Sang Bát Tràng nghe làng kể chuyện

GD&TĐ - Tôi từng đã nhiều lần sang Bát Tràng. Đó đều là những lần kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” nghĩa là chỉ “lượn lờ” ngắm nhìn các sản phẩm gốm sứ do những nghệ nhân của làng Bát Tràng làm ra.

Đường vào làng Bát Tràng.
Đường vào làng Bát Tràng.

Thú thực có “xem gốm Bát Tràng” đến cả trăm lần vẫn thấy lần nào cũng như lần đầu đến vậy. Nhưng lần này tôi quyết định “bỏ xem gốm” để chuyển “nghe làng kể chuyện”.

Vừa ngồi vào bàn chưa kịp uống chén chè nóng do ông Nguyễn Văn Thùy, bảo vệ của Đình rót mời, thì ông Trần Đức Thuận, Trưởng ban Khánh tiết kiêm Trưởng ban Quản lý di tích làng Bát Tràng và ông Vũ Văn Đoàn, Phó ban Đại diện nhân dân làng Bát Tràng, kịp tới.

Dù biết có khách đang đợi nhưng cả ông Thuận và ông Đoàn đều xin phép được làm “thủ tục” trước đã. Thì ra “thủ tục” mà hai ông đã nói chính là việc thắp hương rồi đứng cung kính chắp tay khấn bái các bậc tiên tổ đã có công lập làng và gây nghiệp cho làng.

Rồi như “thủ tục” đã xong nhưng cả ông Thuận và ông Đoàn vẫn còn đứng bên ban thờ cùng hướng lên bức Hoành phi treo trên chính điện. Hai ông đã rất tự hào và thành kính cùng đọc dòng đại tự đầu tiên “Thiên địa hợp kỳ đức” rồi nhìn tôi giải thích “Dòng đại tự đó có nghĩa là: Trời đất cùng hợp thành một đức”.

Hai ông còn nói “Câu đối này có từ khi mới xây dựng Đình làng”. Hướng về bức Hoành phi thứ hai treo ở phía trước, hai ông cùng đọc “Hiếu nghĩa cấp công” rồi nói rõ “Câu này có nghĩa là “Có hiếu có nghĩa được ghi công” do vua Tự Đức ban cho dân làng”.

Tôi hỏi thêm “Các cụ ngày xưa hẳn có nhiều ẩn ý cứ theo tôi hiểu thì hai chữ “Kỳ Đức” có ý sâu xa là “Đức nghiệp” là “Trí Đức”? Đây phải chăng là Trời và Đất thuở xa xưa đã “trao” cho người dân mảnh đất hợp để dựng làng dựng nghiệp?”.

Trở lại dòng thời gian của ngàn năm trước (chính xác là 1.011 năm trước), khi đó Đức Thái Tổ nhà Lý là vua Lý Công Uẩn với “tầm nhìn ngàn năm” đã quyết định dời đô từ vùng sơn cước Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La.

Tham gia cuộc thiên đô mang nhiều yếu tố thời đại đó còn có 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là: Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm. Họ đã đem theo gia đình dời làng xuống thuyền theo vua về kinh đô mới tìm đất lập nghiệp.

Chuyện xưa kể rằng: Khi đoàn thuyền của những nghệ nhân làm gốm đi tới vị trí làng Bát Tràng hiện nay, thì thuyền chòng chành chao đảo. Lạ quá, đang là mùa xuân, nước sông Hồng chảy êm ả vậy mà sao tới đây lại có chuyện như vậy? Tuy băn khoăn nhưng cũng để mọi người được yên tâm nên đoàn thuyền nán neo vào bờ tả, chỗ ấy đất cao dễ che chắn gió, để trú tạm đợi yên sẽ đi tiếp.

Và mọi người lúc lên bờ nghe ngóng đã sững sờ khi phát hiện ra chỗ họ đang đứng là một vùng đất có rất nhiều gò đất cao (sau này nói lại là có tới 72 gò đất), điều lạ lùng và vô cùng quý giá là những gò đất cao đó lại là những gò đất trắng (đất cao lanh).

Dường như “trời đã mách bảo” cộng với “con mắt nghề nghiệp”, những người thợ gốm Hoa Lư đã tấu xin vua được lập làng ở chính nơi này. Làng gốm Bát Tràng đã ra đời từ đó.

Ban đầu là sản xuất gạch ngói cùng những đồ gia dụng, đồ thờ cúng chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng Kinh thành Thăng Long và nhu cầu sử dụng của Triều đình, sau dần dà khi sản phẩm làm ra đã dồi dào thì cung cấp (bán buôn) cho các nơi khác, kể cả cho tàu hàng nước ngoài cập bến ăn hàng.

Sang Bát Tràng nghe làng kể chuyện ảnh 1
Sông Hồng đoạn chảy trước cửa Đình Bát Tràng.
Sông Hồng đoạn chảy trước cửa Đình Bát Tràng.

Điều lạ lùng nữa là, sông Hồng đoạn chảy từ Kinh thành về tới điểm giáp ranh giữa xã Đông Dư và xã Bát Tràng hiện nay thì ngoặt vào bên tả tạo thành một “khúc cua” khá gấp.

Lạ lùng là sau khúc cua ấy, dòng sông Hồng lại chảy chếch sang bên hữu nên khu vực có những gò đất trắng nổi bật giữa vùng đất xung quanh toàn dất phù sa không bị dòng xoáy làm sạt lở.

Điều đó chứng tỏ nền đất nơi này khá bền vững, tốt cho việc không chỉ lập làng, mà còn đời này sang đời khác. Làng cổ Bát Tràng – làng ngàn năm tuổi – thành nơi an cư lạc nghiệp cho con cháu của năm dòng họ miền cố đô Hoa Lư ăn đời ở kiếp, làm ăn phát đạt.

Ông Trần Đức Thuận hào hứng cho biết: “Để tỏ lòng biết ơn trời đất nên ngay sau khi lập làng, Đình làng được người dân xây dựng. Trước là nơi thờ cúng đất trời và sau là nơi cho những người con “tha hương” tụ vầy hội họp”. Theo đó, Đình làng Bát Tràng được chọn dựng ở vị trí “thuận” nhất, nơi đó là một mỏm đất cao, bên mép nước sông Hồng.

Mỏm đất này trông sang một cụm gò đất cũng khá cao lại đối diện bên bờ hữu. Người xưa cho rằng, việc xây dựng Đình trông sang cụm gò đất được ví là “ngũ nhạc” bao gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ và lại như “ứng” với 5 dòng họ.

Đình làng Bát Tràng thuở ban đầu được xây dựng bằng “tranh, tre, nứa, lá” nghĩa là cũng giản dị như cuộc sống lúc ban đầu. Khi đời sống khấm khá lên, người dân làng Bát Tràng đã xây dựng lại Đình làng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và hiện là một ngôi đình làng thuộc hàng “di sản”.

Ngự trên mỏm đất cao lại hướng mặt ra sông Hồng, Đình làng Bát Tràng đã “vô tình” trở thành điểm nhấn, thành điểm nhìn cho các vùng lân cận, đặc biệt là cho tàu thuyền qua lại. Đâu như thời còn giao thương bằng thuyền với nước ngoài, chính bến nước Đình làng là một điểm neo đậu ăn hàng khá sầm uất.

Ông Vũ Văn Đoàn bổ sung thêm: “Tên gọi Bát Tràng có nghĩa là Cái Sân Lớn, là mảnh đất dành cho chuyên môn làm gốm như để phơi phóng sản phẩm khi còn mộc sau đó khô se se mới chuyển vào lò nung”.

Ông Thuận và ông Đoàn giới thiệu bức Hoành phi có dòng chữ: “Thiên địa hợp kỳ đức” treo ở chính điện Đình Bát Tràng.

Ông Thuận và ông Đoàn giới thiệu bức Hoành phi có dòng chữ: “Thiên địa hợp kỳ đức” treo ở chính điện Đình Bát Tràng.

Tựa như để tiếp nối mạch “tâm linh”, ông Thuận chỉ vào đôi câu đối treo đôi bên ban chính điện “Đôi câu đối này các cụ cho hay thì có từ hồi mới xây dựng Đình. Chắc cũng ngàn năm rồi, trải nhiều phen biến cải cũng như lụt lội nhưng được dân làng gìn giữ.

“Quý lắm đấy” rồi ông Thuận trầm ngâm đọc “Bồ di thủ nghệ khai đình vũ/ Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần”, có nghĩa là “Đem nghề nghiệp từ Bồ Bát ra dựng xây đình miếu/ Lòng thành kính tựa hương lan dâng tạ thánh thần”. Câu đối vừa nói được nguồn gốc làng nghề vừa bày tỏ lòng tri ân với đất trời tiên tổ”.

Theo Thần phả được lưu trong Đình thì Đình làng Bát Tràng được thờ sáu vị Thành hoàng làng gọi là “Lục vị nhà thánh”; chuyện này hơi khác bởi hầu khắp các đình làng thường chỉ thờ một vị Thành hoàng mà thôi. Giải thích về chuyện này, ông Thuận cho hay: “Làng Bát Tràng được lập nên là do Trời với Đất với Con người hòa hợp tạo dựng nên”.

Trong “Lục vị Thành hoàng” đó dĩ nhiên có vị là “Cụ Tổ nghề gốm”. Cụ Tổ nghề gốm là “Lưu Thiên Tử Đại Vương”, hồi còn ở quê cũ, ngài ngồi dấn bát ở ngoài sân thì được đám mây hình con rồng sà xuống đón về trời.

Tương truyền cũng chính vị này đã cùng với Đức Thánh Bà được dân gian coi là hai vị tổ của họ Nguyễn Ninh Tràng miệt Hoa Lư. Đặt Lưu Thiên Tử Đại Vương là một trong sáu vị Thành hoàng làng Bát Tràng đã cho thấy người dân nơi đây đã “nối dài nghiệp tổ” từ quê cũ sang quê mới Bát Tràng.

Thú vị là vị Thành hoàng thứ hai cũng chính là Đức Thánh Bà, dân làng gọi là Lã Đệ Tam Đại Vương, cách gọi này lại cho thấy đây là “Hiện tượng một sự kiện lịch sử - văn hóa Việt” được “khoác áo” Trung Hoa, điều mà thời phong kiến trước đây thường làm.

Vị Thành hoàng thứ ba là Bạch Mã Đại Vương, đại diện cho “cứu nguy cứu khổ” che chở dân làng, cũng là cách người Bát Tràng cầu mong được yên ổn. Vị Thành hoàng thứ tư là Phan Đại Tướng Đại Vương, đây là vị nhân thần từng học hành đỗ đạt và làm quan trong triều được vua Lê trung hưng phong làm Phúc thần.

Vị Thành hoàng thứ năm là Hộ Quốc Đại Vương đã có công phù hộ dân làng, vị này vốn là một tướng quân chẳng may tử nạn xác trôi dạt vào bên sông Bát Tràng, dân làng vớt lên lập miếu thờ và tôn làm Thành hoàng.

Và vị Thành hoàng thứ sáu là Cai Minh Tự Đại Vương vốn học hành đỗ đạt, làm quan nhưng vì trung quân với nhà Mạc mà đã gieo mình xuống sông Hồng đoạn chảy qua làng để tự vẫn.

Nghe ông Thuận với ông Đoàn kể về “Lục vị Thành hoàng” xong tôi vội thốt lên “Người Bát Tràng đúng là rất coi trọng đạo: Hiếu – Nhân – Nghĩa – Khí”. Điều căn cốt đó đã đem lại sự trường tồn và phát triển cho một làng nghề. Đó là cái “Văn” trong “Nghiệp”, là cái “Văn” trong “Trí”.

Thật đúng với đôi câu đối được treo hai bên ban thờ các dòng họ đã đến đây lập làng “Bạch bát trân truyền nê tác bảo/ Hồng lô đào chú thổ thành kim” và cứ chiểu theo đó thì người dân Bát Tràng luôn coi nghề gốm có từ hồi ở quê cũ như một thứ gia bảo và những người Bát Tràng của năm dòng họ đã biết cách biến đất thành vàng, thành tiền.

Cũng đã sắp tới giờ trưa, tôi xin phép các ông Thuận, Đoàn và Thùy để ra bờ sông Hồng chụp ảnh dòng sông. Ông Thùy cười: “Ông cứ ngồi trong Đình mà ngắm sông Hồng, việc gì phải đi đâu xa”.

Tôi quay người trông qua cửa Đình, ngoài kia sông Hồng đang chảy trôi, gió từ mặt sông thổi vào rười rượi. Sông Hồng đang vọng lên câu hát: “Ngược sóng Hồng hà/Dựng phường Bạch Thổ/Mở mang gạch ngói nghề xưa/Theo đuổi bút nghiên nếp cũ/Ơn Thành hoàng sáu vị chở che/Đời dân chúng một vùng trù phú”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.