Sáng chế hữu ích của thầy trò vùng cao

GD&TĐ - Trong những năm qua, thầy và trò các trường học trên địa bàn huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã tìm tòi, nghiên cứu, sáng chế ra các thiết bị hữu ích, mang tính thực tiễn cao.

Những sáng chế của học sinh miền núi huyện Minh Hóa đoạt giải cao tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật.
Những sáng chế của học sinh miền núi huyện Minh Hóa đoạt giải cao tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật.

Những sáng chế này cũng đoạt các giải cao tại cuộc thi khoa học kỹ thuật.

Ý tưởng sáng nảy sinh từ thực tiễn

Một trong những sáng chế hữu ích với người dân như “Sản phẩm sấy mật ong bằng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình” do học sinh Đinh Sơn Hà và Đinh Đức Anh, Trường THCS thị trấn Quy Đạt thực hiện và “Thiết bị lên men tỏi đen bằng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình” do học sinh Trương Tân Hóa và Đinh Chí Thanh, Trường THCS Tân Hóa thực hiện. Cả 2 dự án đoạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba cấp quốc gia.

Tương tự, dự án “Phương pháp mới trong chưng cất nhằm loại bỏ độc tố andehit và metanol ra khỏi rượu áp dụng cho hộ gia đình nấu rượu thủ công” của Trường THCS Tân Hóa do 2 học sinh Trương Quang Hiểu và Nguyễn Khắc Hiếu thực hiện cũng giành giải Nhất cấp tỉnh, giải Ba cấp quốc gia.

Và sáng chế “Thiết bị cảnh báo mực nước thông minh” của Trường THCS thị trấn Quy Đạt do 2 học sinh Nguyễn Khánh Trang và Đào Hoàng Quỳnh Như thực hiện giành giải Nhất cấp tỉnh, giải Triển vọng cấp quốc gia…

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, thầy Cao Hùng Thọ, người hướng dẫn học trò thực hiện dự án “Thiết bị lên men tỏi đen bằng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình”, cho biết: Thiết bị gồm một hình hộp chữ nhật có chiều dài khoảng 1m, cao 0,7m, rộng 0,5m, bên trên đậy một lớp kính trong suốt, bên dưới lớp kính là tấm tôn phẳng sơn màu đen.

Mặt phía trong được làm bằng xốp cách nhiệt, có thêm chậu nước ở dưới để tạo ẩm. Các bóng đèn treo trong hộp để tạo nhiệt độ khi tỏi lên men. Mặt trước thiết bị có gắn aptomat để đóng điện, một bộ điều khiển nhiệt độ và độ ẩm, một mô-đun cảm biến nhiệt độ 12V và bình ắc quy.

“Ban đầu xếp tỏi trắng vào hộp thật đều, không nén quá chặt, rồi đưa hộp ra ánh nắng để đến khi nhiệt độ trong hộp đạt 65 - 70 độ C - mức nhiệt độ cần thiết để tỏi lên men đều, hiệu quả nhất.

Nhiệt độ và độ ẩm này được duy trì thường xuyên trong khoảng 35 - 50 ngày, khi đó tỏi trắng sẽ biến thành tỏi đen. Sau khi chuyển qua màu đen, tỏi có vị chua ngọt, mùi thơm, giá trị về dinh dưỡng cũng như kinh tế của củ tỏi tăng gấp nhiều lần”, thầy Thọ cho biết thêm.

Sáng chế được đánh giá cao và có tính áp dụng thực tiễn.
Sáng chế được đánh giá cao và có tính áp dụng thực tiễn.

Chi phí rẻ

Nhiều năm qua, huyện Minh Hóa thường xuyên xảy ra mưa lũ lớn, trong đó có những vùng ngập sâu đến vài mét nước như “rốn lũ” Tân Hóa, Minh Hóa… gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ðặc biệt, do địa hình nhiều khe, suối chia cắt hình thành nhiều đoạn đường có các ngầm, tràn ngập nước sâu, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.

Từ thực tế đó, trò và thầy Trường THCS thị trấn Quy Đạt đã nghiên cứu, sáng chế “Thiết bị cảnh báo mực nước thông minh”. Thiết bị này sẽ cảnh báo cho người dân khi qua lại khe suối, ngầm tràn và những người sống xung quanh khu vực thường xuyên ngập lụt biết được mức độ nguy hiểm. Đồng thời, trợ giúp  các nhà chức năng có biện pháp kịp thời di dời dân đến nơi an toàn, giảm thiệt hại về người và tài sản; xây dựng biện pháp phòng, chống các đợt mưa lũ… Thiết bị trên có giá chưa đến 3 triệu đồng.

“Chúng em nghiên cứu đề tài rất kỹ, trong quá trình thực hiện đã xử lý những lỗi nhỏ nhất để cho ra một sản phẩm hoàn thiện. Mong muốn của chúng em là thiết bị này sẽ giúp ích, cảnh báo cho người dân thường xuyên qua lại khe suối, ngầm tràn… biết mức độ nguy hiểm để phòng, tránh”, em Nguyễn Khánh Trang chia sẻ.

Ông Đinh Tuấn Anh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa - cho biết: “Từ thực tiễn ở địa phương, học trò các trường học trên địa bàn đã tích cực nghiên cứu và sáng chế ra thiết bị hữu ích và có tính áp dụng thực tiễn cao. Đây là nỗ lực đáng khen của thầy và trò. Những thiết bị này vừa giúp ích cho người dân địa phương trong cuộc sống, vừa bảo vệ môi trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ