Dự án xây dựng khu vui chơi cho thiếu nhi vùng cao được làm từ nguyên vật liệu tự nhiên và tái chế đa dạng được đánh giá cao bởi ý tưởng vừa tiết kiệm chi phí vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Ước mơ sân chơi của trẻ vùng cao
Đến với cuộc thi, nhóm học sinh (HS) Đặng Phương Linh (lớp 7B), Lý Thị Phương (lớp 8A) và Ma Thị Yến Nhi (lớp 8B), cùng cô giáo hướng dẫn Phạm Thị Kim Chung Trường PTDTBT THCS Nậm Mòn, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã mang tới ý tưởng xây dựng dự án “Sân chơi tái chế Happy garden”.
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng dự án, HS Đặng Phương Linh, lớp 7B - thành viên dự án, chia sẻ: Đối với lứa tuổi thiếu nhi, vui chơi là nhu cầu thiết yếu, như thức ăn, nước uống hàng ngày.
Tuy nhiên, hiện nay, sau các giờ học hay kì nghỉ hè, nghỉ lễ, các bạn HS vùng cao nói chung và địa bàn nơi em sinh sống nói riêng không có điều kiện đi du lịch hay đi chơi ở các khu vui chơi trong thị trấn, thành phố.
Các bạn thường chơi game, xem tivi, ra suối chơi nên khá nguy hiểm... Vì vậy, có một khu vui chơi lành mạnh dành cho thiếu nhi vùng cao là mong ước của tất cả chúng em.
Còn Lý Thị Phương lớp 8A, người cùng chung ý tưởng dự án lại cho biết: Chúng em ước có một khu vui chơi dành cho tất cả bạn nhỏ ngay tại địa phương mình. Do đó, nhóm đưa ra ý tưởng thiết kế khu vui chơi cho thiếu nhi từ các vật liệu tái chế, với hi vọng sẽ được hiện thực hóa ở nơi chúng em sinh sống, để các bạn được hòa mình với thiên nhiên, giao lưu kết nối và phát triển thể lực, trí tuệ trong những ngày hè oi bức và sau những giờ học trên lớp.
Sau thời gian nghiên cứu, “Sân chơi tái chế Happy garden” được nhóm nghiên cứu thiết kế khá đa dạng các trò chơi dù chỉ trong một không gian không quá lớn: Bập bênh đơn, bập bênh kép; Đường đua; Xà đơn, xà kép; Khu rừng thử thách; Cầu khỉ; Chinh phục đỉnh cao; Bi lắc và cờ búng; Thư viện…
Không những được thiết kế đơn giản và dễ thi công, các trò chơi đa số được làm ra từ những vật liệu tự nhiên dễ kiếm và đã qua sử dụng nhưng vẫn còn bền như: Lốp xe ô tô, xe máy, xe đạp, thùng sơn, chai nhựa…
Cô Phạm Thị Kim Chung, người hướng dẫn dự án, chia sẻ: Để tạo ra một khu vui chơi mới, chi phí sẽ tốn kém. Vì vậy, nhóm HS cùng GV hướng dẫn đã nghiên cứu kĩ lưỡng và chọn lựa ra những nguyên vật liệu tự nhiên, có thể tái chế để xây dựng khu vui chơi. Điều đó góp phần tiết kiệm chi phí và đặc biệt làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Đưa ý tưởng vào thực tế
Tại vòng chung kết, dự án “Happy garden” của nhóm HS Trường PTDTBT THCS Nậm Mòn đã nhận được đánh giá cao từ Ban Giám khảo cuộc thi về tính sáng tạo và khả năng áp dụng thực tiễn cao, đồng thời xuất sắc vượt qua 10 đội thi đến từ các trường học của tỉnh, thành trong cả nước để giành giải Nhất. Không những thế, dự án “Sân chơi tái chế Happy Garden” còn là 1 trong 3 dự án được nhận hỗ trợ 50 triệu đồng từ Ban tổ chức để đưa dự án vào thực tế.
Theo tính toán của nhóm, “Sân chơi tái chế Happy garden” sau khi hoàn thiện, sẽ giống như một trung tâm vui chơi giải trí của HS, trẻ em trong xã. Các em tới đây không chỉ đơn thuần vui chơi, giải trí, xả stress sau những giờ học căng thẳng, mà còn tạo ra một môi trường lành mạnh để thực hành giao tiếp xã hội và rèn luyện kỹ năng sống.
Trao đổi về việc đưa dự án “Sân chơi tái chế Happy garden” vào thực tiễn, cô Phạm Thị Kim Chung thông tin: Nhà trường đã xin UBND huyện khu đất cạnh nhà văn hóa thôn Cốc Cài Thượng, xã Nậm Mòn (Bắc Hà - Lào Cai) để biến dự án thành sân chơi cho trẻ trong vùng. Tuy nhiên, ngoài 50 triệu được Ban tổ chức hỗ trợ, nhà trường đang triển khai công tác vận động, huy động 70 triệu đồng vốn đối ứng từ các tổ chức, cá nhân để bắt tay xây dựng.
Việc huy động nguồn nhân lực cùng chung tay xây dựng là các tổ chức đoàn thanh niên, phụ huynh, GV… cũng được lên kế hoạch sẵn sàng. Đoàn xã sẽ có trách nhiệm 1 năm 2 lần tổ chức kiểm tra tổng thể, sửa chữa đảm bảo an toàn cho trẻ em khi sân chơi được đưa vào sử dụng.
Thầy Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nậm Mòn, huyện Bắc Hà (Lào Cai), trao đổi: Mô hình được Ban tổ chức công nhận bằng giải Nhất là niềm vui, tự hào của nhà trường, chứng tỏ dự án nghiên cứu khoa học kĩ thuật của HS đang ngày càng có chất lượng cao, phù hợp và có khả năng triển khai vào thực tế.
Với ý nghĩa của dự án, nhà trường mong muốn sớm huy động đủ nguồn kinh phí đối ứng để xây dựng khu vui chơi cho HS trong vùng từ các vật liệu tái chế có tính bền vững, nguồn vốn không nhiều nhưng thời gian và giá trị sử dụng có thể lên tới hàng chục năm…