Những nữ nhà giáo tâm huyết, sáng tạo

GD&TĐ - Từ phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” của ngành Giáo dục, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, luôn tâm huyết, sáng tạo và cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Trong số đó, có rất nhiều nữ nhà giáo Thủ đô tiêu biểu. Họ chính là những bông hoa đẹp trong “vườn hoa GD”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Cô Nguyễn Kim Anh – giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa): Xây dựng tài liệu phát triển kỹ năng sống cho HS

Công tác trong ngôi trường công lập tự chủ tài chính toàn phần, cô Nguyễn Kim Anh đã cùng các đồng nghiệp của mình góp phần làm nên những bước tiến mới của mô hình nhà trường. Cô là giáo viên có nhiều đổi mới hiệu quả trong dạy học môn Ngữ văn và luôn có ý thức chủ động, sáng tạo để những bài giảng không bị sa vào lối mòn. Hằng năm, cô luôn được Sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT tín nhiệm điều động tham gia nhiều nhiệm vụ đặc biệt, nhiều hoạt động chuyên môn quan trọng của ngành.

Trong công tác giáo dục học sinh, với vai trò là giáo viên chủ nhiệm lớp và Khối trưởng chủ nhiệm, cô đặc biệt chú ý rèn nếp học và nếp sống cho học trò. Được sự phân công của BGH, cô đã xây dựng khung giáo án Kỹ năng sống. Đây là tài liệu khung để các giáo viên chủ nhiệm tiếp tục sáng tạo nhằm tổ chức dạy học thành công các bài kỹ năng sống trong giờ sinh hoạt.

Sau 5 năm tham gia vào Hội đồng biên soạn, phát triển chương trình nhà trường, với nhiệm vụ xây dựng và liên tục bổ sung điều chỉnh qua từng năm học để chương trình không ngừng hoàn thiện, cô đã cùng hai đồng nghiệp của mình xây dựng chương trình dạy học bộ môn Ngữ văn cho cả 3 khối lớp 10, 11 và 12 hữu hiệu. Nhờ các môn cùng làm tốt, nhà trường đã tổ chức được nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo đặc sắc, có những đợt học tập trải nghiệm liên môn đặc biệt để đổi mới dạy học và GD học sinh hiệu quả. Qua đó, cô đã cùng các thầy cô ở Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa thực sự rèn được những kỹ năng cần thiết để giúp phát huy năng lực cho học sinh. Với những nỗ lực, phấn đấu của mình, năm 2018 cô vinh dự được nhận Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”.

2. Cô Lưu Thị Lan Hương – GV Trường Tiểu học Dịch Vọng A: Xây dựng bài giảng trực tuyến hiệu quả

Từng tốt nghiệp thủ khoa - Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 1998 cô giáo Lưu Thị Lan Hương vào ngành Giáo dục công tác. Đến nay cô đã có 20 năm gắn bó với “phấn trắng, bảng đen”. Cô luôn tâm niệm: Dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn làm việc và cống hiến hết mình. Vì thế, cô luôn chủ động tìm tòi, học hỏi và sáng tạo không ngừng trong từng tiết dạy.

Trong suốt quá trình công tác, với mong muốn truyền thụ kiến thức cho học sinh một cách hiệu quả nhất, giúp cho việc dạy và học luôn gây được hứng thú cho cả thầy và trò, cô đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng Khoa học của ngành đánh giá cao. Đơn cử như: Một số trò chơi giúp học sinh có hứng thú hơn khi học phân môn luyện từ và câu lớp 5; Sáng kiến về Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả giờ dạy cho học sinh lớp 1 và lớp 4; Một số sáng kiến về Kinh nghiệm dạy học cho học sinh lớp 3...

Bên cạnh việc viết sáng kiến kinh nghiệm, kỹ năng ứng dụng CNTT thành thạo, cô đã tạo ra rất nhiều đồ dùng dạy học và các bài giảng để phục vụ cho công tác giảng dạy trong nhà trường. Việc đưa đồ dùng này vào dạy học, giúp cho học sinh lớp 1 trở nên hứng thú với việc học viết, giáo viên bớt vất vả hơn. Đồ dùng này đã được đồng nghiệp phấn khởi đón nhận và áp dụng hiệu quả vào các giờ dạy.

Cô Hương còn cùng với nhóm giáo viên khối 5 làm “Bộ tư liệu giáo án dạy Lịch sử - Địa lí địa phương” đạt giải B cấp thành phố. Cô cùng đồng nghiệp đã đạt giải Ba Hội thi Đồ dùng dạy học cấp quận với “Đồ dùng dạy học chương: Sức khỏe và con người, môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3”. Ngoài ra, cô còn có bài giảng E-learning đưa lên trang https://hoctructuyen.violet.vn, được nhiều đồng nghiệp trên cả nước gọi điện học hỏi kinh nghiệm thiết kế bài giảng.

Với nhiều cố gắng và nỗ lực không ngừng, cô giáo Lưu Thị Lan Hương đã có 8 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 9 năm đạt danh hiệu Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cấp quận; Danh hiệu Người tốt, việc tốt, Gia đình Công nhân viên chức tiêu biểu, gia đình hiếu học cấp quận. Đặc biệt là danh hiệu Nhà giáo cống hiến, sáng tạo cấp quận 2 năm liền và được đề cử cấp thành phố; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố

Cô cũng từng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cùng nhiều giấy khen của Ban chấp hành Đảng bộ quận, Hội Khuyến học, Công đoàn Giáo dục quận và Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy. Dịp 20/11/2018, cô vinh dự được vinh danh Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo”.

3. Cô Vũ Ngọc Dự - Hiệu trưởng Trường Mầm non Mai Dịch (Cầu Giấy): Mạnh dạn áp dụng mô hình mới vào dạy học

Với danh hiệu “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”, cô Dự đã không làm phụ huynh và các đồng nghiệp thất vọng về mình. Cô luôn đề cao và đặt yêu cầu tiên quyết đối với đội ngũ giáo viên là: “Cô giáo tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ”. Bằng trách nhiệm và sự tâm huyết của mình, cô đã mạnh dạn, sáng tạo tổ chức cho CBGV, NV tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý và nghiệp vụ sư phạm thông qua các giảng viên, chuyên gia trong và ngoài nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường GD lấy trẻ làm trung tâm, với cương vị là hiệu trưởng, cô đã mạnh dạn, sáng tạo quy hoạch các khu vực trong trường theo mô hình GD mầm non quốc tế. Chỉ đạo đội ngũ GV xây dựng môi trường GD trong lớp theo hướng tận dụng các không gian cho trẻ hoạt động, các góc hoạt động mang tính mở đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho các bé có thể chơi mà học, học bằng chơi. Cô cũng cùng với GV sáng tạo thiết kế phía ngoài lớp học thành 8 khu tiểu cảnh cho trẻ hoạt động, vui chơi.

Đặc biệt, cô đã mạnh dạn áp dụng phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục tiên tiến của Trường Quốc tế Unis, Singapore, Thụy Điển vào nhà trường, nhằm giúp các bé phát triển toàn diện, có các kỹ năng xã hội tốt, mạnh dạn, tự tin.

“Tôi đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho 100% GV về kỹ năng giao tiếp, chương trình “Giá trị sống”, Tin học cơ bản và nâng cao, tiếng Anh... Bên cạnh đó có nhiều giải pháp động viên giáo viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn như: Tạo điều kiện về thời gian, tuyên dương các cá nhân xuất sắc, khích lệ về vật chất... Nhờ vậy, hiện nay 100% GV nhà trường có trình độ trên chuẩn” .
Cô Vũ Ngọc Dự

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...