Sân chơi – bãi tập cho học sinh nông thôn!?

Sân chơi – bãi tập cho học sinh nông thôn!?

Tuổi thơ của các em HS ở những vùng nông thôn, vốn đã chịu nhiều thiệt thòi từ điều kiện kinh tế gia đình và môi trường xã hội. Vậy mà khi đến trường, một cái sân chơi cho các em nhiều khi cũng không được đảm bảo. Có thể nói, đây cũng là một trong những lí do khiến HS vùng nông thôn, đặc biệt là HS vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa gắn bó với trường học.
Đời sống vật chất của trẻ vùng cao còn thiếu thốn
Đời sống vật chất của trẻ vùng cao còn thiếu thốn

Vào thăm Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Đăk DJRăng, huyện Mang Yang, Gia Lai). Trường có khuôn viên khá lý tưởng, là niềm mong ước của rất nhiều trường học. Tuy nhiên,  ngoài khoảng trống từ cổng trường vào đến dãy phòng học, phần khuôn viên còn lại đều là gốc cây lô nhô đang đâm chồi nảy lộc.

Thầy Võ Xuân Bá, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ khi đưa vào sử dụng, toàn bộ khuôn viên trường đều là rừng. Nhà trường đã tổ chức giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, sức HS chỉ có thể phát quang cây cối, còn việc đào gốc là quá khả năng các em. Nhà trường đã làm tờ trình xin kinh phí địa phương để thuê xe ủi. Thế nhưng, cho đến nay, kinh phí vẫn chưa thấy đâu cả”.

Trường THCS Lê Quí Đôn có 324 HS/ 10 lớp học, trong đó, HS người đồng bào dân tộc thiểu số là 104 em. Trường học được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 10 năm 2008. Vậy mà ngay đến chỗ đứng cho HS chào cờ đầu tuần cũng chưa có.

Giờ học thể dục, các em phải ra tận bãi đất trống ở ngoài bìa rừng. Tuy bãi đất này cách trường không xa và cũng tương đối đảm bảo cho giờ học, song nhà trường vẫn cứ nơm nớp lo sợ. Bởi ở vùng này, bom đạn thời chiến tranh sót lại vẫn còn khá nhiều. Thầy Bá cho hay: “Khi mới về đây, nhà trường đã tìm thấy một số quả đạn trong khuôn viên. Do đó, khi học thể dục ngoài kia, sợ rằng GV không thể quản lý hết được các em. Nếu chẳng may, các em đùa nghịch, chạy vào rừng thì hậu quả không thể lường trước được”. Không có sân trường, mọi hoạt động vui chơi của HS đều không thể tổ chức. Những trò chơi dân gian trong tiêu chí xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực xem ra còn xa vời với HS nơi đây.

Đó là trường hợp cá biệt ở một ngôi trường mới được xây dựng. Thế nhưng, với những trường đã có sân chơi cho HS thì khó khăn cũng chẳng kém gì. Tôi đến Trường tiểu học Đăk Yă (thuộc xã Đăk Yă) trong một buổi trưa nắng gắt. Sân trường vẫn chưa được bê tông hóa, nắng chiếu hắt lên màu đất đỏ làm hoa cả mắt. Sân trường này vào mùa mưa, mặt sân trơn như được khoác lên một tấm thảm mỡ. Hiệu trưởng Lê Thị Lan than phiền: “Mùa mưa, sân trường bị sình lầy, trơn trượt, nhưng còn chịu được. Nhưng vào mùa nắng, thì phải chấp nhận sống chung với bụi. Mỗi cơn gió đi qua, bụi mù mịt cả sân trường. Bụi cuốn vào lớp học, làm dơ bẩn quần áo, sách vở của HS và GV. Mỗi khi làm vệ sinh sân trường thì chỉ có cách là đi nhặt từng cọng rác chứ không dám lấy chổi ra quét”.

Trường tiểu học số 2 Ayun (xã Ayun) có một trụ sở chính và 4 phân hiệu ở các làng, với tổng số HS là 420 em. Năm 2006, trường được tiếp quản trụ sở Khu bảo tồn quốc gia Kon Ka Kinh làm trụ sở chính. Nhìn từ bên ngoài thì đây là một ngôi trường rất hoành tráng nằm giữa đại ngàn, trông giống như một khu biệt thự. Đường từ cổng dẫn vào lớp học quanh co, uốn lượn, phòng ốc được thiết kế và bố trí theo kiểu một cơ quan làm việc. Cả một trụ sở tương đối lớn nhưng chỉ có 2 phòng được sử dụng cho 4 lớp học. Sân chơi, sân tập cho HS cũng đã có. Nhưng đây chỉ là  2 “thẻo sân” dùng cho trụ sở làm việc. Cả hai “thẻo sân” này cũng như 2 phòng học kia đều không thể nói là đạt yêu cầu sử dụng cho trường học. Thế nhưng, có còn hơn không! Ở những phân hiệu của trường này, còn khó khăn hơn gấp bội lần. Cô giáo Phạm Thị Oanh, Chủ tịch Công đoàn nhà trường chia sẻ khó khăn: “Anh vào các phân hiệu trường thì sẽ biết! Mùa mưa, sân trường nổi sình. Trâu bò dẫm lên trông chẳng khác nào đám ruộng. Chúng còn vào tận trong lớp học để tránh mưa và nghỉ qua đêm. Các cô giáo ở đây, mỗi lần đi vào sân trường còn phải xắn quần, thì HS lấy chỗ đâu mà chạy nhảy...”?

Thiết nghĩ, việc học của các em HS ở những vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc tạo cho các em có được một sân chơi sạch, một môi trường sư phạm tốt mà ở đó “trường ra trường, lớp ra lớp” nhằm thu hút các em đến trường là rất cần thiết!

Tiến Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.