Học toán dễ dàng hơn
Để có thể học bộ môn Toán, trước đây HS và thầy cô Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) phải tự chế những thước kẻ đục lỗ. Tuy nhiên khi vẽ, HS vẫn không căn chuẩn được nên phải nhờ các bạn HS mắt sáng đo khoảng cách gấp giấy lại và dùng con lăn của mình để vẽ lên khi học bài về đường thẳng song song.
Còn vài năm gần đây, HS đã có bộ dụng cụ chuyên biệt bằng nhôm đặc, giúp các em chủ động hơn trong việc học, thao tác dễ dàng. Đây là công trình của anh Nguyễn Sỹ Nam – kĩ sư trẻ của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Công trình này đã nhận được giải thưởng Tri thức trẻ vì sự nghiệp giáo dục năm 2019.
Nói về sản phẩm thước kẻ đường thẳng song song dành cho HS khiếm thị, anh Nguyễn Sỹ Nam cho biết: Với những HS bình thường, muốn có một chiếc thước kẻ chỉ cần ra cửa hàng văn phòng phẩm là có ngay, nhưng một chiếc thước kẻ kết hợp vẽ đường thẳng song song cho HS khiếm thị lại khó khăn vô cùng.
Một sản phẩm khác cũng rất thiết thực đối với HS Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu là chiếc compa dành cho học trò đặc biệt này. Thầy Ngô Văn Hiếu – giáo viên Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: Với HS khiếm thị, cảm nhận của các em chính là các hình nổi lên, hoặc lõm xuống so với mặt phẳng chuẩn. Bởi vậy, thay vì tạo hình tròn bằng nét bút chì thì phải tạo hình tròn bằng các chấm nổi, đầu chì được thay bằng bánh xe răng cưa.
Nói về lý do chọn đề tài, anh Nam chia sẻ: Thiết bị dạy học cho cô và trò có vai trò quan trọng trong dạy học trẻ khuyết tật. Do đặc thù của mỗi dạng khuyết tật mắc phải, trẻ có những đặc điểm riêng trong quá trình nhận thức. Đối với trẻ khiếm thị, do hạn chế hoặc không nhìn thấy, các em cần có đồ dùng dạy học đặc thù để tri giác qua xúc giác.
Nỗ lực biến ý tưởng thành hiện thực
Ý tưởng về thiết kế quy trình công nghệ chế tạo thiết bị dạy học môn Toán dành cho HS khiếm thị đến với anh Nam từ chính công việc hàng ngày. “Việc học Toán đối với HS bình thường đã rất khó, đối với các em không may bị khiếm thị lại càng khó hơn. Không chỉ vậy, việc không thể nhìn thấy khiến các em luôn tự ti. Vì vậy, tôi nảy ra ý tưởng chế tạo thiết bị dạy và học môn Toán dành cho đối tượng đặc biệt này” – anh Nam chia sẻ.
Sau những giờ làm việc tại cơ quan, chàng kĩ sư trẻ lại tranh thủ nghiên cứu để biến ý tưởng thành hiện thực. Nếu như những nghiên cứu khác có nhiều người tham gia hỗ trợ lẫn nhau thì đề tài này một mình anh thực hiện. Vừa lo thiết kế, chế tạo kiêm luôn việc gặp gỡ chuyên gia và các thầy cô giáo để tìm ra phương án tối ưu. Vì thế, việc nghiên cứu, thiết kế tốn khá nhiều thời gian.
Sự ủng hộ của nhiều người cùng với việc từng học chuyên ngành Cơ khí – Công nghệ chế tạo máy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giúp anh Nam vững vàng hơn trong việc tạo ra sản phẩm. “Với trẻ khiếm thị, các em không nhìn thấy nhưng lại có thể nghe và cảm nhận rất tốt. Mình dựa vào những đặc điểm tâm lý này để có thể chế tạo thiết bị dạy và học phù hợp nhất” – kĩ sư Nam cho biết.
Hiện nay, kĩ sư trẻ Nguyễn Sỹ Nam đã thực hiện thành công các sản phẩm như: Compa, thước kẻ song song và dụng cụ giúp HS khiếm thị nhận biết các hình: Tam giác, tứ giác, chữ nhật. Với những sản phẩm này, các em khiếm thị có thể dễ dàng vẽ các hình trong môn Toán học.
Một trong những điểm nổi bật ở nghiên cứu của anh Nam là có thể sản xuất đại trà để phục vụ việc dạy và học của những người khiếm thị. Những sản phẩm đã sản xuất thành công được anh gửi đến thầy cô và HS Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu dùng thử. Phản hồi anh nhận lại là những lời khen vì tính thiết thực, dễ dàng, thuận tiện.
Thời gian tới, anh Nam mong muốn tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh đó, giá thành của sản phẩm hiện còn khá cao cũng khiến anh trăn trở. Vì thế, khi đến với cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục 2019”, anh mong muốn sẽ có các doanh nghiệp, nhà hảo tâm biết đến, đầu tư vào sản xuất đại trà để phục vụ HS và cộng đồng người khiếm thị.