụng đội ngũ.
Nhấn mạnh việc cần thiết khi chuẩn bị về tư tưởng cho giáo viên, làm cho họ hiểu sự cần thiết của việc chuyển sang hợp đồng lao động, TS Trịnh Thị Xim đồng thời nhấn mạnh việc cần tạo ra mô hình thí điểm thực hiện chính sách này, dần đến lúc nhà trường và mỗi giáo viên sẽ tự nhận ra tính hiệu quả của việc chuyển đổi. Cốt lõi làm sao để đời sống và công việc của giáo viên phải được đảm bảo tốt hơn. Mỗi giáo viên sẽ phải tự sống bằng chính năng lực và khả năng của mình trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Cho rằng, lo lắng Hiệu trưởng lạm quyền là có cơ sở, theo TS Trịnh Thị Xim, các hoạt động trong nhà trường cần có sự giám sát của Hội đồng trường và sự thúc đẩy quyết liệt trong việc phác thảo chiến lược hành động của mỗi trường. Vì vậy, tham gia vào Hội đồng trường cần có đầy đủ các thành phần, trong đó có cả phụ huynh... Hội đồng trường cũng sẽ do cơ quan quản lí cấp trên giám sát. Để Hội đồng trường hoạt động có hiệu quả, rất cần đến các chính sách cụ thể, thống nhất cao của các cơ quan lãnh đạo.
Cũng theo TS Trịnh Thị Xim, khi thực hiện chuyển đổi viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động, việc đánh giá giáo viên cũng là nội dung rất quan trọng cần chú ý tới. Đánh giá giáo viên nên thực hiện một cách công tâm, công bằng ở mọi lĩnh vực và không có cách nào tốt hơn là xây dựng công cụ đánh giá là các tiêu chuẩn, tiêu chí thông qua việc lượng hóa khối lượng công việc, hiệu quả công việc và mức độ ảnh hưởng chuyên môn của giáo viên. Đây là nguyên tắc và sẽ tránh được những điều phiền phức khác.
Xây dựng đội ngũ tham gia công tác đánh giá này cũng cần phải đầu tư ở nhiều khía cạnh. Các tiêu chí đánh giá cần tiến hành theo lộ trình và nên chọn mô hình thí điểm; triển khai tổng kết, rút kinh nghiệm sau thí điểm về công tác đánh giá này và nhân rộng trong các nhà trường.
"Tuy nhiên, mọi sự thay đổi cần phải lắng nghe y kiến từ nhiều phía. Giáo dục là sự nghiêp chung của tất cả mỗi người dân... Việc đổi mới giáo dục phải được sự hỗ trợ rất nhiều từ các lĩnh vực, đặc biệt là sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, để mỗi cán bộ giáo viên yên tâm với công việc của mình; từ đó phát huy hết nội lực để đóng góp vì sự phát triển chung của đất nước" - TS Trịnh Thị Xim nêu quan điểm.