Sai phạm trong các dự án lớn tại Thái Bình: Xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân như thế nào?

GD&TĐ - Về những sai phạm trong các dự án kinh tế, quản lý đất đai tại Thái Bình, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. 

UBND tỉnh Thái Bình
UBND tỉnh Thái Bình

Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tập trung khắc phục những vi phạm trong quá trình thực hiện các dự án, xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12.

Tiếp tục phát lộ những dự án có sai phạm

Người dân tại dự án có sai phạm bức xúc thông tin với phóng viên
Người dân tại dự án có sai phạm bức xúc thông tin với phóng viên 

Ngoài các sai phạm về quản lý Nhà nước tại các dự án như đã phản ánh, Báo GD&TĐ tiếp tục tìm hiểu và nhận thấy nhiều dự án khác tại tỉnh Thái Bình cũng “làm ẩu”, vướng sai phạm không hề nhỏ.

Khi thực hiện dự án Khu dân cư Nguyễn Đức Cảnh (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) UBND huyện này đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ GPMB và chi trả một phần tiền cho người dân nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất đến từng cá nhân, hộ gia đình. Việc làm này của UBND huyện Thái Thụy khi thực hiện dự án Khu dân cư Nguyễn Đức Cảnh là vi phạm Nghị định 181/2004/NĐ-CP.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này kéo dài nhiều năm do vướng mắc về GPMB và do UBND huyện Thái Thụy không bố trí được tài chính để thực hiện dự án. Tháng 8/2016, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 2788/UBND-CTXDGT giao liên danh Công ty Cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Phú Hưng và Công ty Cổ phần Lam Sơn Thái Bình làm chủ đầu tư dự án.

Vấn đề là quyết định thay đổi chủ đầu tư trên được ký trong khi UBND tỉnh Thái Bình chưa xử lý xong việc đã giao cho UBND huyện Thái Thụy làm chủ đầu tư trước đây. Như vậy là chưa tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trách nhiệm sai sót này thuộc UBND huyện Thái Thụy, Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, Sở Xây dựng và cuối cùng là trách nhiệm của UBND tỉnh Thái Bình.

Điều tra của Báo GD&TĐ cho thấy, tại dự án đầu tư xây dựng công trình đường Thái Bình, Hà Nam nối với đường cao tốc Cầu Giẽ, Ninh Bình do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh (bà Hoàng Thị Phương là giám đốc) làm chủ đầu tư trên tổng diện tích đất là 266.256 m2. Mặc dù, dự án thi công từ năm 2010 - 2017, nhưng đến nay chưa có quyết định giao đất của UBND tỉnh Thái Bình, vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, về đầu tư xây dựng.

Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh được hưởng lợi khi được cấp giấy phép khai thác cát trên diện tích 7,5 ha tại khu bãi bồi thuộc địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Doanh nghiệp này đã thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên nhưng không thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ tài chính về đất đai. Điều này có dấu hiệu vi phạm các Điều 15 và 107 của Luật Đất đai 2003.

UBND huyện Hưng Hà, Thái Bình tỏ ra ưu ái khi có quyết định cho bà Hoàng Thị Phương được thuê tổng diện tích đất là 30,9 ha, trong đó có 10 ha thuê năm 2012 trùng với 7,5 ha Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh được giao để khai thác cát, 20,9 ha thuê năm 2013 tại khu bãi bồi thuộc địa phận xã Tiến Đức để làm bãi chế biến khai thác vật liệu xây dựng và thực hiện dự án xây dựng trang trại, trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái.

Trong khi cá nhân bà Hoàng Thị Phương chưa nhận được thông báo để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai thì UBND huyện Hưng Hà đã “nhanh nhảu” bỏ qua quy định của pháp luật về đất đai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Hoàng Thị Phương, phần 20,9 ha.

Những sai phạm trên có trách nhiệm trực tiếp của UBND huyện Hưng Hà, UBND xã Tiến Đức, Chi cục Thuế huyện Hưng Hà, doanh nghiệp đầu tư và cuối cùng là trách nhiệm của UBND tỉnh Thái Bình.

Một dự án có sai phạm tại Thái Bình
Một dự án có sai phạm tại Thái Bình 

Sẽ xử lý trách nhiệm như thế nào?

Quá trình điều tra, Báo GD&TĐ ghi nhận các sai phạm xảy ra trong thời kỳ dài, ở nhiều lĩnh vực, có tính hệ thống, có liên quan đến trách nhiệm của nhiều đơn vị, tổ chức tại tỉnh Thái Bình. Trong đó, nổi bật là trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố, Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Cục Thuế, nhà đầu tư và của UBND tỉnh Thái Bình.

Liên quan đến các sai phạm tại Thái Bình, ngày 31/8, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 7856/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình thực hiện nghiêm túc, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng, quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình được yêu cầu tập trung xử lý, khắc phục những vi phạm trong quá trình thực hiện các dự án, xử lý triệt để các vi phạm về đất đai tại các dự án.

UBND tỉnh Thái Bình phải tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức đơn vị có liên quan đến sai phạm kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra sai phạm. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Kết quả xử lý phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.