Giáo viên Nguyễn Tôn Thanh Nguyên - Trường THPT Chi Lăng, An Giang khi chia sẻ kinh nghiệm ôn tập môn học này đã nhắc đến đầu tiên việc hệ thống kiến thức bằng sơ đồ nhánh hoặc sơ đồ tư duy. Giáo viên không cần ôn tập nhanh, nếu cần có thể giảng lại, nhắc lại nhiều lần kiến thức đã học, cho học sinh rèn luyện bài tập thật nhiều. Tập trung chú ý kèm cặp học sinh có học lực trung bình – yếu kể cả khi ôn lại kiến thức lẫn khi rèn luyện bài tập, giải đề.
“Tôi thường xuyên dành thời gian trả bài học sinh bằng nhiều hình thức. Có thể là chia lớp ôn tập thành nhóm đôi hoặc nhóm bốn để thực hiện trả bài trên giấy.
Tôi cho các nhóm ghi lại tóm tắt các sự kiện, nội dung kiến thức theo khung cho sẵn; cùng với đó, nối cột sự kiện; điền khuyết nội dung kiến thức, chọn nội dung đúng, sai… Mục đích để các em cùng nhớ lại kiến thức đã học. Có thể cho nhiều bài khác nhau cho các nhóm khác nhau, làm xong, các nhóm sẽ tiến hành chấm điểm chéo cho nhau.
Giao mỗi nhóm một nội dung kiến thức theo từng giai đoạn, yêu cầu các nhóm thảo luận và thống nhất, lên bảng ghi lại nội dung cơ bản của giai đoạn được giao. Nhóm nào làm trong thời gian nhanh hơn, nội dung cơ bản đảm bảo hơn thì có thưởng” – giáo viên Nguyễn Tôn Thanh Nguyên chia sẻ.
Đưa lời khuyên trong học và ôn tập cũng như làm bài thi để có kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, giáo viên này đặc biệt lưu ý học sinh nắm thật kỹ kiến thức đã học, nhất là kiến thức cơ bản có trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12. Khi làm bài, cần đọc nhanh qua đề thi, những câu hỏi dễ (dạng câu hỏi ở mức độ biết) khoanh đáp án ngay. Những câu hỏi dạng khó hơn (dạng câu hỏi ở mức độ hiểu và vận dụng) dành nhiều thời gian hơn một chút (có thể là 1 hoặc hơn 1 phút) để phân tích câu dẫn và chọn đáp án thật chính xác.
Cũng với môn Lịch sử, cô giáo Tiêu Cẩm Vân - Tổ trưởng chuyên môn tổ Sử - Địa – Giáo dục công dân, Trường THPT Võ Thành Trinh, An Giang cho rằng, giáo viên nên tập trung vào giải quyết các câu hỏi nhận biết để học sinh nắm chắc 5 điểm. Cùng với đó, hướng dẫn giải bài tập trắc nghiệm tại lớp; có kế hoạch hỗ trợ kiểm tra bài thường xuyên, động viên tư tưởng đối với học sinh yếu, lười học.
“Với học sinh, các em cần nắm kiến thức theo chủ đề, tránh nhầm lẫn giữa các chuỗi kiến thức theo tiến trình lịch sử; đọc sách giáo khoa nhiều; tham khảo các bài giảng qua các kênh truyền hình. Các em cũng chú ý làm câu hỏi trắc nghiệm qua tài liệu của giáo viên bộ môn, học sinh khá giỏi tham khảo thêm các đề trên trang web các trường THPT” – cô Tiêu Cẩm Vân đưa lời khuyên.