Giới nghệ thuật gọi đó là kịch ứng tác. Nghe qua có vẻ rất vô lý, nhưng đó là xu hướng mới của sân khấu Việt Nam, hứa hẹn sẽ đem lại những triết lý từ thực tế cuộc sống và thu hút được khán giả.
Hơi thở sân khấu hiện đại
Đạo diễn Đào Ngọc Hà – người khởi xướng câu lạc bộ hài kịch ứng tác High Club giải thích: Kịch ứng tác là một hình thức trình diễn trong đó không có kịch bản và cũng không có đạo diễn. Ở dạng thuần khiết nhất, toàn bộ lời thoại, hành động kịch, cốt truyện và nhân vật được tạo ra một cách tự nhiên, ngay tức thời bởi người biểu diễn, mà không có sự chuẩn bị, thảo luận hay lên kế hoạch từ trước. Thông thường, diễn viên ngẫu hứng sẽ lấy một vài gợi ý từ khán giả.
Mỗi buổi diễn ứng tác luôn là một tác phẩm độc đáo duy nhất, không bao giờ có hai chương trình giống hệt nhau. Các buổi diễn ứng tác có thể khác nhau giữa các đoàn kịch, tùy thuộc vào mục tiêu, đào tạo và phong cách của mỗi đoàn, ví dụ có đoàn đi theo hướng hoàn toàn là hài kịch, có những đoàn pha trộn một chút hài kịch và một chút chính kịch hoặc chỉ thuần chính kịch.
Theo giới nghệ thuật sân khấu, ở Việt Nam kịch ứng tác vẫn là loại hình rất mới. Trên thế giới, kịch ứng tác đã phát triển rất mạnh và Mỹ là một ví dụ. Trên nhiều bang của nước này đều có các sân khấu kịch ứng tác và các liên hoan ứng tác được tổ chức hàng năm.
Tại Pháp, Trung Quốc… sân khấu kịch ứng tác phát triển mạnh mẽ và thu hút được khán giả. Điều làm cho khán giả thích thú chính là sự ngẫu hứng cùng cách xử lý tình huống thông minh của người diễn.
Một số nhóm kịch ứng tác ở nước ta mới được thành lập, tuy chưa có nhiều cơ hội thể hiện nhưng khán giả đã biết đến CLB kịch ứng tác Hà Nội, Trung tâm kịch ứng tác Việt Nam, High Club và một số nhóm nhỏ lẻ tại Đà Nẵng, TP HCM. Đại diện CLB hài kịch ứng tác Hà Nội nói rằng, việc thành lập nhóm với mục đích tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích dành cho các bạn yêu thích loại hình nghệ thuật mới. Qua đó, có thể nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật của chính các “ứng tác viên” và khán giả.
Đại diện nhóm cũng bày tỏ, rất thú vị khi có một khán thính giả tại Mỹ là ông Richard Nowak, sau khi nghe tin tức về CLB ứng tác Hà Nội trên đài VOV English thì đã viết thư đến đài bày tỏ cảm xúc vui mừng và thích thú khi biết được rằng ở Việt Nam đã có câu lạc bộ ứng tác và ứng tác đang được phổ biến rộng rãi tại đây.
Thời của kịch ứng tác
Thành lập từ tháng 7/2020 và nếu dịch Covid-19 không bùng phát trở lại, thì hài kịch “Ơ kìa… Tết!” do High Club đã diễn ra ở Hà Nội như lời hẹn vào dịp Tết Nguyên đán. Hiện tại, chưa thể ứng tác trên sân khấu lớn nhưng các thành viên vẫn hăng say trau dồi kỹ năng ứng tác, xử lý tình huống.
Trên phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội) có một sân khấu nhỏ The Rotten Grapes. Đây là nơi mà nghệ sĩ Lê Hoàng Long và nhóm Tông Lào thường xuyên biểu diễn các tiết mục vui nhộn, sâu sắc theo phong cách ngẫu hứng ứng tác từ những năm 2017.
Có thể nói, Tông Lào và The Rotten Grapes là nhóm các nghệ sĩ “nhiều không” nhất. Không kịch bản, không ý tưởng, không phục trang, không đạo cụ, không từ chối bất cứ tình huống nào. Thậm chí, diễn viên lên sân khấu cũng không xuất phát từ các trường nghệ thuật.
Sân khấu trống không, diễn viên dùng những đề xuất ngẫu hứng của bạn diễn hoặc của khán giả để ứng tác. “Những lời thoại, câu chuyện đó có khi chỉ tồn tại trong chính khoảnh khắc đó, chưa bao giờ được tạo ra trước đây và cũng sẽ không bao giờ lặp lại sau này”, nghệ sĩ Hoàng Long cho biết.
Không kịch bản, không luyện tập thì làm sao có thể diễn trên sân khấu? Đó là thắc mắc chủ yếu của những người lần đầu xem kịch ứng tác. Nghệ sĩ Hoài Thương, trưởng nhóm Tông Lào giải thích rằng, sự ứng biến của diễn viên không phải ngẫu nghiên mà là quá trình cùng nhau luyện tập thường xuyên, kỹ lưỡng trên sàn tập.
Diễn viên ứng tác sẽ phải tuân thủ cácnguyên tắc cơ bản. Đầu tiên là “không được từ chối bạn diễn”, thậm chí đó là những tình huống oái ăm, điên rồ nhất. Khi bạn diễn đưa ra tình huống ở trong trại tâm thần thì các thành viên còn lại sẽ phải diễn cho ra chất “người điên”. Thứ hai là “không được nghĩ gì trong đầu”. Diễn viên luôn phải tập trung cho thực tại, không suy nghĩ trước về cốt truyện, lắng nghe bạn diễn để không bỏ sót thông tin và tiếp nối câu chuyện. Thứ ba là “không có ngôi sao”, mỗi tiểu phẩm là thành quả của cả nhóm chứ không phải của cá nhân.
High Club của đạo diễn Đào Ngọc Hà lại khác, các thành viên của nhóm hầu hết là các diễn viên kịch nói chuyên nghiệp. Ngoài các diễn viên đến từ Nhà hát Tuổi Trẻ như diễn viên - biên kịch Hoàng Trang (đồng sáng lập High Club), diễn viên Trương Mạnh Đạt… Nhóm còn có những diễn viên trẻ đã tốt nghiệp hoặc đang theo học tại các trường nghệ thuật.
Đạo diễn Đào Ngọc Hà chia sẻ, dù đã được đào tạo bài bản về diễn xuất nhưng với các diễn viên, hài kịch ứng tác vẫn là một loại hình quá mới. Diễn viên phải tự “vẽ” tất cả lời thoại, tình huống với một cái đầu hồn nhiên. Điểm mạnh của kịch ứng tác là kéo khoảng cách giữa khán giả gần hơn với diễn viên. Thậm chí, khán giả còn là người quyết định cho hành động diễn xuất của diễn viên trên sân khấu.