Sự cố bất ngờ trong hôn lễ, cả hôn trường xôn xao
Hơn nửa thế kỷ bên nhau, tình cảm của ông Lê Hồng Đức (SN 1940) và bà Nguyễn Thị Lâm (SN 1946) ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Nói về chuyện tình của mình, ông Đức ngượng ngùng, ‘vợ là tình đầu cũng là tình cuối của tôi’.
Giọng bồi hồi, người đàn ông này kể, ông sinh ra ở làng nghề gốm Bát Tràng. Gia đình thuộc diện giàu có nức tiếng ở địa phương những năm đầu thế kỷ 20.
|
Vợ chồng ông Đức, bà Lâm |
Trưởng thành, ông Đức đi học và gắn bó với nghề giáo viên dạy thể dục cấp 1, cấp 2. Ông khá thân thiết với một nam đồng nghiệp. Nhà người này ở phố cổ Hà Nội. Đây cũng chính là mối nhân duyên đưa ông đến với vợ sau này.
Bố người đồng nghiệp là chủ của gara ô tô Mỹ Hào, sở hữu 14 chiếc ô tô và 5 căn nhà mặt phố.
Ông bà chủ gara ô tô sinh được 9 người con, 7 con gái và 2 con trai. Trong số các em của bạn, ông Đức đặc biệt chú ý đến cô em gái tên Lâm.
Cử chỉ đoan trang, khuôn mặt xinh đẹp của thiếu nữ Hà thành khiến ông mê đắm ngay từ giây phút đầu tiên gặp gỡ.
‘Tôi nhủ thầm trong lòng, phải quyết tâm lấy Lâm làm vợ’, ông Đức nói. Sau lần đó, ông thường lấy cớ đến nhà bạn chơi, thực chất là bí mật ngắm nhìn người trong mộng.
Bà Lâm tiếp lời chồng: ‘Bố mẹ tôi rất nghiêm khắc, 7 cô con gái, cô nào cũng được giáo dục khuôn phép, lễ nghi. Ngoài giờ đi học, đi làm thì phải ở nhà. Khách đến chơi, ra chào hỏi rồi lui xuống nhà sau.
Suốt một thời gian dài, tôi không hay biết ông ấy tìm hiểu mình. Tôi nghĩ rằng ông ấy đến chơi với anh trai’.
Cho đến một ngày, bà Lâm nhận được thư tay của ông Đức. Những lời nói giản đơn nhưng chứa chan tình cảm khiến trái tim bà bắt đầu thổn thức.
Người đưa thư là hàng xóm sát vách nhà bà Lâm. Cứ thế, hai trái tim, gần nhau trong gang tấc nhưng cách xa khoảng trời. Bao tâm tình họ đành gửi gắm qua từng dòng chữ.
‘Yêu nhau ba năm, chúng tôi gặp mặt trực tiếp chỉ vài lần. Qua nhiều lần thử thách, tôi nhìn thấy ở ông ấy sự đứng đắn, đạo đức", bà Lâm bộc bạch.
Thời điểm năm 1966, ông Đức dạy học bên Đông Anh, gia đình bà Lâm chuyển từ phố cổ (phố Hàng Than) về Gia Lâm sống. Bà Lâm lúc đó đang làm công nhân ở Xí nghiệp ô tô số 6 Lò Đúc.
Giặc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, xí nghiệp bà Lâm sơ tán về Hòa Bình. Mỗi lần về thăm nhà, lúc quay lại nơi sơ tán, bố bà Lâm phải chở con gái sang Lò Đúc. Ở đó có xe ô tô của xí nghiệp đưa lên Hòa Bình.
"Một hôm tôi về chơi, ông Đức vừa hay từ Đông Anh đến thăm bố mẹ tôi, ăn cơm, nghỉ lại nhà. Tối đó, ông Đức nhờ người nhắn sẽ đưa tôi sang xí nghiệp. Sáng hôm sau, trời còn tờ mờ sáng, tôi bật dậy vì tưởng đã 4 giờ. Tôi quáng quàng chuẩn bị, khẽ ra hiệu cho ông Đức đang ngủ ở buồng phía trong với anh.
Ra đến đường, trời tối om, hỏi thăm người đi chợ sớm, cả hai mới biết lúc đó là 2 giờ sáng. Đến cầu Chương Dương, xe hỏng, cả hai xuống dắt xe qua cầu.
Ông ấy đi phía trước, tôi lẽo đẽo theo sau, cách nhau một chiếc xe đạp. Ngay cả những lúc có cơ hội như vậy, ông Đức chưa một lần dám cầm tay hay hôn bạn gái. Qua lần đó, tôi càng tin tưởng con người ông Đức hơn’, bà Lâm cười nói.
Tuy vậy, bà Lâm thừa nhận, điều quyết định để bà gửi gắm cuộc đời cho ông Đức là lần bà bị cảm, ông không quản đường xá xa xôi, đạp xe vượt mấy chục cây số từ Hà Nội lên Hòa Bình mang cho bà chục trứng gà tẩm bổ rồi tất tả quay về.
Bà tâm sự, trước khi lấy vợ, ông Đức thuộc diện đẹp trai, cao ráo, được nhiều người để ý nhưng ông tuyệt nhiên không quan tâm, chỉ một lòng hướng về bà.
Năm 1967, đám cưới của cặp đôi diễn ra trong bối cảnh giặc Mỹ leo thang, bắn phá dữ dội miền Bắc. ‘Giống các cặp đôi đương thời, vợ chồng tôi chọn đúng ngày lễ Giáng sinh tổ chức. Vì ngày này người Mỹ ngừng bắn.
Đám cưới vợ chồng tôi không có một bông hoa, không ca hát, không cỗ mặn. Hội trường đám cưới mượn của xí nghiệp vợ đang công tác. Cả đám cưới chỉ có 1kg bánh gia công, 1kg kẹo trứng chim, 5 bao thuốc lá.
Vợ chồng ông Đức sinh sống trong căn biệt thự Pháp ở làng Bát Tràng. |
Hôn lễ đang diễn ra thì gặp sự cố, cả khu vực mất điện, chìm trong bóng tối. Ai nấy đều bất ngờ. Không còn cách nào khác, mọi người hò nhau lấy lốp ô tô cũ hỏng, cắt ra từng mảnh nhỏ rồi đốt. Lốp cháy khét lẹt, khói bốc mù mịt nhưng cuối cùng cũng xong đám cưới’, ông Đức tủm tỉm cười chia sẻ.
Sau đám cưới, cặp vợ chồng trẻ không có đêm tân hôn, ai về cơ quan người đó. Khu vực nhà ông Đức ở Bát Tràng lúc này đang được phong tỏa vì giặc Mỹ ném bom. Nhà bà Lâm lại chật chội. Một tuần lễ sau, hai vợ chồng mới được hưởng trọn vẹn đêm tân hôn.
Nửa thế kỷ làm bạn đời, tôi biết mình đã không chọn nhầm chồng…
Rời bỏ cuộc sống của cô gái thị thành, bà Lâm về làm dâu gia đình mang đậm dấu ấn phong kiến. Ông Đức vẫn dạy học ở Đông Anh, bà thuê phòng trên phố, cần mẫn với công việc ở xí nghiệp. Cả tuần hai vợ chồng chỉ kịp đoàn tụ vào Chủ nhật.
Vợ chồng ông Đức sum vầy cùng con cháu ở tuổi xế chiều. |
‘Năm 1968, tôi sinh con đầu lòng, năm 1970 sinh con thứ hai, vợ chồng tôi quay về biệt thự ở Bát Tràng sống. Năm đó nước lụt dâng cao hết tầng một của căn nhà. Ông xã đón tôi từ viện về, phải chèo xuồng vào. Hàng ngày ông ấy bơi ra chợ, mua đồ ăn về nấu nướng cho vợ ở cữ’, bà Lâm nhớ lại.
Lần lượt ba người con ra đời như nhân lên niềm hạnh phúc cho cuộc sống lứa đôi của hai vợ chồng. Sau này, cả ba người con của ông bà đều tốt nghiệp đại học nhưng quyết định quay về quê lập nghiệp, phát triển nghề gốm gia truyền.
‘Ông nhà tôi không lãng mạn, ít khi nói lời ngọt ngào. Điều duy nhất níu giữ trái tim tôi suốt mấy chục năm trời chính là sự đứng đắn, chân thật của ông ấy. Mỗi lần đi xa bao giờ ông cũng nhớ mua cho vợ tấm vải may áo, hoặc đôi dép.
Hơn nửa thế kỷ trải qua bao sóng gió, tôi biết mình không chọn nhầm chồng. Ông nhà tôi chưa từng ngả nghiêng, làm gì có lỗi với vợ. Mỗi người sẽ có một chuẩn mực bạn đời nhất định.
Với tôi người chồng tốt là người không hút thuốc, không uống rượu. Nhà cửa có gì hỏng hóc đều xắn tay vào làm, hết mực thương yêu, chiều chuộng vợ con. Tất cả những ưu điểm đó ông Đức đều có’, bà Lâm hạnh phúc bày tỏ.