Rễ cây đinh lăng cổ thụ có tác dụng như nhân sâm núi?

Từ một vị thuốc Nam được trồng khá phổ biến tại Việt Nam, gần đây cây đinh lăng được đồn thổi có tác dụng như nhân sâm núi. Nhiều người không tiếc công sức, tiền bạc “săn” những bộ rễ đinh lăng cổ thụ hàng chục năm tuổi để chữa bệnh.

Lương y Bùi Hữu Lộc (79 tuổi) bên gốc cây đinh lăng có tuổi thọ 15 năm
Lương y Bùi Hữu Lộc (79 tuổi) bên gốc cây đinh lăng có tuổi thọ 15 năm
Trả 28 triệu cho bộ rễ đinh lăng

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây, nhiều thương lái đổ xô tìm về các vùng quê hẻo lánh thu mua những bộ rễ cây đinh lăng với tuổi đời lâu năm. Có những cây đinh lăng hàng chục năm tuổi được họ trả giá cả chục triệu đồng để làm nguyên liệu ngâm rượu.

Anh Lê Hữu Sơn (Thiệu Lý, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) cho hay: “Do không có thời gian đi tìm mua những cây đinh lăng lâu năm để ngâm rượu nên tôi phải hỏi mua lại của các tiểu thương.

Với những rễ cây đinh lăng ngoài 10 năm tuổi nhìn bề ngoài gần giống với củ nhân sâm, loại này ngâm rượu uống là nhất. Nếu như trước đây nhiều người tự hào với các loại rượu tê tê, bìm bịp, hổ mang… thì nay dân sành uống rượu phải có bộ sưu tập rượu ngâm rễ đinh lăng mới đúng chất chơi”.

Anh Sơn bê bình rượu thủy tinh khoảng 50 lít ngâm với rễ cây đinh lăng ra khoe: “Đây là bộ rễ cây đinh lăng trên 40 năm tuổi tôi mua được ở Đà Bắc, Hòa Bình với giá 28 triệu đồng.

Rễ quý lắm, phải gạ mãi mới mua được, rượu uống có vị ngọt, mùi khá thơm. Nhiều người còn bảo rằng loại này tốt như nhân sâm, có tác dụng làm mát gan, chữa bệnh tiểu đường và khắc chế ung thư (?)”.

“Vì nó có tác dụng “thần tiên” như vậy nên những bộ rễ cây đinh lăng hàng chục năm tuổi rất quý. Tôi phải đặt tiền trước và chờ đợi hàng tháng trời mới có được gốc đinh lăng tốt này. Khi đặt tiền tôi cũng nói đắt mấy cũng mua vì sợ sau này nhiều người săn lùng, cây lâu năm không còn”, anh Sơn chia sẻ.

Bác Trần Văn Hòa (68 tuổi, xã An Lão, huyện Bình Lục, Hà Nam) cho hay: “Cây đinh lăng người dân quê tôi vẫn hay trồng quanh rào ngăn cách giữa các nhà.

Thi thoảng cũng có hái để ăn kèm với thịt chua hoặc nấu canh chữa tắc tia sữa cho những người sinh nở. Chủ yếu bộ phận được sử dụng là lá cây.

Nhưng thời gian vừa qua có rất nhiều người đi tìm mua cây này nhưng lại là mua rễ và thân cây. Nhiều gia đình tự dưng thấy cây đinh lăng trồng làm rào giờ có giá cả triệu bạc họ đào lên bán hết. Cứ cây nhỏ giá thấp, cây lớn giá cao. Những cây bộ rễ nặng vài kg thì giá hàng chục triệu đồng”.

Anh Hoàng, một thương lái tại Hoàng Mai, Hà Nội cũng chia sẻ: “Dạo trước, đi các tỉnh phía Bắc thấy người dân trồng nhiều cây đinh lăng lắm, giờ mua những gốc đinh lăng cổ thụ khó hơn.

Lý do khiến đinh lăng bỗng trở nên đắt giá cũng xuất phát từ những thông tin trị bệnh của loài cây này liên tục được lan truyền rộng rãi. Nhiều người truyền tai nhau đây là cây thuốc quý với khả năng trị bách bệnh.

Những lời đồn thổi cho rằng, trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu và công nhận về khả năng kỳ lạ của đinh lăng. Nhiều tác dụng nổi bật của đinh lăng được truyền tụng đó là làm tăng cường sức dẻo dai và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống mệt mỏi.

Đặc biệt, nhiều người còn cho rằng vì cây đinh lăng cổ thụ tốt như nhân sâm núi nên đây là một phương thuốc hữu hiệu để chữa trị căn bệnh rối loạn tiền đình, chữa bại liệt và khắc chế ung thư”?

 Tin vào lời đồn thổi chữa bách bệnh, nhiều người dân đào cây đinh lăng lấy rễ ngâm rượu uống. Ảnh: Cao Tuân

Tin vào lời đồn thổi chữa bách bệnh, nhiều người dân đào cây đinh lăng lấy rễ ngâm rượu uống. Ảnh: Cao Tuân

“Thần dược” do… đồn thổi

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, PGS.TS Trần Quốc Bình - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TƯ nhận định: “Đinh lăng là một trong số những cây thuốc Nam được trồng khá phổ biến ở Việt Nam.

Riêng bộ phận rễ và gốc của cây đinh lăng thường được thái lát, sao khô rồi sắc nước uống có tác dụng bồi bổ khí lực, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Do có tính mát nên người dân cũng hay đem rễ, gốc của loài cây này ngâm với rượu trắng để uống. Còn việc loại rượu này được đồn thổi có khả năng “bổ thận tráng dương” cho nam giới thì đến nay chưa được kiểm chứng”.

“Đây đơn thuần chỉ là một vị thuốc Nam được người dân sử dụng rộng rãi, do có tính hàn nên thường dùng để chữa các chứng bệnh nóng trong như: Mát gan, sốt…Thực chất nó không có tác dụng giống nhân sâm hay chữa được bách bệnh mà mọi người thường nghĩ” - Bác sĩ Bình nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, lương y Bùi Hữu Lộc (79 tuổi, Hội Đông y huyện Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Gốc rễ cây đinh lăng có tính mát, tác dụng làm thanh nhiệt, mát gan và bồi bổ cho cơ thể.

Nó thường được dân gian đem thái miếng phơi khô rồi ngâm với rượu trắng theo một tỷ lệ nhất định. Nếu nói gốc rễ của cây đinh lăng có khả năng chữa được bách bệnh, trong đó có cả chữa bại liệt, ung thư thì là điều vô lý”.

Vừa nói chuyện với phóng viên, ông Bùi Hữu Lộc chỉ tay vào một bó rễ và gốc cây đinh lăng mà ông vừa đào từ vườn nhà mình. Ông kể, mình đã trồng khóm đinh lăng này từ gần 15 năm qua nên gốc cây mới được to và có hình dạng bắt mắt.

“Tôi sẽ cắt lát ra sao khô rồi hãm lấy nước uống hàng ngày để bồi bổ sức khỏe chứ không tin vào những lời đồn thổi thiếu căn cứ” - Ông Lộc tâm sự.

Đinh lăng già quá không tốt

Lương y Vũ Quốc Trung (Phòng khám đa khoa Chùa Cảm Ứng, Hà Nội) cho hay: “Đinh lăng lâu năm không có tác dụng chữa bách bệnh.

Hơn thế theo nguyên lý tự nhiên, những cây quá lâu năm có thể không còn tốt bởi các chất trong rễ cây đã bị lão hóa, không còn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nữa.

Theo tôi, rễ đinh lăng tốt nhất khi đạt ở độ tuổi 5 đến 10 năm. Ngoài ra khi mua rễ đinh lăng, người mua cần chú ý phân biệt cây đinh lăng lá nhỏ với các loại đinh lăng lá tròn, đinh lăng trổ… vốn chỉ có tác dụng tăng lực yếu, không bổ”.

Lạm dụng rễ cây đinh lăng có thể làm vỡ hồng cầu

Lương y Phó Hữu Đức - Chủ tịch Hội Đông y quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Trong rễ đinh lăng có chứa nhiều saponin có tác dụng gần như nhân sâm, nhiều sinh tố B1.

Lá đinh lăng cũng được dùng nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người mới ốm dậy. Tuy nhiên, do thành phần saponin có nhiều trong dễ đinh lăng, chất này có thể làm vỡ hồng cầu.

Vì vậy, chỉ dùng khi cần thiết và dùng đúng liều, đúng cách. Càng không được dùng rễ đinh lăng với liều cao vì sẽ gây say thuốc, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy”.

Theo giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ