Sẵn sàng nghênh chiến

GD&TĐ - Iran chuẩn bị nhiều phương án để đối phó với màn đáp trả của Israel, đồng thời tuyên bố sẽ đánh lại nhà nước Do Thái nếu điều này xảy ra.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Iran chuẩn bị nhiều phương án để đối phó với màn đáp trả của Israel, đồng thời tuyên bố sẽ đánh lại nhà nước Do Thái nếu điều này xảy ra, đẩy Trung Đông vào bầu không khí nóng hơn bao giờ hết.

Truyền thông Iran ngày 8/10 dẫn các nguồn tin cho biết quân đội nước này đang chuẩn bị “ít nhất 10 kịch bản” để đối phó với bất kỳ hành động trả đũa nào của Israel sau vụ Iran tấn công ồ ạt bằng tên lửa hôm 1/10. Quân đội Iran còn tự tin rằng có thể gây ra rắc rối chưa từng có cho Israel nếu hai bên đáp trả qua lại nhau vì lãnh thổ Israel nhỏ hơn nhiều so với Iran.

Hiện, Israel vẫn chưa hé lộ sẽ đáp trả màn tấn công của Iran như thế nào, trong khi đồng minh lớn nhất là Mỹ đang tìm mọi cách để hạn chế quy mô của đòn trả đũa này. Hôm 3/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố không ủng hộ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Tới ngày 6/10 xuất hiện tin Mỹ đã dàn xếp “một gói đền bù” cho Israel để nước này không tấn công các cơ sở hạt nhân hay dầu mỏ của Iran.

Dù là đồng minh thân cận nhất của Israel và có quan hệ đối đầu với Iran, nhưng có nhiều lý do để Washington tìm cách ngăn Israel không tấn công các cơ sở hạt nhân hay dầu mỏ của Iran.

Nếu các cơ sở này trở thành mục tiêu tấn công sẽ gây ra tác động rất lớn đến nền chính trị thế giới, đặc biệt là thị trường dầu mỏ toàn cầu vì Iran là một trong những nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu hiện nay.

Trong khi đó, đây cũng là hai mục tiêu được dự đoán là nằm trong tầm ngắm của kế hoạch trả đũa từ Israel vì có thể gây hậu quả lớn cho đối thủ, đồng thời phù hợp với các loại vũ khí tầm xa có độ chính xác cao của quân đội Do Thái. Một trong những loại vũ khí được dự đoán sẽ được Israel sử dụng nếu tấn công Iran là Delilah, được đánh giá là “nhỏ nhưng có võ” vì rất hiệu quả khi tác chiến.

Delilah là tên lửa hành trình do Israel phát triển từ năm 2018, được trang bị turbine phản lực, có thể bay “lòng vòng” thời gian dài trên không như một loại máy bay không người lái để xác định chính xác mục tiêu trước khi tấn công.

Tên lửa này được trang bị hệ thống dẫn đường tối tân, có thể tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi 250 km từ độ cao 8.500m. Đây được coi là vũ khí hiệu quả nếu Israel muốn nhằm vào các mục tiêu chiến lược là cơ sở hạt nhân hoặc dầu mỏ của Iran.

Cho đến ngày 8/10, bất chấp các phỏng đoán và bầu không khí đang căng như dây đàn, Israel vẫn không hé lộ bất cứ thông tin nào về việc họ sẽ đáp trả vụ tấn công lần thứ hai trong năm của Iran như thế nào, ngoài tuyên bố cứng rắn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm 2/10 rằng, Iran đã phạm sai lầm lớn khi bắn tên lửa vào Israel và sẽ phải lãnh hậu quả vì nguyên tắc ai tấn công Israel sẽ bị tấn công lại.

Ngoài các kịch bản như tuyên bố, Iran trong những ngày qua đã có thời điểm cấm bay trên không phận vào một số thời điểm nhạy cảm, càng cho thấy nước này đã sẵn sàng nghênh chiến nếu Israel có hành động trả đũa bằng quân sự.

Khu vực Trung Đông vốn đã nóng rực tròn một năm qua kể từ khi cuộc chiến Israel - Hamas nổ ra sau vụ tấn công của Hamas vào miền Nam Israel ngày 7/10/2023, nhưng nếu xung đột qua lại giữa Israel và Iran nổ ra mới thực sự đẩy khu vực này đến bờ vực chiến tranh toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các đại biểu cắt băng khánh thành Bệnh viện Nhi Hà Nội.

Khánh thành Bệnh viện Nhi Hà Nội

GD&TĐ - Sáng 9/10, UBND TP.Hà Nội tổ chức lễ khánh thành Bệnh viện Nhi Hà Nội, công trình trọng điểm chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Minh họa/INT

'Nước vui' là nước gì?

GD&TĐ - Cuối tháng 9, Công an TP Kon Tum bắt một vụ vận chuyển 'nước vui' đang trên đường đi tiêu thụ tại huyện Đắk Hà (Kon Tum).