Dự án Sân khấu Antigone do Viện Goethe phối hợp cùng Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam và các đạo diễn nổi tiếng như: Trần Lực, Bùi Như Lai, Hà Nguyên Long, Lê Thị Hòa An, nhà sáng tác đa phương tiện Hà Thúy Hằng, biên đạo Trần Minh Hải thực hiện.
Vở kịch được công diễn từ tháng 11/2021 - 3/2022 với 6 tác phẩm được diễn giải đặc biệt về Antigone.
“Việt hóa” kịch phương Tây
Mới đây, buổi công diễn của đạo diễn Trần Lực đã mở màn cho Dự án Sân khấu Antigone. Vở kịch dù đã trải qua gần 2.500 năm, nhưng tác phẩm sân khấu này vẫn là một nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng nghệ thuật trên khắp thế giới.
Vở kịch “Antigone” có thể tương đối xa lạ với công chúng Việt Nam. Nhưng những giá trị nhân văn được truyền tải trong tác phẩm lại có nhiều điểm tương đồng quen thuộc với “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, khi sử dụng hình tượng một người phụ nữ để nêu cao thông điệp về niềm tin đúng đắn, sự trung thành và phẩm giá con người.
Câu chuyện “Antigone” trong phiên bản gốc tương đối phức tạp, nhưng khi được tái hiện lại qua tư duy nghệ thuật của đạo diễn Trần Lực - bằng phương pháp ước lệ biểu diễn và kỹ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, tác phẩm đã trở nên dễ hiểu, chạm tới trái tim công chúng.
“Antigone” trên sân khấu Việt diễn ra trên một tấm thảm trắng. Đạo diễn Trần Lực cho biết, anh lấy ý tưởng từ manh chiếu của nghệ thuật Chèo, cùng lối diễn mang tinh thần ước lệ của Tuồng. “Việt hóa” vở kịch nổi tiếng thế giới đã đem tới cho khán giả cảm nhận đặc biệt về sân khấu truyền thống khi dung hòa hơi thở của sân khấu kịch phương Tây.
Antigone là cô con gái của gia đình Oedipus, nơi khởi nguồn của bi kịch. Câu chuyện Antigone bắt đầu từ cuộc tranh giành quyền lực giữa hai người anh trai của cô. Cả hai sau đó đều chết trong trận chiến. Vua Creon ra lệnh rằng, người anh bảo vệ thành phố sẽ được chôn cất, còn người anh còn lại - kẻ đã mang quân tiến đánh thành phố thì sẽ không xứng đáng với một ngôi mộ.
Antigone bất tuân luật lệ và chôn cất người anh trai đáng lẽ không được chôn. Cô chống lại luật lệ của Creon. Và vì vậy Antigone phải chết.
Vở kịch kể về sự đối nghịch luân phiên giữa luật nhân tạo và luật tự nhiên, trật tự do nhà cầm quyền sắp đặt và trật tự phổ quát. Vở kịch phơi bày mối nguy của một chế độ độc quyền, và ngụ ý một trật tự xã hội mới mang tính dân chủ.
Cách tiếp cận của đạo diễn Trần Lực gợi nhớ về lý thuyết bi kịch của Hegel. Antigone và Creon đều không nhận ra, họ đang vi phạm nguyên tắc đạo đức của đối phương. Thông qua những hành động và yêu cầu của bản thân, họ coi định hướng của mình là chân lý.
“Hâm nóng” sân khấu sau đại dịch
Sau buổi công diễn của đạo diễn Trần Lực là vở kịch do Bùi Như Lai đạo diễn. Như Lai tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, sau đó anh là diễn viên biên chế đoàn kịch 1 tại Nhà hát Tuổi trẻ. Vào năm 2003, anh được trao danh hiệu “Tài năng trẻ sân khấu” qua vai chính vua Edip trong vở kịch cùng tên.
Bùi Như Lai tiếp tục học Đạo diễn sân khấu và được coi như một trong những người khai phá loại hình kịch đương đại. Tuy nhiên, chất kịch của Như Lai lại có nét khác biệt, bởi anh dùng chính những câu chuyện của người trong cuộc để khám phá và đi đến tận cùng vấn đề.
Yếu tố tương tác được chú trọng đã tạo nên chất liệu chân thực và nổi bật cho sáng tạo nghệ thuật của anh. Anh được nhận xét như “một đạo diễn trẻ muốn truyền đạt sự khát khao được giải phóng khỏi những kìm kẹp, bất công, bạo lực và định kiến xã hội đối với những người khiếm khuyết, thiệt thòi hay bệnh tật”.
Công chúng còn nhớ đến những tác phẩm nổi bật của Như Lai như: Kịch hình thể “Stereo Man và đích đến cuộc đời”, “Stereo man và hành trình cảm xúc”, hay kịch tương tác “Đừng đợi đến ngày mai”, kịch đương đại “Hãy là chính mình” và nhiều tác phẩm khác.
Đến với “Antigone”, đạo diễn Bùi Như Lai xác định tinh thần của vở kịch cổ xưa này vẫn còn gây tiếng vang trong thời hiện đại. Đó là một câu chuyện buồn nhưng tương đồng với mọi quốc gia và nền văn hóa. Tính thời sự và chân lý trong vở kịch, dù đã trải qua gần 2.500 năm nhưng vẫn hiển hiện trên thế giới ngày nay.
Nhân vật chính Antigone là một người phụ nữ tốt bụng và giàu lòng nhân hậu. Cô hành động theo niềm tin mãnh liệt, nhưng vấp phải sức mạnh thực tế. Tình yêu và lòng trung thành đối với người anh trai xui xẻo đã khiến Antigone quay lưng chống đối nhà vua - chú của cô.
Antigone sẵn sàng chấp nhận số phận của mình và chịu mọi hình phạt. Điều đó tạo ra sự đồng cảm giữa những người có thể nhìn ra sự thật, giữa các thành viên trong gia đình, và cuối cùng là giữa người dân với nhà vua.
Đạo diễn Bùi Như Lai kể câu chuyện theo hướng trẻ trung với một bối cảnh không cầu kỳ. Đồng thời, anh cũng “Việt hóa” sân khấu bằng cách lồng ghép một số hình ảnh thời phong kiến Việt Nam, để truyền tải câu chuyện về Antigone một cách chân thực nhất.
Với “Antigone”, các đạo diễn bày tỏ niềm hứng khởi và tin tưởng sẽ mang lại sức sống “hâm nóng” sân khấu Việt, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.