Cố tình vi phạm?
Theo tìm hiểu Báo GD&TĐ, khu resort New Đồng Châu nằm trên địa bàn xã Đông Minh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) do Công ty New Đồng Châu (Công ty Đồng Châu) xây dựng gồm: Khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, quán cafe, phòng hát karaoke… trên tổng diện tích khoảng hơn 11,7 nghìn m2. Trong đó, công ty đã tự ý chuyển đổi hơn 6.000m2 đất nuôi trồng thủy sản khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Công ty Đồng Châu do ông Đặng Huy Thiêm làm giám đốc. Năm 2014, ông Thiêm được UBND huyện Tiền Hải cho thuê hơn 4.800 m2 đất với mục đích kinh doanh. Sau đó, ông Thiêm nhận chuyển nhượng thêm hơn 27.200 m2 đất nuôi trồng thủy sản của các hộ dân.
Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, khu resort New Đồng Châu chưa thực hiện giám sát môi trường, chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư mở rộng xây dựng nhà hàng ăn uống và kinh doanh thủy sản cũng như thủ tục môi trường.
Quá trình Công ty Đồng Châu xây dựng những hạng mục công trình tại khu resort đã bị UBND xã Đông Minh lập nhiều biên bản đình chỉ, yêu cầu dừng thi công và xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng với số tiền 3 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty Đồng Châu vẫn bất chấp, tiếp tục xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng, kinh doanh rầm rộ trước sự bất lực của chính quyền.
Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng chính quyền xã Đông Minh xử phạt và ra văn bản theo kiểu “cho có”, không đủ sức nặng, không dứt điểm nên mới dẫn đến việc Công ty Đồng Châu cố tình xây dựng, hoạt động một cách ngang nhiên như vậy.
“Tiền trảm, hậu tấu”?
Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, khu resort New Đồng Châu được xây dựng trên hai khu đất với kiến trúc hiện đại, quy mô hoành tráng, vị trí thoáng mát, nằm giáp đê biển Đồng Châu.
Nếu nhìn theo hướng ra biển, khu đất bên trái được Công ty Đồng Châu xây dựng hệ thống nhà hàng rộng vài trăm m2, các ngôi nhà được xây dựng kết cấu 1 tầng kiên cố, mái bê tông lợp ngói. Xung quanh các ngôi nhà là các hồ nhân tạo trồng những cây dừa, bên trong có một bài đỗ xe rộng khoảng vài trăm m2. Đằng sau khu nhà hàng là một vườn ươm cây cùng một số công trình đang xây dựng dở.
Khu đất thứ 2 nằm bên phải gồm: 9 công trình xây dựng kiên cố một tầng, mái bê tông lợp ngói; 1 công trình quy mô hai tầng, bê tông cốt thép; sân và ao cá. Ngoài ra, còn có một dãy nhà được chia thành nhiều phòng để kinh doanh dịch vụ karaoke và quán cafe…
Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Trần Thị Hoa - cán bộ Công ty Đồng Châu cũng thừa nhận về những vi phạm nêu trên và khẳng định: “Công ty Đồng Châu sai đến đâu sẽ sửa đến đó. Công ty đang hoàn tất thủ tục để gửi các sở, ban, ngành có thẩm quyền để xin hướng dẫn. Công ty đang khắc phục những sai phạm đã xảy ra và chờ quyết định của UBND tỉnh Thái Bình”.
Theo thông tin từ bà Hoa, phải chăng Công ty Đồng Châu đang thực hiện theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu”, bất chấp việc bị chính quyền địa phương đình chỉ, tìm mọi cách làm cho xong rồi chịu phạt theo quy định; sau đó xin các cơ quan có thẩm quyền cho tồn tại, biến công trình vi phạm trở thành hợp pháp.
Điểm e, khoản 1, điều 10, Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ: Đất nuôi trồng thủy sản thuộc nhóm đất nông nghiệp. Việc Công ty Đồng Châu tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nuôi trồng thủy sản sang xây dựng khu resort khi chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền là vi phạm pháp luật về đất đai.
Theo đó, tại khoản 2, điều 8, Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định rất rõ: Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp sẽ bị xử phạt: Từ 1 - 2 triệu đồng với diện tích bị chuyển đổi dưới 0,5ha; Từ 2 - 5 triệu đồng với diện tích từ 0,5 đến dưới 3ha; Từ 5 - 10 triệu đồng với diện tích từ 3ha trở lên.
Ngoài ra, khoản 3 điều 8, Nghị định này cũng quy định, buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Dư luận cho rằng, nếu tỉnh Thái Bình chỉ xử phạt và chấp nhận để khu resort New Đồng Châu tồn tại thì quả thật quy định pháp luật cũng chỉ là “cho có” chứ không được áp dụng đúng thực tế. Đồng thời, việc để công trình này tồn tại sẽ trở thành tiền lệ xấu để nhiều doanh nghiệp khác bất chấp làm theo. Hơn thế, người dân sẽ giảm lòng tin vào quy định của pháp luật cũng như cơ quan quản lý Nhà nước.