Săn tìm đông trùng hạ thảo trên cao nguyên Tây Tạng

Trên những đỉnh núi thuộc cao nguyên Tây Tạng, người dân du mục bò giữa bãi cỏ để tìm kiếm đông trùng hạ thảo, một loại đông dược quý hiếm hình thành từ nấm ký sinh.

 Săn tìm đông trùng hạ thảo trên cao nguyên Tây Tạng

Theo International Business Times, loài nấm Ophiocordyceps sinensis nảy mầm trên ấu trùng sâu bướm còn sống, sau đó giết chết và biến chúng thành xác ướp, cuối cùng mọc ra một cuống thân dài từ đầu cái xác. 

Đông trùng hạ thảo là một vị thuốc quý trong y học Trung Quốc. Loại nấm này có thể dùng để điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm hen suyễn, ung thư và liệt dương. Nhiều người quan niệm đông trùng hạ thảo có sự cân bằng âm dương do nó vừa là động vật vừa là thực vật.

Phóng viên ảnh người Canada Kevin Frayer dành thời gian đi tới cao nguyên Tây Tạng để ghi lại hình ảnh những người dân du mục tìm kiếm đông trùng hạ thảo.

"Dù thường đi du lịch tới cao nguyên Tây Tạng, đây là lần đầu tiên tôi có thể quan sát mùa thu hoạch đông trùng hạ thảo. Mùa thu hoạch này rất ngắn nhưng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế địa phương của người dân Tây Tạng. Đây không phải là cách kiếm sống truyền thống của họ và mới chỉ nổi lên gần đây do nhu cầu tăng vọt ở Trung Quốc. Dù giá đông trùng hạ thảo đang giảm nhẹ, cư dân địa phương vẫn kiếm đủ thu nhập cho cả năm", Frayer cho biết.

Theo Freyer, hoạt động thu hoạch chủ yếu diễn ra ở độ cao trên 4.500 m. Những gốc đông trùng hạ thảo giá trị nhất thường nằm ở những nơi cheo leo nhất và không dễ tìm ra. Các nhà hoạt động vì môi trường cảnh báo khai thác đông trùng hạ thảo quá mức có thể dẫn đến xói mòn đất đồng cỏ ở sườn núi, ảnh hưởng tới chăn nuôi.

Những gốc đông trùng hạ thảo lớn với chất lượng cao có thể bán với giá khoảng 10 USD/gốc, hay 112.000 USD/kg. Người dân Tây Tạng dựa chủ yếu vào nghề nông và chăn nuôi gia súc đang chuyển sang thu hoạch đông trùng hạ thảo trong nhiều tuần để kiếm sống cho cả năm. Nguồn thu từ đông trùng hạ thảo chiếm khoảng 40% nền kinh tế địa phương.

"Điều đáng ngại nhất là nhiều người dân du mục Tây Tạng chọn hoạt động này là kế sinh nhai thay cho chăn nuôi gia súc theo lối sống lâu đời. Về nhiều mặt, đây là một canh bạc lớn và tôi nghĩ về lâu dài, những truyền thống và cách sống tự cung tự cấp sẽ biến mất", Freyer chia sẻ.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ