San hô nơi đất liền

GD&TĐ - Nhiều người vẫn ví von một cách thân thương như vậy khi nói về các nữ nhà giáo Hà Nội có chồng đang công tác ở các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Cô Dương Thị Hồng Nhung tận tụy với nghề, với trò.
Cô Dương Thị Hồng Nhung tận tụy với nghề, với trò.

Họ là những tấm gương nghị lực trong công việc “trồng người” cũng như giữ gìn mái ấm gia đình, hiếu thuận với cha mẹ, nuôi con khỏe dạy con ngoan để chồng yên tâm làm nhiệm vụ.

Tự hào 

Nơi biển đảo xa xôi, những cánh hoa san hô vững vàng trong phong ba, bão táp, lung linh sắc màu, giản dị, nồng ấm như trái tim người lính. Trái tim ấy luôn mang nặng hình nước, hình quê và hình người vợ tần tảo, đảm đang nơi quê nhà. Với Thiếu tá Trần Văn Quân, đang công tác tại Ban Phòng không, Phòng tham mưu Bộ Tư lệnh Vùng 5 - Phú Quốc (Kiên Giang) cũng vậy. Ngắm những rạn san hô vững vàng nơi biển khơi, anh lại nhớ về người vợ hiền nơi đất liền, đang vừa làm con, vừa làm mẹ và làm thay vai trò của người cha trong gia đình nhỏ của mình. Nơi đó, người bạn đời của anh cũng luôn kiên cường, mạnh mẽ như bông hoa san hô của biển.

Cô Hoàng Thị Bích Tuyền - Trường THCS Phù Lưu (huyện Ứng Hòa) không giấu được niềm hạnh phúc khi Tết Tân Sửu vừa rồi, Thiếu tá Trần Văn Quân được về đón Tết với mẹ con cô. Đã có thâm niên đi đảo từ năm 2007, suốt 14 năm qua, có đến 6 cái Tết anh không được sum vầy cùng gia đình.

Cô Tuyền bộc bạch: Có chồng đi công tác đảo xa là phải xác định thay chồng làm nhiệm vụ phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc con cái. Cả quãng thời gian tôi mang thai và sinh hai con, anh Quân đều ở ngoài đảo. Những chuyến công tác dài ngày khiến anh không kịp về đón con chào đời. Mãi đến khi con biết đi mới biết mặt bố. Nhưng không vì thế mà chúng tôi nản lòng. Được sự quan tâm hỗ trợ từ hai bên gia đình, nhà trường, tôi và các con luôn nỗ lực để anh vững tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ.

Ngành Giáo dục Hà Nội trao quà cho các nữ giáo viên, nhân viên có chồng làm nhiệm vụ nơi biển đảo.
Ngành Giáo dục Hà Nội trao quà cho các nữ giáo viên, nhân viên có chồng làm nhiệm vụ nơi biển đảo.

Cô Dương Thị Hồng Nhung - giáo viên Trường Mầm non Hoa Sen (huyện Thanh Trì) có chồng là Trung úy Trần Đức Thành đang làm nhiệm vụ tại Trạm radar 21, đảo Song Tử Tây. Cô Nhung bộc bạch: Lấy nhau tròn 10 năm, nhưng thời gian vợ chồng tôi ở bên nhau rất ít. Anh Thành đi công tác triền miên, lâu nhất có thời điểm gần 2 năm không được về nhà với vợ con. 

Vừa dạy học, vừa cáng đáng việc nhà, chăm sóc 2 cậu con trai đang tuổi lên 3, lên 5, cô Dương Thị Hồng Nhung vẫn luôn vẹn nguyên niềm tự hào khi chồng là chiến sĩ biển đảo, cố gắng gạt buồn phiền để chăm sóc con cái, hoàn thành công việc nuôi dạy trẻ. 

Cô Nhung tâm sự: Khó khăn rất nhiều nhưng mỗi lần anh gọi điện về, tôi thấy mọi vất vả dường như tan biến hết. Tôi luôn động viên để anh yên tâm, vững tâm làm nhiệm vụ nơi biển đảo quê hương. Khi hai vợ chồng hiểu, đồng cảm với nhau hơn, mọi khó khăn đều được hóa giải…

Lạc quan với cuộc sống, công việc chăm sóc trẻ thơ, cô Dương Thị Hồng Nhung có nhiều bài dạy sáng tạo, kích thích được sự khám phá tư duy của trẻ. Cô tích cực học hỏi, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào đổi mới phương pháp dạy học; tự nâng cao trình độ, tìm thông tin trên mạng, bổ sung tranh, hình, clip phù hợp để dạy trẻ. Lồng ghép nhiều trò chơi dân gian vào bài dạy để cuốn hút trẻ vào các hoạt động của lớp, của Trường Mầm non Hoa Sen.

Ngành GD-ĐT Hà Nội gặp mặt nữ nhà giáo Thủ đô là vợ, học sinh là con cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại các vùng biển đảo của Tổ quốc nhân dịp đón xuân Tân Sửu 2021.
Ngành GD-ĐT Hà Nội gặp mặt nữ nhà giáo Thủ đô là vợ, học sinh là con cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại các vùng biển đảo của Tổ quốc nhân dịp đón xuân Tân Sửu 2021.

Lặng lẽ “tròn vai”

Bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội chia sẻ: Với những nữ giáo viên, nhân viên đang công tác trong ngành GD-ĐT Thủ đô, các cô không những quán xuyến, đảm đang công việc gia đình mà còn đạt nhiều thành tích như: Giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở, “Cô giáo tài năng, duyên dáng”, “Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” hay danh hiệu “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, “Cô giáo người mẹ hiền”... Các cô là hậu phương vững chắc để cán bộ chiến sĩ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ nơi đảo xa.

Có chồng là anh Chu Văn Thanh, chiến sĩ hải quân công tác 20 năm ngoài biển đảo, cô Lê Thị Ngà - giáo viên Trường THCS Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn xác định phải mạnh mẽ và can đảm. Cô tâm sự: Là phụ nữ, ai cũng muốn được gần chồng, có chồng bên cạnh, nhất là khi trái gió trở trời. Con trai tôi cũng luôn hỏi, bao giờ bố mới nghỉ hưu. Những lúc ấy, dù mạnh mẽ thế nào cũng khó tránh khỏi chạnh lòng.

Cô Ngà không thể quên cảm giác khi chuẩn bị sinh con thì chồng thực hiện nhiệm vụ, đi công tác xa một thời gian dài - chuyến đi không phải muốn về là được về. Ngày anh đi, mắt hai vợ chồng đỏ hoe, cô không nói được câu gì vì sợ sẽ bật khóc. Lần ấy anh đi tận 2 năm, về nhà được ít ngày lại nhận nhiệm vụ mới.

Biết anh Thanh cũng rất lo lắng cho gia đình, thương vợ trẻ, con thơ nhưng hiểu những tâm tư, khó khăn của người lính phải xa nhà đi giữ biển đảo. Biết công việc của các anh quanh năm ngày tháng lênh đênh trên biển cả thực sự đã rất vất vả và đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng, cô Ngà không muốn anh phải lo lắng nhiều cho mẹ con mình.

Cô chia sẻ: Tôi cứ lặng lẽ làm “tròn vai” của mình, vừa chăm lo gia đình, vừa hoàn tất việc dạy học. Bên cạnh đó, lúc nào tôi cũng động viên anh là mẹ con tôi rất khỏe, mọi việc đều rất tốt. Thực sự, suy nghĩ lớn nhất của tôi khi anh đi công tác xa là cố gắng sống khỏe mạnh, chăm con thật tốt, làm việc thật tốt để chồng yên tâm công tác, không phải lo lắng về mọi việc ở nhà; mong anh và đồng đội được an toàn và hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở về thăm gia đình.

Mẹ con cô Nguyễn Thị Vy.
Mẹ con cô Nguyễn Thị Vy.

“Làm vợ lính nhiều thiệt thòi lắm” là bộc bạch chân thành của cô Nguyễn Thị Vy - giáo viên Trường THCS Tân Định, quận Hoàng Mai, có chồng là anh Lê Xuân Thanh đang công tác ở đảo Song Tử Tây. “Chồng đi biền biệt nên nhiều lúc thấy trống vắng nhưng được sự động viên, quan tâm, giúp đỡ của gia đình hai bên, đồng nghiệp ở trường, tôi cảm thấy bớt đi phần nào khó khăn”, cô Vy tâm sự.

Từ lúc lấy nhau đến nay đã có 2 con nhưng thi thoảng anh Lê Xuân Thanh mới có mặt ở nhà. Theo cô Vy, khổ nhất là mỗi khi trái gió trở trời, con ốm đau, cô phải một mình xoay xở, đưa con đi khám. Nhưng không vì thế mà nản lòng, cô nỗ lực vượt qua những thời điểm khó khăn để chèo lái gia đình, chăm con khôn lớn. Cô tâm tình: Câu mà hai con tôi hay hỏi là sao mẹ lại lấy chồng bộ đội. Tôi luôn nói với con rằng bởi đó là điều tự hào khi là hậu phương vững chắc nơi quê nhà, người lính sẽ vững tâm ngày đêm bảo vệ Tổ quốc, biển đảo. Tôi vẫn thường cho các con xem những clip chồng gửi về từ biển đảo để các con thấu hiểu hơn, từ đó nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống…

Các nữ nhà giáo Thủ đô luôn cảm thấy tự hào mỗi khi nhắc đến chồng mình. Các anh cũng là hình mẫu, tấm gương, động lực để các con luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ như chia sẻ của em Vũ Diễm Quỳnh - lớp 5A2, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) trong bức thư gửi cho bố là đồng chí Vũ Chí Công - Phó Hải đội trưởng Hải đội 321, Hải đoàn 32, Bộ Tư lệnh, vùng cảnh sát biển 3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đóng quân tại Trường Sa - Khánh Hòa.

Trong thư, Quỳnh viết: Các bạn thường hỏi con “Bố cậu đi đâu mà chúng tớ không biết mặt?”. Con có đôi chút tủi thân nhưng luôn hạnh phúc và tự hào khi kể chuyện về bố. “Bố tớ là cảnh sát biển đấy. Bố yêu công việc này bởi yêu màu áo lính và biển đảo quê hương. Bố muốn góp một phần sức lực của mình để bảo vệ vùng trời, vùng biển, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Biển là một phần cuộc sống của bố…”.

Cô học trò lớp 5 nhắn nhủ bố: “Bố luôn khuyên bảo con phải ăn nhiều, ngủ đúng giờ để có sức khỏe. Lễ phép với ông bà, thầy cô, cha mẹ; chăm chỉ học hành để trở thành người con có ích cho đất nước. Dù ở xa nhưng bố vẫn uốn nắn con từng cử chỉ, lời nói để con trưởng thành. Con luôn tự hào về bố…”.

Sẽ không thể nói hết khó khăn của những nữ giáo viên, nhân viên có chồng đi làm nhiệm vụ nơi biển đảo. Để hoàn thành tốt công việc ở trường, chu toàn công việc gia đình, các chị phải nỗ lực gấp nhiều lần. Sự nỗ lực ấy không thể đo đếm được, nhưng đều xuất phát từ tấm lòng hướng về biển đảo thân yêu của quê hương, về người chồng đang kiên cường bám biển và cả tình yêu với các thế hệ tương lai của đất nước. Vất vả là thế nhưng các nữ nhà giáo Thủ đô có chồng công tác tại đảo xa chưa bao giờ băn khoăn về sự lựa chọn của mình, bởi với họ, hạnh phúc luôn tràn đầy nếu như vợ chồng cùng cố gắng vun đắp và hướng về nhau. - Bà Trần Thị Thu Hà (Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ