Sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ cây đinh lăng

GD&TĐ - Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về đinh lăng, cho thấy tiềm năng, giá trị rất lớn của loài cây này.

Cây đinh lăng là nguyên liệu để điều chế cao chiết tốt cho sức khỏe.
Cây đinh lăng là nguyên liệu để điều chế cao chiết tốt cho sức khỏe.

Nhóm tác giả ở Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã điều chế cao từ cây đinh lăng trồng để làm ra viên nang, viên nén, cốm có tác dụng bảo vệ gan, giảm lipid máu.

Hoạt chất quý

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về đinh lăng, cho thấy tiềm năng, giá trị rất lớn của loài cây này. Các bằng chứng khoa học đã khẳng định các tác dụng của đinh lăng như: Bồi bổ cơ thể, nâng cao sức khỏe, tiêu sưng, lợi tiểu, giảm ho, giảm lipid máu, hạ đường huyết, chống oxy hóa…

ThS Lê Trung Khoảng, Trường Đại học Y dược Buôn Ma Thuột cho biết, đinh lăng là một trong những dược liệu được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền tại nhiều nước châu Á như Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc... Không chỉ được sử dụng như vị thuốc cổ truyền, đinh lăng còn được sử dụng như thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày.

Cây đinh lăng được trồng chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên do khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây. Tại Đắk Lắk, cây được trồng nhiều ở các huyện như Cư M’gar, K’rông Năng, Buôn Đôn,… với diện tích trên 100ha.

Cây đinh lăng có chứa tám loại saponin (một vài loại tương tự như thành phần trong sâm), glucosid, tanin, khoảng 13 loại axit amin (cystein, methoonin, lyzin,…), alcaloid, vitamin B1, B2, B6,… Trong các bộ phận của đinh lăng, rễ là bộ phận được sử dụng nhiều nhất với các tác dụng như tăng cường sinh lực, tăng tuần hoàn máu não, bảo vệ gan…

Lá đinh lăng đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có những tác dụng như: Giảm cholesterol, kháng viêm, hạ sốt, hỗ trợ điều trị hen,... Ngoài ra, hoạt chất sinh học chất chỉ dấu trong đinh lăng là acid oleanolic trong rễ, thân và lá đinh lăng lần lượt là 0,1% - 0,06% - 1,8%. Trong khi đó, khối lượng của thân đinh lăng so với khối lượng của toàn cây chiếm tỷ lệ lớn, lá chỉ khoảng 25%.

ThS Lê Trung Khoảng cho biết, hiện tại thị trường trong nước chưa có dạng bào chế viên nén bao phim chứa cao đinh lăng. Cũng chưa có nghiên cứu nào tận dụng cả rễ, thân và lá đinh lăng làm nguyên liệu sản xuất cho tới thành phẩm cuối cùng.

Để tránh lãng phí và tăng thu nhập cho người trồng dược liệu, nhóm tác giả ở Trường Đại học Y dược Buôn Ma Thuột đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu điều chế các dạng chế phẩm từ cây đinh lăng trồng tại Đắk Lắk”.

Cây đinh lăng, từ 5 năm tuổi trở lên, được thu hái tại xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Rễ, thân và lá được làm sạch và sấy ở 60 độ C, rồi xay thành bột với kích thước nhỏ hơn 1mm, đựng trong túi PE, hút chân không để tránh ảnh hưởng của không khí và ẩm.

Sau đó, nhóm tiến hành chiết cao rễ, thân bằng phương pháp ngấm kiệt, dung môi ethanol 47%. Đối với lá, sử dụng phương pháp chiết nóng ở 50°C, dung môi ethanol 70%.

Phối hợp các dịch chiết thu được, bay hơi dung môi trong thiết bị cô quay chân không 60°C cho tới khi thu được cao mềm dược liệu. Cuối cùng, điều chế thành viên nang, viên nén, cốm từ cao đinh lăng.

An toàn, hiệu quả cao khi thử nghiệm

ThS Lê Trung Khoảng cho biết, nghiên cứu đã đánh giá được tính an toàn của cao toàn cây đinh lăng trong thử nghiệm độc tính cấp. Kết quả cho thấy, với liều 5.000 mg/kg không gây chết và không ghi nhận bất kỳ độc tính nguy hiểm trên chuột. Ở liều 100 mg/kg và 200 mg/kg, cao toàn cây đinh lăng có tác dụng bảo vệ gan, làm giảm lipid máu ở chuột thí nghiệm.

Theo nhóm nghiên cứu, các chế phẩm từ cây đinh lăng do nhóm điều chế nếu được bổ sung một số tác dược khác có thể sử dụng cho mọi đối tượng, trong đó có cả người bị tiểu đường.

Hiện nhóm đã xây dựng các quy trình như xử lý dược liệu để làm nguyên liệu cho quá trình điều chế, chiết xuất cao định chuẩn làm đầu vào cho điều chế chế phẩm, điều chế các chế phẩm chứa cao định chuẩn đinh lăng, bộ tiêu chuẩn cơ sở của nguyên liệu đầu vào. Các quy trình được nhóm chuyển giao cho Công ty Cổ phẩn Đại học Y dược Buôn Ma Thuột để sản xuất sản phẩm đưa ra thị trường.

Theo ThS Lê Trung Khoảng, ngày nay, dược liệu ít được sử dụng trực tiếp mà phổ biến dưới dạng các sản phẩm chứa chiết xuất từ dược liệu như dung dịch, viên nén, viên nang, cao/kem, miếng dán… Cao chiết dược liệu là sản phẩm trung gian giữa dược liệu và các dạng bào chế này; chất lượng của sản phẩm chịu ảnh hưởng rất lớn bởi chất lượng của cao chiết.

Do đó, quá trình điều chế cao chiết từ dược liệu cần được nghiên cứu, xây dựng để thu được cao chiết đạt chất lượng tốt. Các dạng bào chế từ cao dược liệu dùng theo đường uống thường được bào chế ở dạng dung dịch, bột/cốm và dạng viên.

TS Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hiện tại thị trường trong nước chưa có dạng bào chế viên nén bao phim chứa cao đinh lăng. Cũng chưa có nghiên cứu nào tận dụng cả rễ, thân và lá đinh lăng để làm nguyên liệu sản xuất cho tới thành phẩm cuối cùng.

Giải pháp ứng dụng của nhóm nghiên cứu theo xu hướng nghiên cứu và sản xuất các chế phẩm hỗ trợ sức khỏe từ dược liệu, đặc biệt là các dược liệu ở vùng Tây Nguyên, mang tính kết hợp kỹ thuật của các ngành.

Sản phẩm đi từ nguồn nguyên liệu cây đinh lăng, sử dụng phần mềm trí thông minh nhân tạo để tối ưu hóa điều kiện chiết xuất, và áp dụng các thiết bị máy móc công nghiệp để bào chế ra thành phẩm là viên nén bao phim chứa cao chiết toàn cây đinh lăng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ