Chủ động tích lũy
Theo ThS Huỳnh Quang Cường (Trưởng bộ môn Mỹ thuật - Công nghiệp), vẽ tất nhiên là thế mạnh, năng khiếu thiên bẩm khi các em lựa chọn ngành học đặc thù đòi hỏi có môn thi năng khiếu này. Tuy nhiên để đạt điểm cao trong môn thi có tính chất quyết định cả tổ hợp môn xét tuyển, cách thức ôn luyện, thể hiện bài thi khoa học, phù hợp là rất quan trọng.
Những tiết học năng khiếu luôn đòi hỏi sự sáng tạo và tư duy mới mẻ. Điều này đặc biệt đúng với môn vẽ, sự chủ động nơi người học bao giờ cũng là “chìa khóa” cho những tác phẩm hay, đẹp ra đời.
ThS Cường nhận định: Sự chủ động tích lũy, học tập trong bộ môn nghệ thuật như vẽ rất quan trọng. Các em ngoài việc luyện theo sự chỉ bảo của giảng viên, có thể chủ động học qua bạn bè, sách vở. Học chủ động giúp các em bổ sung kiến thức, điều mới mẻ và sáng tạo mà nhiều khi trên lớp không được học, chia sẻ.
Đồng hành cùng thí sinh
“Nhằm giúp các em có nguyện vọng thi đầu vào môn vẽ như Trang trí màu và Hình họa vẽ chì, các thầy cô ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang và Công nghệ điện ảnh truyền hình… Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã thành lập các group trên Zalo (từ thời điểm có dịch Covid-19) để kết nối và cung cấp bài giảng nhằm giúp thí sinh có kiến thức thực hiện các bài vẽ màu và hình khối.
HS tham gia khóa ôn luyện sẽ thực hiện bài vẽ theo yêu cầu. Bức vẽ của các em khi hoàn thành được chia sẻ trên group của nhóm để thầy cô góp ý. Những gì được và chưa được của các bài vẽ được cả nhóm cùng phân tích, lắng nghe. Đây cũng là cách rút kinh nghiệm trực tiếp để trò nghiền ngẫm, đúc kết kinh nghiệm cho mình” - ThS Cường chia sẻ.
ThS Huỳnh Quang Cường cho biết: Các lớp ôn luyện trực tuyến môn năng khiếu vẫn được nhà trường tiến hành đều đặn 3 buổi/tuần nhằm hỗ trợ tốt nhất kinh nghiệm, kĩ năng thi vẽ năng khiếu cho HS, nhất là với em ở tỉnh xa, ít có cơ hội tiếp cận các trung tâm luyện thi môn vẽ.
Lịch ôn thi môn năng khiếu của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng bắt đầu từ ngày 15/5 với bài học đầu tiên về môn Trang trí màu được các em hưởng ứng tích cực. “Đối với bài thi môn vẽ, thí sinh cần hết sức tỉ mỉ để phát huy khả năng cũng như tính sáng tạo nghệ thuật của mình một cách cao nhất. Do đó, thí sinh cần sắp xếp, định hình bố cục bài thi một cách cân đối, hài hòa, kết hợp với việc sử dụng màu sắc đậm nhạt của chì vẽ để thể hiện độ dày, mỏng, gam màu nóng lạnh, hay chất liệu trong bài thi khối vật thì tác phẩm của mình mới đạt độ chuẩn” – ThS Cường lưu ý thí sinh.