Nếu còn trụ được đến 2027, Ukraine sẽ không thua?

GD&TĐ - Theo giới bình luận phương Tây, nếu phòng thủ thành công và nhận được viện trợ tối đa, đến năm 2027 Ukraine có cơ hội phản công và chiến thắng.

Nếu còn trụ được đến 2027, Ukraine sẽ không thua?

Theo bài viết trên tạp chí The Economist, thời điểm để Lực lượng vũ trang Ukraine có đủ năng lực để có thể tạo ra một bước đột phá lớn ở mặt trận không sớm hơn năm 2027, trước đó họ cần kiên nhẫn phòng thủ trước sức tấn công của Nga, đồng thời cũng phải nhận được sự hỗ trợ tối đa từ phương Tây.

Theo bài viết đó, Ukraine sẽ cần thời gian từ 2024 đến hết năm 2026 để củng cố binh lực và phát triển một lực lượng phản công mạnh mẽ có thể xoay chuyển cục diện xung đột với Nga.

Tuy nhiên, triển vọng lạc quan đối với Lực lượng Vũ trang Ukraine còn kèm theo điều kiện đủ là Kiev phải nhận được sự hỗ trợ quy mô lớn từ phương Tây trong suốt thời gian này, mà không phải ai cũng chắc chắn về điều này, đặc biệt là với chính sách thăng trầm của Hoa Kỳ qua các đời tổng thống khác nhau.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có quan điểm khắt khe hơn nhiều trong việc ủng hộ Ukraine, so với chính quyền Joe Biden hiện nay. Và ngay cả khi ông Biden tái đắc cử nhiệm kỳ tới, Quốc hội mới cũng sẽ còn khắt khe hơn với các gói viện trợ cho chính quyền Kiev so với Quốc hội hiện tại.

Ấn phẩm này nhận định rằng, nếu nhận được sự hậu thuẫn tối đa từ nay đến năm 2027, các cuộc tấn công của Lực lượng vũ trang Ukraine vào các vị trí của Nga trong vài năm tới sẽ đạt tới mức độ “rất mạnh mẽ và không thể đẩy lùi, đến mức có khả năng cao Lực lượng vũ trang Nga sẽ không thể chống chọi được".

Tuy nhiên, nếu giới lãnh đạo chính trị và Bộ chỉ huy Lực lượng Vũ trang Ukraine chủ quan, nôn nóng cố gắng thực hiện một cuộc phản công nhằm vào Quân đội Nga khi họ chưa hoàn thành giai đoạn củng cố và phát triển binh lực, thì toàn bộ ý tưởng sẽ trở nên tan vỡ, thất bại sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Economist lưu ý rằng, các gói hỗ trợ quân sự mới từ Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu không thể khắc phục tình hình vào thời điểm này, vì họ chưa đủ lực và chưa chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài, trên quy mô lớn, trong khi ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã có sức mạnh vượt trội.

Ở Liên bang Nga, hầu hết các doanh nghiệp quốc phòng hiện nay đều hoạt động theo chế độ 24/7. Moscow đang làm tốt việc thực hiện trật tự quốc phòng thời chiến, không chỉ tốt cho nhu cầu hiện tại của lực lượng Nga tại Khu vực Chiến dịch Quân sự Đặc biệt, mà còn tốt cho việc tích lũy lực lượng dự bị.

Trong khi đó, ở tiền tuyến, tình hình hiện nay là Lực lượng vũ trang Ukraine không chỉ thiếu sức mạnh để nắm giữ các khu định cư không có ý nghĩa quân sự ở vùng đồng bằng hoặc xa các huyết mạch hậu cần lớn; mà còn thiếu thốn nhân lực và trang bị để bảo vệ các thành phố lớn, các khu định cư quan trọng về mặt quân sự.

Ví dụ như việc Lực lượng Vũ trang Ukraine để mất Ocheretino đã giúp Quân đội Nga có một bàn đạp lý tưởng để tiến hành một cuộc tấn công vào ít nhất năm khu vực khác ở địa phương, trong khi lực lượng phòng thủ Ukraine chưa sẵn sàng cho tình huống tình hình biến chuyển xấu đi nhanh như vậy.

Trước The Economist, tờ New York Times của Mỹ ngày 24/2 cũng đưa tin rằng, giới tướng lĩnh Mỹ và NATO đã không che giấu sự bi quan về khả năng của quân đội Ukraine, đồng thời chỉ ra rằng, trong trường hợp lạc quan nhất, Kiev chỉ có thể tiến hành một cuộc phản công mới vào năm 2025.

Theo các tướng lĩnh Mỹ, trong số này có Tướng bốn sao của Quân đội Hoa Kỳ Christopher Cavoli, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Châu Âu của Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ và Tư lệnh Tối cao của Lực lượng Đồng minh NATO ở Châu Âu (kể từ năm 2022), chính quyền Kiev hiện nay đứng trước nhiều vấn đề cần giải quyết, trước khi họ có thể nghĩ tới một chiến dịch phản công mới vào các khu vực mà Nga đang kiểm soát.

Theo giới chức NATO, Bộ chỉ huy Ukraine phải dành trọn cả năm nay (2024) để tái cơ cấu và củng cố các đơn vị chủ lực đã thiệt hại nặng nề trong cuộc phản công ở Zaporozhye nửa cuối năm 2023 và trong cuộc tấn công dữ dội của Nga ở Donetsk cuối năm 2023-đầu năm 2024, rồi mới nghĩ đến việc thực hiện một cuộc phản công mới vào năm 2025.

Họ lo lắng rằng, những hành động xốc nổi của giới chính trị ở Kiev sẽ gây nguy hại nghiêm trọng cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, bởi trong năm qua, khoảng hơn 20 lữ đoàn chủ lực của của Ukraine, bao gồm cả 8 Lữ đoàn chuẩn NATO mới thành lập đều đã cơ bản mất sức chiến đấu khi luân phiên thay quân ở cả Bakhmut, Rabotino và Avdiivka, mà không được nghỉ ngơi, củng cố.

Nếu các chính trị gia Kiev và giới tướng lĩnh quân đội Ukraine nôn nóng mở chiến dịch phản công mới, hậu quả sẽ càng nghiêm trọng, có thể dẫn đến việc mất thêm nhiều vùng lãnh thổ mới, trong khi các Lực lượng Vũ trang Ukraine suy kiệt sức chiến đấu, không thể phục hồi được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.