Săn “thần dược” ở Thất Sơn

GD&TĐ - Không rõ từ bao giờ việc săn bắt những con côn trùng có nọc độc nguy hiểm như nhện hùm đất, bò cạp, rết đã trở thành nghề mưu sinh của không ít người dân vùng Thất Sơn (Bảy Núi) thuộc địa phận hai huyện biên giới Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang). Có cầu ắt có cung nên từ lâu nơi đây cũng đã xuất hiện một khu chợ buôn bán côn trùng độc nhất vô nhị ở vùng Tây Nam bộ.

Săn côn trùng
Săn côn trùng

Gian nan và nguy hiểm

Thiên nhiên phú cho vùng Thất Sơn (Bảy Núi) phong phú đa dạng về các loại thuốc quý, từ thảo dược cho đến các loại côn trùng có nọc độc tuy nguy hiểm nhưng lại được xem là “thần dược” cho quý ông.

Theo anh Tám, người hành nghề săn lùng côn trùng lâu năm ở Tịnh Biên, thì nghề này mạnh ai nấy làm, cũng khá gian nan vất vả, nguy hiểm nên đòi hỏi phải có sức khỏe để leo núi, luồn rừng; phải gan dạ, liều lĩnh để đối mặt với những rủi ro khi bị côn trùng tấn công, cắn. Thiết bị hành nghề cũng đơn giản, chỉ cần cái đèn pin, đôi đũa tre dài khoảng 40cm, một cái thuổng, đôi găng tay bảo hộ để bắt côn trùng.

Những người hành nghề săn côn trùng ở dãy Thất Sơn chủ yếu là dân trong vùng, nên rất thông thạo địa hình và tập tính của từng loại côn trùng từ làm hang ổ đến săn mồi. Họ cho biết, loài bò cạp và nhện hùm đất rất kị nước nên thường sinh sống, làm hang ổ ở những gò đất cao ráo và độ sâu của hang khoảng 4 tấc. Khi trời mưa, chúng thường dùng hai càng to khỏe để bịt miệng hang lại tránh nước mưa tràn vào.

Theo kinh nghiệm của những người dân trong nghề thì côn trùng thường kiếm ăn vào ban đêm, khi ra vào hang ổ thường để lại các dấu vết trên nền đất ẩm ướt, người thợ săn cứ nhìn theo dấu vết ấy mà tìm nên thời điểm săn côn trùng hiệu quả nhất là vào lúc mờ sáng. Săn bắt bò cạp và rết dễ hơn nhện hùm đất, bởi chúng di chuyển chậm, khi gặp chỉ việc dùng đôi đũa tre mang theo gắp lấy là xong.

Bò cạp
 Bò cạp
Các loại rượu ngâm côn trùng
Các loại rượu ngâm côn trùng

Nọc bò cạp, rết rất độc, nhưng so với nọc nhện hùm đất thì còn thua xa. Tuy nhiên, dân trong nghề ai cũng có thuốc trị gia truyền và trị theo kinh nghiệm dân gian, nên nếu không may có bị cắn cũng ít khi bị mất mạng. Theo kinh nghiệm dân gian truyền lại, nếu ai bị rết cắn thì cho bò cạp cắn tiếp, lập tức sẽ hết đau buốt và ngược lại, bởi độc hai loại côn trùng này “kị” nhau. Một phương pháp dân gian nữa cũng rất hiệu nghiệm, đó là nếu người đàn ông đã lập gia đình, bị bò cạp, rết cắn chỉ cần lấy bàn tay người vợ xoa lên vết cắn thì cũng hết buốt đau ngay lập tức. Nhưng với loại nọc cực độc như nhện hùm đất, nếu bị cắn cũng phải dùng thuốc trị trong vòng vài tuần mới hết đau nhức.

Với dân hành nghề săn côn trùng lâu năm, chuyện bị bò cạp, rết cắn riết rồi quen không còn cảm giác sợ hãi nữa. Nhưng, trong ba loài côn trùng như bò cạp, nhện hùm đất, rết thì họ ngại nhất là săn bắt rết, bởi rết thường sống trong các khúc cây mục nát, nơi loài rắn chàm quạp thường trú ẩn. Rắn chàm quạp sinh sống rất nhiều ở vùng Thất Sơn, đây là loài rắn có nọc cực độc và nguy hiểm hơn cả rắn hổ mang chúa.

Người nào không may bị rắn chàm quạp cắn, vết cắn sẽ chảy máu hoài không cách nào cầm được, máu miệng cũng luôn trào ra, nếu không cấp cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Nhưng với thu nhập khá cao và ổn định nên nhiều người dân trong vùng Thất Sơn vẫn theo nghề săn bắt côn trùng dù có gian nan và nguy hiểm.

Chợ “thần dược quý ông”

Chợ Xuân Tô, nằm ở xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên được mệnh danh là chợ “thần dược quý ông” chuyên bán các loại côn trùng như bò cạp, nhện hùm đất và rết... Đã đôi lần có mặt ở chợ Xuân Tô, tôi chứng kiến có rất nhiều người bày bán la liệt hàng ngàn con bò cạp, nhện hùm đất, rết, bổ củi tươi sống và ngâm rượu.

Một chủ hàng ở chợ là người Khmer cho biết, những con côn trùng còn sống từ nhện hùm đất đến bò cạp, rết đều tùy theo lích cỡ con to nhỏ khác nhau mà có giá bán khác nhau, từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/con, con càng to giá càng cao. Rượu ngâm côn trùng có hai loại chủ yếu là rượu bò cạp, rượu rết; loại chai 1 lít có giá bán từ 80.000 đống/chai đến 100.000 đồng/chai.

Theo như chị chủ hàng quảng bá thì công dụng của các loại rượu ngâm côn trùng khác nhau, khi dùng thì mỗi lứa tuổi có hiệu quả khác nhau. Rượu bò cạp đối với trẻ em là để trị bệnh động kinh, đối với người già trị nhức mỏi, còn đối với cánh đàn ông “thiếu tự tin” là để trị căn bệnh “trên bảo dưới không nghe”.

Đối với loại rượu ngâm rết, ngâm nhện hùm đất chủ yếu trị thấp khớp, đau thần kinh tọa và nhức mỏi rất hiệu nghiệm. Bò cạp và loại rượu ngâm bò cạp được xem là “thần dược quý ông” này tuy chưa ai kiểm chứng được công dụng, nhưng luôn là mặt hàng bán rất chạy, thường xuyên cháy hàng.

Ngoài rượu ngâm các loại côn trùng kể trên, ở chợ này còn có rượu ngâm các các loại rắn, trong đó có loại rượu ngâm rắn lục với giá từ 1 - 2 triệu đồng/bình/lít. Đây là loại rắn lục nổi tiếng về độ độc, chỉ có ở vùng Thất Sơn, nếu ai không may bị cắn thì vộ phương cứu chữa.

Từ lâu nhện hùm đất, bò cạp, rết đều là những món đặc sản ở các nhà hàng được thực khách bản địa và thập phương ưa thích. Theo lời một số thực khách, những loài côn trùng này tuy có nọc rất độc, nhưng khi đã được chế biến thành món ăn rồi thì rất bổ dưỡng, đặc biệt là với các quý ông, nó giúp tăng cường sinh lực, duy trì bản lĩnh.

Dân sành điệu về ẩm thực vùng Thất Sơn rất khoái khẩu với món nhện hùm đất chiên giòn hoặc xào, thịt của chúng thơm ngon hơn cả tôm càng xanh, lại trị được bệnh hen suyễn. Những con rết, bò cạp thoạt nhìn thấy “ớn” nhưng đem xào hay nướng lên thơm lừng thì đều là món nhậu bổ dưỡng, hấp dẫn và được mệnh danh là “thần dược quý ông”.

Những năm gần đây, do bị săn bắt nhiều nên số lượng các loại côn trùng vùng Thất Sơn suy giảm, nhiều thợ săn phải lặn lội qua tận vùng Tà-keo, Sam-rong (Campuchia) săn bắt mới có hàng phục vụ nhu cầu cho du khách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ